Hànội…hồi ấy (23)
(tiếp theo)
Chàng họa sĩ gật đầu, ngạo nghễ :
- Đúng như thế, tôi muốn phơi bày những thứ mà các bậc đàn anh của tôi không những che đậy mà còn thêm thắt cho con người những vẻ đẹp nó không có như sự siêu phàm, sự cao cả, tóm lại những tiên ông tiên bà mà anh nói lúc mới tới đây đó…
Tôi chỉ tay vào một bức tranh phần trên là người , phần dưới là ngựa :
- Cái kia cũng vậy?
- Không không, cao hơn thế, cái đó nói về sự biến dạng của con người thoái hoá trở lại con thú.
Tôi há miệng :
- Theo anh sự biến dạng đó là có thực sao ?
Có chớ, không những có mà còn là một thực trạng đáng báo động.
Tôi rùng mình như nghe một lời phán quyết và rồi bức tranh cuối cùng làm tôi tối tăm mặt mũi, lắp bắp :
- Cái gì, anh vẽ cái gì ?
Chàng họa sĩ bước tới, bật ngọn đèn trên đầu,khom người xuống trịnh trọng :
- Đây là bức tôi mới hoàn thành và rất ưng ý, bức họa… con bọ hung.
Tôi hét lên :
- Không phải, không phải, anh vẽ tôi phải không ?
Chàng họa sĩ như bị xúc phạm, ngửa mặt lên trời :
- Tôi không ám chỉ bất cứ ai, tôi vẽ… nhân loại.
Một ý nghĩ loé trong đầu, tôi nhảy ba bước tới nắm cổ chàng họa sĩ :
- Phải thằng Trịnh kể với anh không ?
- Về cái gì ?
- Về cái mà anh đã vẽ trong bức tranh khốn nạn kia kìa ?
Tôi quát lên, đẩy chàng ngã chỏng chơ, đâm sầm xuống thang gác và lao qua những vũng nước bẩn trong ngách nhà với nỗi kinh sợ của người bị ma đuổi. Trời ơi, trời ơi, liệu có thể xảy ra cái điều như bức tranh gớm ghiếc kia dự báo không ? Một con người đang biến dạng thành bọ hung với bộ mặt nhọn hoắt, mắt nhắm tịt bên dưới đôi gọng râu dài nghêu và một cái vòi ghê tởm sẵn sàng rúc vào đống phân.Tôi cắm đầu cắm cổ đạp qua các phố bất chấp những chiếc ô tô lướt sát qua người với hơi lạnh ghê người của thần chết. Bằng sự dẫn dắt của một giác quan nào đó, cuối cùng tôi cũng mò về được tới nhà, căn phòng bày ra trước mắt tôi ảo giác về một cái hố xí bao năm nay tôi đã ngoi ngóp trong đó và chính cái thằng họa sĩ khốn nạn kia đã thức tỉnh tôi bằng cái bức tranh ghê tởm của hắn.
Tôi vớ ngay cái gậy góc nhà và bằng một lòng căm thù thú vật tôi đập vào đống chai lọ, nồi, bếp, miệng gào lên :
“ Đồ đê tiện, đồ tò mò tọc mạch…”.
Đúng lúc đó, Trịnh nhảy xổ vào ôm chặt lấy tôi và giằng cây gậy vứt đi :
“ Điên rồi, mày điên rồi, mày phá hết sản nghiệp của bọn mình rồi.”
Tôi vùng vẫy trong tay Trịnh, miệng vẫn gào thét :
“ Tao không có phe bọn gì với cái thằng họa sĩ đểu cáng ấy. Cút đi, tất cả chúng mày cút đi…”
Và rồi như có cái gì nổ bùng trong đôi mắt tôi, tất cả tối sầm lại và hình như tôi ngã vật xuống. Mãi chiều tối mới tỉnh giấc và thấy ngay chân tay bị trói gô đặt nằm trên chiếc chiếu trải góc nhà. Trịnh đang lúi húi nấu cái gì đó. Tôi nghiến răng cố dứt dây trói và căng óc không hiểu vì sao mình lại rơi vào tình trạng thảm hại này. Chợt Trịnh quay người lại :
- Mày tỉnh rồi hả ?
- Mày làm cái trò gì với tao thế này ?
Trịnh nhoài tới, cười toe toét :
- Kinh khủng quá, mày cứ như thằng phát rồ, tao không trói chân tay mày lại không khéo mày giết cả tao.
Tôi cau mày :
- Nhưng có chuyện gì kia chứ ?
Mày quên rồi hả ? Mày đập vỡ hết vỏ bia rồi, tao không về nhanh chắc cái bếp dầu cũng đi tong rồi. Thằng Ngời làm gì mày mà nổi máu điên lên ghê gớm vậy ?
Tôi ngẩn người và dần dà nhớ ra tất cả, hoá ra trong người tôi như có kho thuốc nổ, chỉ cần một tia lửa thôi và cái đó đâu phải lỗi ở chàng họa sĩ, suy cho cùng chính tôi phải cảm ơn sự báo động của hắn chớ.
“ Cởi trói cho tao đi, mày yên trí, tao hết điên rồi…”
“ Mày định đi đâu bây giờ?”
“ Tao đến thằng Ngời”.
“ Không được, lại định tới đấy đập phá hả ?”
“ Không phải đập phá mà cảm ơn, cảm ơn hắn đã cho tao nhìn rõ một thực trạng…”
Một ma lực nào đó chi phối khiến tôi khăng khăng bước đi mặc kệ mọi lời khuyên can của Trịnh, tội nghiệp, hắn vẫn cứ tưởng tôi thâm thù chàng họa sĩ ghê gớm lắm. Tôi trở lại cái ngách nhà ướt át, chiếc cầu thang gỗ dựng đứng và trong ánh chiều nhạt nhòa tôi nhìn thấy chàng họa sĩ ngồi bất động trên sàn gác, trên đầu là thế giới sắc màu do chính anh tạo ra lúc này sống động hẳn lên trong bầu không khí yên lặng, tịch mịch. Cái láu lỉnh, hoạt bát thường ngày biến mất, gương mặt chàng như được tạc bằng những đường nét khổ hạnh, chay tịnh của bậc chân tu ngồi trước tượng Phật.
-Anh ngồi xuống đi, tôi biết trước thế nào anh cũng quay trở lại.
Tôi bàng hoàng cả người, ngồi xệp xuống đất, cố gắng chế ngự nỗi xúc động đang làm tôi run bắn, lắp bắp :
- Tôi xin lỗi… xin lỗi…
- Tôi biết chắc rồi anh sẽ hiểu ra, bởi nghệ thuật là vô tư, nó chỉ mách bảo và phát lộ chứ không đả kích. Tôi cũng có nỗi ám ảnh bị biến dạng như anh, có điều tôi bày tỏ được nó bằng nghệ thuật, đó cũng là một cách giải toả, làm dịu bớt sự dày vò.
Tôi kêu lên :
- Thế còn tôi ? Tôi sẽ giải toả nó bằng cái gì ? Tôi đâu có may mắn sáng tạo nghệ thuật được như anh.
Chàng họa sĩ nhìn tôi, dịu dàng :
- Nhưng anh có trái tim, anh sẽ giải toả được nỗi ám ảnh ấy bằng tình yêu cũng như tôi đã làm điều đó bằng nghệ thuật.
Tôi lại kêu lên :
- Bằng tình yêu ư ?
- Phải, bằng tình yêu, đó là sự cứu chuộc cuối cùng và duy nhất dành cho anh.
Chàng nhắm mắt lại như thể chẳng còn có điều gì nói với tôi nữa. Tôi rón rén bước tới cuối phòng, ngước nhìn cái bức tranh nửa người nửa bọ hung đã làm tôi kinh hoàng. Vậy nhưng… nó đã không còn ở đó nữa, khoảng trống đập vào mắt tôi, sững sờ. Chàng họa sĩ đặt tay lên vai tôi :
- Anh muốn coi lại nó sao ?
- Tôi muốn… tôi muốn nhìn thẳng vào nó…
Chàng hoạ sĩ thở dài :
- Điều đó đôi khi lại… không tốt lắm đâu. Con người cần được nuôi sống bằng những ảo tưởng.
- Bức tranh ấy đâu rồi ?
- Tôi… đốt nó đi rồi.
Tôi to tiếng :
- Tại sao anh đốt đi ? Anh sợ hả ? Tôi tửơng anh mạnh mẽ lắm kia mà ? Hoá ra cũng sợ sệt, yếu đuối như tôi thôi…
- Anh nói đúng, tôi yếu đuối lắm và cả… nửa vời nữa.
Chàng họa sĩ quay đi và tôi bỗng thấy mệt bã cả người, muốn ra khỏi chỗ này ngay lập tức, bay thẳng tới nàng. Nhưng rồi khi cắm đầu cắm cổ đạp xe tới nhà ông Đ. tôi lại sững ra, nàng đã bỏ tôi mà đi đâu đó, chỉ còn lại cái phần xác thôi, liệu còn cứu rỗi được tôi chăng ?
Nỗi hăm hở được gặp nàng xẹp xuống như quả bóng xì hơi, tôi chán ngán đạp xe lang thang với cái cảm giác dang trong một thành phố không có người. Vành trăng tròn vạnh nhô lên từ mạn bờ sông đâm nhói tim tôi, ở chỗ ấy, ngày trước tôi và nàng đã ngồi bên nhau suốt tối, mơ về một thế giới bên ngoài trái đất, một hành tinh khác, một văn minh khác, một nhân loại khác. Phải chăng ngay sau đó, hai cái tát của cha nàng đã đưa nàng tới cái thế giới đó chẳng cần chờ bất cứ con tàu vũ trụ nào ? Tôi quăng xe trên mặt đê, châm điếu thuốc nằm ngửa ra đón gió, cố tưởng tượng cảnh sống của nàng ở cái thế giới sâu thăm thẳm trên trời cao kia.
- Anh làm ơn cho châm tí lửa.
Tôi nhỏm dậy, rút bật lửa chìa ra cho gã đàn ông có cái đầu béo múp và chợt sững người, gã chính là chồng nàng Ánh Tuyết, suýt bị vợ tóm cổ ngay tại phòng tôi. Gã cũng đã nhận ra, và đáng lẽ phải biến ngay ra chỗ cô gái đang chờ, gã lại ngồi bệt xuống cạnh, cừơi toét miệng :
- Sao lại ngồi một mình nơi hoang vắng này ? Chờ ai hả ?
- Chẳng chờ ai, tôi thích ngồi một mình vậy thôi.
- Anh vẫn còn đau lắm hả ? Nói thực với anh khi mới gặp Ánh Tuyết, cô ta bảo tôi đang chưa cùng ai, nếu biết hai người đang tình sâu nghĩa nặng tôi đã tránh xa rồi, đời này thiếu gì phải không, Anh vẫn còn hận tôi lắm chứ ?
Tôi bảo với gã chuyện đó với tôi bây giờ chẳng là cái gì hết, tôi đã quên Ánh Tuyết từ lâu rồi, còn với gã tôi chẳng có mảy may hận thù. Gã nhìn sát vào mặt tôi, lắc đầu tỏ vẻ không tin :
-Tôi nom cái vẻ bơ phờ trên mặt anh kia tôi biết anh vẫn còn…yêu Ánh Tuyết lắm. Đúng không ? Cả cô ấy nữa, thỉnh thoảng vẫn nhắc tới anh với lời lẽ rất chi là… tình cảm .
Tôi cười nhạt :
- Anh vu cho vợ anh thế để đi với con khác hả ?
- Ha ha, anh có vẻ là người đàn ông mẫu mực gớm, cho dù vợ tôi có chung thuỷ tuyệt đối đi chăng nữa, tôi vẫn rất yên tâm cặp vài em khác. Anh có biết cái cô đang chờ tôi đằng kia là ai không, người bữa trước đấy. Tìm mãi chẳng có “cái sân bay” nào, đành đưa ra bờ đê.
Tôi nhỏm người dậy, đúng là nàng “ ngựa vía”, gã này muốn táng gia bại sản sao dám đeo nàng lâu quá thế ? Tôi thấy cần cho gã một lời khuyên :
- Anh biết người đàn bà này chớ ? Tướng sát phu, chết hai đời chồng rồi đó.
Biết chớ, tôi còn biết hơn cả anh nữa kia. Nhưng mà cái sức hút của cô ta quả thực ghê gớm quá. Nếu anh nhận cho Ánh Tuyết quay về với anh, tôi sẵn sàng cưới cô ta làm vợ.
Tôi cười nhạt :
- Anh nói thực chứ ? Những lời này đến tai vợ anh thì đừng có chối nhé ?
Gã la lên :
- Ấy chớ, đùa chơi tí thôi, anh lạ gì Ánh Tuyết, nó bỏ anh thì được, anh bỏ nó là chết liền, nó dám chơi anh bằng mọi cách, kỳ thân bại danh liệt mới thôi. Mẹ kiếp đáng ra anh phải ơn tôi đã rước đi cho anh cái con quỷ cái ấy chớ. Tôi căm ghét bố con nó nên mới đi đánh bạc. Anh có biết tại sao không ? Nó nắm cổ tôi bằng những chứng cớ…
Gã im bặt, chắc nhận ra đã quá lời, trước lúc bỏ đi, gã ghé sát mặt tôi, gằn giọng :
- Anh kín miệng giúp cho nhé, tới tai nó là phiền cả tôi lẫn anh đó.
Cái chất lưu manh của gã kỹ sư đào tạo từ nước ngoài, đương kim phó Giám đốc một Xí nghiệp làm tôi bàng hoàng, ấy thế mà gã vẫn phải nể nàng Ánh Tuyết thì đủ biết hai năm qua nàng đã “tân tiến” vượt bậc so với thời cùng tôi chạy vạy, lo toan để hàng quý thăm nuôi bố nàng. Tôi vẫn nằm ngửa ra ngắm nghía vầng trăng nhưng thôi không còn nghĩ tới cái thế giới giả tưởng xa xôi trên bầu trời kia nữa, tôi nghĩ tới những bức tranh “dự báo” của họa sĩ Ngời và sự biến đổi của những con người quanh tôi, như vợ chồng Ánh Tuyết, như Trịnh, như ông bà Đ., như tôi… âm thầm, bền bỉ, nhẫn nại, những con người đó, họ đang đi về đâu ?
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét