Hànội …”hồi ấy” (13)
6.
Dường như hình bóng nàng đã lấn át ám ảnh biến dạng thành bọ hung nên người tôi chắc có tươi tỉnh lên đôi chút khiến ông Trưởng phòng mời tôi hẳn một chén trà mới pha vào đầu giờ làm việc, xoa tay hoan hỉ :
- Hết bệnh rồi hả ?
Tôi ngớ người, tưởng ông đi guốc trong bụng tôi :
-Báo cáo, bệnh gì cơ ạ ?
- Bệnh tương tư cô Cẩm Lai ấy chứ còn bệnh gì ?
Tôi thở phào :
- chuyện đó tôi quên đứt đi rồi.
- Thảo nào, hồi này nom cậu đã có tí máu mặt. Thôi nhé, lần này chọn cô vừa tầm với thôi, trèo cao quá ngã đau lắm.
Tôi cảm ơn ông, và chẳng hiểu sao tôi lại bốc lên nói tôi cũng đã “ có nơi có chốn rồi”, con nhà “ phó thường dân thôi”, nhà lại nghèo nữa, chẳng có lợi và cũng chẳng có hại cho ai trong cái viện nghiên cứu này.
Ông trưởng phòng biết tôi nói móc ông và ông Viện trưởng chuyện rể hụt của Ngài, ông đỏ mặt, cười gượng :
- Cậu lấy ai thì lấy mắc mớ gì chúng tôi. Có điều nên báo qua với phòng tổ chức cho người ta nắm, khi cần, cử người đi xác minh lý lịch. Cơ quan mình nghiên cứu toàn những đề tài quan trọng, tầm cỡ quốc gia, vấn đề bảo vệ nội bộ phải đặt lên hàng đầu. Đảng uỷ mới có chỉ thị.
Cái giọng kẻ cả của ông làm tôi nóng mắt, tôi thôi không có “báo cáo thủ trưởng thủ phó” gì nữa hết, tôi cứ oang oang nói rằng cái thứ tôi “đảng viên chả phải, chức quyền cũng không” tôi muốn yêu ai lấy ai mặc tôi, chẳng cần báo cáo thằng chó nào hết, quan trọng gì cái Viện nghiên cứu này, toàn đề tài vô tích sự, tôi mà là Thủ tướng tôi sẽ ký giấy biến nó thành trại chăn nuôi lợn…
Rút kinh nghiệm lần trước, ông trưởng phòng lao ra đóng sập cửa rồi mới quay vào bịt miệng tôi lại :
- Thôi thôi, cậu về bàn làm việc cho tôi nhờ . Cấm cậu không được nói thêm một tiếng nào nữa.
Tôi lại ngồi cắm đầu xuống cuốn sách viết về các loại kết cấu kiểu lều và kiểu cổng.Than ôi, các công trình kiến trúc này thật quá xa xỉ và viển vông so với căn phòng “tổ dế” của tôi. Được sống trong những lâu đài như thế, chắc suốt ngày con người ta chỉ ôm hôn nhau thôi chứ đâu có hành hạ, cấu xé nhau thế này. Yên trí tôi đã bình tâm trở lại, ông Trưởng phòng vỗ vai tôi thân mật :
- Cậu là người rất lạ, lúc thì hiền lành ngoan ngoãn như cừu non lúc lại như hoá dại, mồm miệng nói năng như rắn rết. Stress đấy mà, không giữ gìn, khéo loạn thần kinh.
Quả thực tôi cũng cảm thấy mình thường “nổi cơn” vô cớ như lo biến thành bọ hung, đùng đùng muốn tới nhà ông bà Đ. nhìn mặt nàng, to tiếng với ông trưởng phòng chuyện không đâu… Rất có thể đó là những dấu hiệu tôi đã xuống cấp tới ranh giới giữa người và bọ, may thay. tôi còn biết yêu, bằng chứng rõ nhất chứng tỏ tôi vẫn là con người. Và đối với tôi đó là phương cách duy nhất để giữ mình khỏi rơi xuống loài sâu bọ, bởi thế chỉ vài ngày sau, tôi lại đập cửa nhà ông Đ. lấy cớ mua giấy vụn như đã hẹn. Khác lần trước, bà Đ. rất đon đả :
- Mời anh vào, ông nhà tôi vừa ra phường.
Đằng sau cái vẻ tàn úa vì thời gian, vì lam lũ, vì sự hành hạ bởi thứ văn minh tem phiếu, tôi vẫn nhận ra nét thanh lịch của người con gái Hà Nội ngày xưa. Ông Đ, hẳn rất phải biết ơn cách mạng bởi lẽ nếu không có cuộc giải phóng thủ đô thì chắc chắn không có sự kết hợp nhân duyên giữa một anh nhà quê cục mịch với cô gái Hà thành xinh đẹp. Sự tan vỡ ảo tưởng của cô cũng đau đớn chắc không thua gì mấy ông nhà thơ được đưa đi cải cách ruộng đất.
Nghe tôi thưa chuyện mua sách cũ theo giá giấy cân, bà cười nhạt :
- Ông nhà tôi đã sắp ra cả đống kia kìa. Con trâu, Xung đột, Cái sân gạch… ba cái thứ đó giờ chả ma nào sờ tới nữa. Nhưng tôi hỏi thật, anh mua để làm gì ? Bữa trước anh mua báo cũ năm trăm đồng một ký, con bé nhà tôi hỏi trên hàng Giấy hoá ra anh bán lại cho người ta được có hai trăm rưỡi. Thôi, tôi hiểu rồi, muốn lại chơi thăm em thì anh cứ tới, việc gì phải bày đặt mua giấy vụn cho tốn tiền bù lỗ.
Bà cười khà khà, huỵch toẹt cái tẩy của tôi ra chả xa xôi bóng gió gì hết làm tôi chỉ muốn phóng ngay vào buồng… con gái bà. May thay nàng đã bưng nước ra, đỡ đòn cho tôi :
- Mời anh xơi nước… mẹ thì cứ hay bộc tuệch bộc toạc…
-Ấy ngày xưa tôi cũng tế nhị lịch sự lắm chứ. Anh ngồi chơi với em, tôi phải đi rửa bát cho hàng phở…
Bà xách cái túi te tái ra khỏi buồng, miệng vẫn không ngớt ca cẩm ông chồng vô tích sự, một chân đã bước vào Văn Điển rồi còn ham hội họp với ba thằng nhãi ranh chỉ giỏi đánh vỏ mồm. Còn lại tôi và nàng và cái không khí tịch mịch, yên ả của căn phòng bày biện đơn sơ khiến tôi cảm giác nghe thấy cả tiếng tim đập trong ngực. Tôi lắp bắp cám ơn nàng đã cho tôi cái bánh đậu xanh ngon tuyệt trần đời, và chẳng biết vì sao từ lúc ăn cái bánh bụng tôi cứ bổi hổi bồi hồi khiến ngày nào cũng phải đạp xe qua cửa ba bốn lượt chỉ mong được nhìn thấy nàng. Cô gái cúi mặt, đỏ ửng, không nhìn tôi như thể tránh không làm tôi bối rối, khuyến khích tôi nói bằng cái vẻ lắng nghe chăm chú của nàng. Được thể tôi hăng lên kể lể rằng tôi vốn là một đứa bé mồ côi, được bà ngoại tần tảo nuôi ăn học, khi bà mất cũng vừa lúc tôi ra trường nuôi sống được mình bằng đồng lương chỉ đủ khỏi chết đói, họ hàng thân thích chẳng có ai, nhà cửa chẳng có gì, nhà nước cấp cho căn phòng chỉ bằng cái bếp nhà nàng, phấn đấu mãi chưa được vào Đảng nên đã thôi không phấn đấu nữa, chắc đến hết đời vẫn chỉ là đoàn viên công đoàn…
Nàng ngắt lời tôi, mắt đen láy :
- Ô hay, em có cần anh khai lý lịch đâu…
Tôi như bị hút hồn vào một cõi an nhiên tĩnh lặng, ở đó,tôi khỏi phải giãi bày, chứng tỏ, khỏi phải cố gắng, nỗ lực, cũng chẳng bị đòi hỏi bất cứ thứ gì, ở đó chỉ có sự cảm thông và tình yêu thương.
Từ lúc đó, tôi không nói năng gì nữa hết, cứ đắm đuối nhìn nàng, và lạ thay, nước mắt tôi cứ ứa ra ròng ròng, ô hay sao tôi lại khóc, cứ như được gặp lại người mẹ hiền dịu ngày xửa ngày xưa và được ấp ủ trong vòng tay yêu thương của bà, cứ như được trở về mái nhà ngày nhỏ tôi đã tung tăng sống suốt một thời thơ ấu mà từ lâu lắm rồi bom đạn chiến tranh đã biến nó thành một đốùng gạch vụn um tùm cỏ mọc trên thềm hoang vắng.
Thật lạ lùng, càng nhìn vào mắt nàng, tôi càng như thấy lại tất cả những gì tôi đã đánh mất, bị tước đoạt trong những năm tháng tăm tối, thoái hoá vừa qua. Và rồi ngay cả những ý nghĩ cũng biến sạch, trong tôi ngày càng tràn ngập niềm hứng khởi thiêng liêng mang tính cách tôn giáo mà ngôn ngữ người đời khó diễn tả nổi.
Ông Đ. xuất hiện đột ngột, lôi tuột tôi về đời sống trần tục :
- Lương hưu quý này bị cắt mất phụ cấp đắt đỏ. Tiên nhân cha chúng nó, trấn lột cả người già.
Ông phân bua với tôi rằng ông là người kiên trì theo chủ nghĩa Mác, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa tới cùng, nhưng ông căm thù cái bọn lãnh đạo ở phường ông toàn một lũ sâu mọt đục khoét công quỹ, ăn hối lộ của dân và nói chung tham nhũng đã trở thành tệ nạn ăn sâu vào xương tuỷ rất khó chữa trị. Tôi không phụ hoạ ông được câu nào, tâm trí vẫn còn bàng hoàng những giây phút diệu kỳ được ngồi bên nàng lúc nãy, đành há miệng ngồi nghe ông xả hết nỗi niềm người cán bộ hưu trong tình hình kinh tế suy thoái. Ngoài cửa chợt có tiếng rao khàn khàn của bà hàng “đồng nát”, ông độc ngột cắt ngang bài luận thuyết và quát con gái ra gọi vào mua giấy vụn.
- Hôm nay đến lượt mấy anh “kỹ sư tâm hồn”, “lương tâm thời đại” đây. Tôi xin hỏi có ông nhà văn nào đọc lại tác phẩm của mình không ? Có ông nào thấy xấu hổ không ?
Tôi nói tôi không là mấy ông nên không thể biết được, tuy nhiên thời bây giờ “xấu hổ” xem ra đã thành hàng hiếm, sa sỉ phẩm. Trong khi bà “đồng nát” khuân ra từng chồng lớn chồng nhỏ các thứ sách dày mỏng, còn tốt hoặc đã bị mối đục làm bụi bay tứ tung, ông nhặt lên một cuốn đóng bìa cứng lật lật những trang viết đã phai mực :
- Nhật ký chiến dịch của tôi đây. Ôi lại có một thời hăng hái, thành khẩn đến như thế. Nhìn trăng Tây Bắc nhớ trăng ở làng, nghĩ tới người yêu cũng báo cáo chính trị viên xin được kiểm điểm. Giá như tôi không được phân công về giải phóng Hà Nội, đừng gặp bà nhà này để bỏ bà dưới quê mang tiếng lấy vợ thành phần tiểu tư sản thành thị thì tôi còn lên to nữa. Hoá ra ông giời cũng có mắt thật đấy, tôi đừng có tham bát bỏ mâm thì đâu đến nỗi như bây giờ.
Ông tặng tôi cuốn sổ một thời đã phải dấu diếm bà Đ. nổi máu ghen. Sợ ông buồn lòng, tôi đành phải nhét cuốn sách vào túi, bụng phân vân chẳng biết dùng nó làm cái thứ gì. Bà đồng nát đã xếp gọn quang gánh, trả ông Đ. một số tiền làm ông phải cười như mếu :
- Giá như tôi không nghe mẹ con nhà nó, cứ lờ đi bán cho anh thì gấp đôi số tiền này cơ đấy.
Tôi lại ngượng nóng mặt, nghĩ bụng sẽ mang món tiền định “bù lỗ” ấy mua biếu ông cái gì đó. Nhưng nàng đã nhìn tôi với ánh mắt khổ sở của người có lỗi khiến tôi vội vàng lảng chuyện không nói tới mua bán giấy cân nữa.
- Anh đi với tôi ra tiệm phở đi. Một bát tái bò, thật nhiều hành trụng, nước béo thật nhiều và thêm một quả trứng gà. Trưa nay bố không ăn cơm nhà nhé.
Ông Đ. huơ lên nắm tiền bán giấy vụn, vui vẻ cho phép tôi từ chối để “ở nhà nói chuyện với em nó” và hùng dũng theo chân bà đồng nát ra khỏi cửa. Tôi rạo rực nghĩ tới những giây phút thần diệu được ngồi bên cạnh nàng, nhìn vào mắt nhau trong cuộc đối thoại không lời, nhưng hỡi ơi, hạnh phúc của tôi chưa được mấy chốc, tôi bỗng nghe thấy tiếng vè vè vọt qua đầu và trời ơi chình ình ngay trên bàn giữa nàng và tôi là một con… bọ hung to tướng. Mặt tôi hẳn phải tái xám khiếp đảm lắm mới làm nàng kinh ngạc đến vậy.
- Anh làm sao thế ? Không khéo trúng gió…
- Con… con gì ở trên bàn.
- À, con bọ hung, để em đuổi nó đi.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét