Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

ĐỌC LẠI "DẠ KÝ" CỦA PHÙNG CUNG (2)





              Đọc lại “Dạ ký” của Phùng Cung (2)

                   ( tiếp theo)

Vào những năm đầu thập kỷ 1960, lực lượng bảo vệ đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng trung kiên nhất, nhiệt thành nhất , kỳ lạ thay lại là các nhà thơ nổi tiếng như Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông…  Mai sau các nhà nghiên cứu văn học sử chắc sẽ lý giải hiện tượng vì sao các nhà thơ vốn là các “thiên sứ” của Thượng Đế lại có nhiều “máu cá” hơn các nhà văn đầu óc vốn tỉnh táo, lạnh lùng hơn các nhà thơ ?
Xếp sau các nhà thơ “ nay ở trong thơ nên có thép” này tất nhiên không ai giành được chỗ đứng “chiếu nhì” cho bằng các nhà phê bình lý luận  với các tên tuổi hàng đầu như Hoàng Xuân Nhị, Vũ Đức Phúc, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ … Bởi thế Phùng Cung xác định người đi cùng với nhà thơ “thiểu số” chính là nhà …”phê bình văn học” :
“ Người cùng đi với anh, không nhìn mặt tôi cũng biết. Vóc dáng cao lớn, gầy, đen, tứ thời đầu húi móng lừa, tứ thời bận đồ nâu - kể cả khi bận com-plê cũng nâu - na ná một ông sư Cao Miên - đó là một nhà văn, nhà lý luận - lối lập luận thời thượng nhất - vừa mũi nhất - Anh em trong ngành văn học nghệ thuật nói vụng với nhau là "Tên đầu bếp vụng, nhưng được kẻ ăn khen ngon!"...
Cái anh nhà văn kiêm nhà lý luận này là “đầu bếp vụng nhưng được kẻ ăn khen ngon” tức viết lách chẳng ra gì nhưng vẫn được lãnh đạo và độc giả công nông vỗ tay ào ào . Ở nước ta cứ bầy tỏ được lòng trung thành với Đảng ắt có thưởng, mà phần thưởng thông thường nhất là…”ghế” trong các cơ quan văn hoá văn nghệ.
“Nhà lý luận một tay bá cổ nhà thơ, một tay cũng một cái côn, giữa sơn vàng, hai đầu đỏ, màu sắc tất nhiên khác hẳn côn của nhà thơ - Nó tượng trưng cho cái gì thì tôi cũng xin chịu - Côn nào cũng có tính năng của nó, không phải chuyện trang trí, tạo dáng.
Hình ảnh cái côn tượng trưng cho cái gì thì thời đó ai cũng biết, chỉ có điều Phùng Cung không nói ra , đó là những “cái gậy” , những “ăng-ten” của Đảng, mà nửa thế kỷ qua bao nhiêu vụ án văn chương – từ “Vào đời “ của Hà Minh Tuân, “ Đêm đợi tàu” của Nguyễn Đỗ Phú… tới “Vòng trắng “ của Phạm Tiến Duật ,,,đều đã bắt đầu từ những chiếc “ăng ten ”và hứng chịu những cơn mưa gậy ấy.
Đi tiếp “con đường”, Phùng Cung gặp một nơi quy tụ những cái gậy và những “ăng –ten” :
“ Đến một ngả ba, thấy lối rẽ bên phải đường nhẵn cát pha, tôi liền rẽ theo ngả này. Ôi! Vô phúc thế nào lại dẫn thân vào nơi cấm địa; lầu son, gác tía dựng ngay trước mặt. Tại sao mắt tôi không nhìn thấy từ xa nhỉ. Tôi dừng chân nhìn một ngôi hoá hai, hai hoá ba, ba hoá bốn, hoá năm, liên khu lâu đài, biệt thự - như trời hoá phép vậy! Tôi tưởng đây chỉ là ảo giác. Tôi xoa mắt, định thần. Tôi đứng bên ngoài hàng rào cấm, nhìn lên thấy một tấm biển màu đỏ, chữ vàng, chữ loà nhoà tôi không đọc rõ - treo ngay ngắn trước một biệt thự chính giữa. Hai hàng người quần áo đồng màu cắp côn đỏ, xếp thứ tự nghiêm chỉnh từ dưới chín cấp lên tận cửa son. Đứng đầu hàng bên tả là người nào tôi không biết; đầu hàng bên hữu là ông anh đẹp trai tôi gặp lần đầu - ông anh rất chững chạc, rất điệu có vẻ điêu luyện nhất: Hẳn ông anh đang giữ chức chỉ huy, bên cửa son. Cặp mắt hau háu, trai lơ, sung mãn! “
Tấm biển đỏ chữ vàng dẫu có loà nhoà khó đọc thì ai cũng biết đó là Hội nhà văn Việt Nam và cái người đứng ở “đầu hàng bên hữu  - ông anh đẹp trai” chính là ông Tổng Thư ký Hội nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ngắm nghía cái “hội văn chương cung đình” đó, Phùng Cung đã nhận ngay ra nó chính là sự…vô bổ :
“ Lúc này tôi mới chợt nghĩ lại mấy tiếng "vinh quang" mà tôi đã được nghe anh nói; hẳn là chốn này đây! Chả có công việc gì mà cứ luẩn quẩn nhìn ngó dễ bị xơi đòn nên tôi liền lảng nhanh. Tôi đang nghĩ tiếng "vinh quang", hẳn là anh đó khoe mình đang vinh quang, hoặc chỉ nhủ tôi đi xem "vinh quang" mà thôi. Như vậy là tôi đã được biết cái vỏ vinh quang, còn tất cả bên trong là như thế nào, ngữ tôi làm gì được biết. Tôi nghĩ: "đi một ngày đàng học một sàng khôn". Học cái gì, khôn cái gì? toàn là những điều không thực dụng, vô bổ. …
Nhìn vào cái “trào đình văn chương” đó , Phùng Cung chỉ thấy rặt một loại vẹt và khướu :
“ Khát cứ khát, đói cứ đói, chân cứ đòi bước như thể tự mình dẫn độ mình trong vô định. Đang đi trong lối đi của thành phố, trong đầu cứ bẵng đi một cái lại gặp một sự lạ. Đường phố rõ ràng thoắt biến thành lối đi đèo dốc miền thượng du. Hai bên rừng rậm rạp, tiếng chim hót đủ loại, nhiều nhất là vẹt và khướu bách thanh, hai loại này tay có nghề mà kiếm được vài cặp nuôi dạy làm mồi thì tuyệt vời!
Tất nhiên không phải bất kỳ ai hễ cứ cầm bút thì đều là vẹt, là khướu, là bồi bút cả. Phùng Cung vẫn dành nhiều ưu ái cho các thi sĩ có những sáng tạo đích thực nằm ngoài những yêu cầu khe khắt của Đảng . Người đó chính là thi sĩ Quang Dũng :
“Tôi chợt nghe giọng âm ấm ngâm câu thơ "Mai Châu mùa em thơm nếp côi..." Tôi nghĩ ai đó đang ngâm nga câu thơ của Quang Dũng thì thấy đúng Quang Dũng xuất hiện. Tôi cảm thấy may mắn, gặp anh. Tôi vội hỏi anh đi đâu đến chốn này. Anh cười vẻ buồn buồn: "Ở Tây tiến về! Hôm nay sinh nhật mình, mình đang muốn tìm bạn dự sinh nhật!" Tôi nghĩ bụng: Thế thì đúng lúc, mình đang đói, khát, lại có bạn rủ đi sinh nhật thì còn gì bằng. Tôi ngỏ lời chấp thuận.”
Nhà thơ Phùng Cung bụng đang đói lại được nhà thơ Quang Dũng mời ăn sinh nhật, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Thật đau lòng “bữa cỗ thịnh soạn” giữa hai nhà thơ chỉ là mấy củ khoai lang luộc :
“ Thế là anh ta kéo tôi ngồi xuống gốc cây bên cạnh giở trong bọc ra mấy củ khoai lang luộc, và tháo từ nách ra một bi đông - bi đông nhôm hơi méo đựng nước chè xanh. Hai thằng cùng ăn khoai, cùng uống nước - Anh ta giới thiệu khoai quê mình đấy, chè thì ở Gốt cũng gần quê mình - Ta lấy khoai làm bánh kẹo, lấy nước chè làm rượu - Anh vừa nói vừa cười hỏi tôi: "Cậu chúc gì mình nào?" Tôi đáp: "Chúc ông làm nhiều thơ hay!" - Anh ta lắc đầu, im lặng. Tôi thấy sinh nhật một nhà thơ sơ sài quá! đơn giản quá! Nhưng tôi lấy nội dung làm chính. …”
Tuy nhiên “phép thắng lợi tinh thần” của AQ từ bên tàu đã sang ta thấm vào máu mỗi người Việt Nam, bởi vậy hai nhà thơ ăn khoai mà vẫn thấy đắc ý lắm :
“ Anh ta lại nói: "Khoai lang ăn nó dễ đi ỉa, nhuận tràng; chè xanh mát ruột!" Tôi cũng miễn cưỡng cho là phải - và đang nhìn mơ hồ lên bầu trời cao xanh.”
Văn học miền Bắc một thời phải hy sinh cho “sự nghiệp giải phóng miền Nam” nên cấm kỵ tính dục trong tình yêu , cấm kỵ mọi gợi nhắc tới tình chăn gối trong quan hệ vợ chồng khỏi ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu của bộ đội trong chiến trường xa, bởi vậy đã có người gọi đó là một nền văn học bị…thiến.
Phùng Cung đã mang chuyện đó riễu cợt trong giấc mơ của ông :
“ Bỗng tôi thấy anh lấy từ trong túi đựng khoai ra một con dao dài chừng một gang tay, chuôi đồng, lưỡi dao sáng loáng, anh ta vừa nhổ nước bọt vào gan bàn chân, vừa liếc dao, vừa khóc! Nước mắt lăn rơi đầy mặt! Liếc dao xong, anh ta đứng phắt dậy, mắt gườm gườm nhìn tôi. Tôi sửng sốt không hiểu nổi cái gì sẽ xẩy ra đây? Tôi cũng đứng dậy. Anh ta cầm lăm lăm con dao sắc trong tay: "Tao thiến mày!" Tôi hoảng sợ nhưng vẫn nghĩ là anh đùa: "Đừng đùa dại thế anh!" - Anh nhảy bước tới tôi. Tôi lùi nhanh. Anh nói: "Đùa à! Tao thương mày, mày có muốn làm quan hoạn không?" Tôi nghĩ: Thằng này phát điên hay sao đây mà lại quái gở thế này? - Anh ta nói liền liền: "Tao thương mày! Tao thương mày! Cùng quê nhau cả, tao giành cho mày mọi sự ưu ái!" Nhấp nhỏm có ý rình miếng chụp gọn lấy tôi. Tôi vừa sợ, vừa nghĩ: anh ta phát điên hẳn rồi! Ưu ái - quan hoạn - lộn xộn chẳng còn biết ra thế nào! Tôi lùi một bước, anh ta tiến một bước, tôi lùi hai bước, anh ta tiến hai bước. Anh ta một tay múa dao, một tay chuẩn bị chụp bộ hạ tôi.,,,”

                                                              (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét