Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

NHÀ VĂN KHÔNG PHẢI LÀ CON VẸT


           
          Nhà văn không phải con vẹt.

          Nghe ông nhà văn Phạm Viết Đào khoe trên blog đang tư vấn cho ông Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh đưa Luật nhà thơ ra quốc hội nhằm “ định chế cho việc văn học, cho nhà văn được viết đến đâu, được viết điều gì…” mà cười muốn vãi ruột. Nhà văn An Nam đã chưa đủ “định chế” sao hai ông còn muốn “trói thêm” ? Các ông quên mất ông Tổng Bí thơ Nguyễn Văn Linh đã từng “cởi trói” cho văn nghệ sĩ rồi sao ?
Nhân dịp này xin mời đọc diễn từ nhận Giải Văn học Nhân dân 2010 của Nhà văn Mộ Dong Tuyết Thôn  tại Hong Konghồi tháng 2/2011. Sinh năm 1974, ông là một hiện tượng văn học Trung Quốc nổi lên nhờ lưu truyền tác phẩm đầy đủ trên mạng song song với bản in bị kiểm duyệt. 
                                    (trich)
“….Ở đây có nhiều nhà báo và có lẽ nhiều nhà khác nữa, sau này họ có lẽ tường thuật rằng tôi đã có một bài phát biểu khá giận dữ. Tôi đâu có giận; tôi chỉ đang mô tả tình cảnh của mình, vì tôi tin rằng chắc chắn đây không chỉ là tình cảnh của tôi, mà còn là tình cảnh toàn thể giới văn sĩ Trung Quốc đang lâm vào. Và nỗi sợ tôi đang cảm nhận không chỉ là nỗi sợ theo cảm nhận của một nhà văn, mà của tất cả những nhà văn chúng ta. Đáng buồn thay, tôi đã dành nhiều công sức cho việc biên soạn ‘từ điển những từ nhạy cảm’ này, và tôi đã trau giồi nhuần nhuyễn những kỹ năng lọc văn của mình. Tôi biết những từ, những câu nào phải bị cắt, và tôi đã chấp nhận việc cắt xén như thể đó là cách nên làm. Quả thực, tôi thường tự mình cắt bỏ vài từ để tiết kiệm thời gian. Cái này tôi gọi là ‘văn chương bị thiến’ – tôi là một thái giám chủ động, tôi đã tự thiến mình trước khi bác sĩ giải phẫu cầm dao mổ.
Chẳng có gì mới mẻ khi biết rằng trong thế giới này có điều viết được và có điều không được viết; có điều nói ra được, nhưng có điều chỉ có thể nằm trong suy nghĩ. Tiếng mẹ đẻ của chúng ta đã bị cắt thành hai phần: một an toàn, và một đầy rủi ro. Có từ hợp lòng cách mạng, có từ lại là phản động; có từ dùng được, nhưng có từ lại thuộc về kẻ thù. Điều tai hại nhất là dù kinh nghiệm đến thế, tôi vẫn không luôn luôn biết từ nào hợp pháp, từ nào phi pháp, nên tôi thường vô tình phạm ‘tội ác ngôn từ’. 
...Có người sẽ nói rằng thực tế đành phải vậy thôi. Tôi có cảm giác mình đã sắp bị bóp nghẹt. Tôi đánh vật chọn những từ an toàn trong một bãi mìn ngôn ngữ. Dường như từng từ từng ngữ trong tiếng Trung đều có vẻ đáng ngờ. Tôi muốn nói rằng điều này không chỉ gây hại cho tác phẩm của tôi, mà còn gây hại cho ngôn ngữ chúng ta.
...Sự thật duy nhất là chúng ta không thể nói sự thật. Quan điểm duy nhất có thể chấp nhận được là chúng ta không thể bày tỏ quan điểm. Chúng ta không thể chỉ trích cơ chế, chúng ta không thể bàn các vấn đề thời sự, thậm chí chúng ta không thể nhắc tới nướcEthiopia xa xôi. Đôi khi tôi không thể không tự hỏi: Cách Mạng Văn Hóa thực sự đã chấm dứt chưa?
Tại sao Trung Quốc đương đại thiếu tác phẩm phát biểu trực tiếp? Vì những nhà văn chúng ta không thể phát biểu trực tiếp, hay nói đúng hơn, chúng ta chỉ có thể phát biểu một cách gián tiếp.
Tại sao Trung Quốc đương đại thiếu tác phẩm hay phê phán tình cảnh hiện tại của chúng ta? Vì không được phép phê phán tình cảnh hiện tại của chúng ta. Chúng ta không chỉ mất quyền được phê phán, mà mất luôn cả lòng dũng cảm để phê phán.
Tại sao Trung Quốc hiện đại thiếu những nhà văn vĩ đại? Vì tất cả những nhà văn vĩ đại đều bị thiến khi vẫn ươm mầm sáng tác.
Người ta hỏi tôi tại sao tôi viết, và tôi thường trả lời: cho một thế giới rộng lớn hơn. Đó là giấc mơ của tôi. Vì giấc mơ này, tôi có thể chịu đựng một thế giới đầy những búp bê Barbie, nhưng tôi không thể chịu nổi một thế giới bắt buộc những búp bê Barbie phải mang đai trinh tiết.

Văn học không thể phục vụ chính quyền; ngược lại, chính quyền nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để tạo ra môi trường thuận lợi cho văn học.
Nếu chúng ta không thể loại bỏ được kiểm duyệt, thì tôi hy vọng chúng ta có thể nới lỏng hơn một chút về kiểm duyệt; nếu chúng ta không thể nới lỏng được, thì ít nhất hãy để cho chúng ta thông minh hơn một chút.
Nếu thực sự có một ‘từ điển những từ nhạy cảm’, tôi hy vọng rằng nó sẽ được xuất bản; như vậy ít ra chúng ta đều có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và giảm khả năng vô ý phạm những ‘tội ác ngôn từ’.
Nhà văn không nên là con vẹt, không nên là cái loa biết đi, và nhất định đừng nên là những con thú nuôi kiểng suốt ngày nhặng xị; họ nên có một đầu óc trong sạch và phát biểu bằng tiếng nói trung thực. Khi cầm bút, họ không là nô lệ của ai, họ có quyền không thề trung thành với bất cứ ai; và phát biểu sự thật và chân thật với chính lương tâm của họ.

           ( trích theo blog Quê Choa)
   
Giá như thay tên ông nhà văn Trung Quốc thành một ông nhà văn Việt Nam nào đó và thay từ “cách mạng văn hóa” thành từ “cải cách ruộng đất” thì bài phát biểu này hoàn toàn phù hợp khi đọc tại Hà Nội hay đâu đó trên đất Việt Nam. Hóa nên muốn biết tình hình ta ra sao, xin cứ nhìn sang…bên Tàu.
        Bởi vậy ông Phạm Viết Đào nên  xìtốp ngay cái việc vẽ đường cho hươu chạy kẻo sau này vết nhơ trên mặt khó mà chùi sạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét