HỘI NHÀ VĂN QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI (6):
(tiếp theo)
Để chuẩn bị cho Đại hội nhà văn 7 vào cuối tháng 4 -2005 vì sang tháng 5 hội trường Ba Đình phải giành cho quốc hội, ngay từ tháng 3 , theo yêu cầu của Ban bí thư trung ương, các chi hội nhà văn ở khắp ba miền phải họp đại hội ngay trong tháng 3. Sớm nhất là đại hội các nhà văn khu vực Tây Nguyên, khai mạc ngày 8 tháng 3 tại Buôn Ma Thuột. Cả Tây Nguyên có 9 hội viên hội nhà văn VN cộng với 2 khách mời là ông Chủ tịch và Phó chủ tịch thành phố Ban mê Thuột nên đại hội hơi bị …vắng . Tuy nhiên đại hội vẫn tiến hành đầy đủ công việc như các nơi khác. Bản báo cáo công tác được thảo luận khá “sôi nổi” ; chẳng hạn có ý kiến đề nghị “nhà sáng tác Quảng Bá “của hội cần hoàn thành sớm để các nhà văn Tây Nguyên về Hà Nội có chỗ ở, khỏi đi khách sạn, có ý kiến yêu cầu đổi lại mầu của … thẻ hội viên hội nhà văn vì màu thẻ hiện nay nom yếu quá. Đại hội cũng có trục trặc chút xíu, đó là nhà thơ Tạ Văn Sĩ ở thị xã Kontum về họp đại hội bị ban tổ chức…đòi tiền khách sạn làm đại biểu này hoảng quá la oai oái. Sau cùng đại hội cũng bầu được 5 đại biểu đi dự đại hội toàn quốc ngoài Hà Nội, đáng phàn nàn 5 đại biểu được bầu lại đều là người kinh, cả 3 nhà văn người Thượng đều bị…rớt cả làm ông Tổng thư ký Hữu Thỉnh ngoài Hà Nội nghe tin hoảng quá, ngay lập tức điện vào xin mời cả 3 nhà văn người Thượng đi họp đại hội toàn quốc, khỏi bầu bán gì.
Tiếp theo đại hội nhà văn các tỉnh miền Tây Nam bộ khai mạc ngày 9 tháng 3 tại thành phố Long Xuyên quy tụ các nhà văn từ Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang cho tới Cà Mâu. Báo cáo “ Văn học 5 năm đầu thế kỷ”, báo cáo công tác tại Đại hội nhà văn lần thứ 7 được đọc lên cho mọi người thảo luận và ngay lập tức nhà văn Thai Sắc đã yêu cầu đục bỏ một câu tối nghĩa :” Nhà văn vốn đã cô đơn, ngày nay càng cảm thấy cô đơn hơn trước dòng thác của các cuộc tìm kiếm lợi ích…” Nhà văn Hào Vũ phàn nàn rằng “ các nhà văn bây giờ khi viết thường tìm “sự an toàn “ ( tự biên tập) là chính nên ít có những kiếm tìm , phiêu lưu mạo hiểm để viết nên những tác phẩm xứng tầm…”.
Ngày 12 tháng 3, các nhà văn miền Đông Nam bộ tụ tập tại Vũng Tàu thảo luận báo cáo và bầu người đi dự đại hội toàn quốc. Nhà thơ Bùi Minh Quốc được xả quản thúc tại địa phương từ 6 tháng nay cũng về dự đại hội và hăng hái phát biểu :” Nhà thơ ngày nay dường như ngày càng lãnh cảm trước nỗi đau đớn và bất hạnh của nhân thế, không thể dửng dưng với cái ác, cái giả dối, cái xấu xa…nhà thơ phải tuyên chiến chống lại chúng…” . Ý kiến của nhà thơ xem ra không được nồng nhiệt đón nhận cho lắm vì các nhà văn dự đại hội đã bày tỏ thái độ của mình bằng…không bỏ phiếu cho Bùi Minh Quốc đi dự đại hội toàn quốc. Thế mới biết nhà văn bây giờ hoá ra lại là bộ phận…lãnh cảm nhất của xã hội trước những biểu hiện phản kháng của đồng nghiệp. Nhà thơ Bùi Minh Quốc hẳn rút ra được bài học thấm thía về tình đồng đội.
Cũng vào dịp này Đại hội các nhà văn miền Trung khai mạc tại thành phố Nha Trang quy tụ các nhà văn từ Thanh Hoá đổ vào, cuối Khánh Hoà đổ ra, trải dài trên 1000 kilômét, tính ra trung bình cứ 10 kilômét lại có một nhà văn, riêng các nhà văn dân tộc ít người thì hơi bị…ít, trong 30 dân tộc miền trung có vẻn vẹn 6 nhà văn. Đại hội thảo luận “dự thảo báo cáo của Đại hội đại biểu toàn quốc” rất hăng hái. Có nhà văn khẳng định “văn chương vẫn là…món ăn tinh thần”, có đại biểu phàn nàn “Ban lãnh đạo Hội thiếu công bằng trong chia tiền sáng tác và cử đi nước ngoài , khu vực miền Trung coi như vùng sâu vùng xa nên thiệt thòi nhất”, lại có ông nhảy lên diễn đàn “yêu cầu không thể để có hiện tượng hội viên xúc phạm danh dự Hội “ – chắc là muốn nhắc tới chuyện Nguyễn Huy Thiệp chửi cả Hội nhà văn Việt Nam là đám giặc già… Điều đặc biệt nhất của đại hội miền Trung là sau khi bế mạc, toàn thể các nhà văn “vinh dự” được tỉnh uỷ Khánh Hoà mời … dự tiệc tại nhà hàng Hải Vy số 44 đường Trần Phú, Nha Trang. Ôi chao ôi, có mỗi bữa nhậu mà biến cả một đại hội nhà văn thành một …”đại hội nghĩa tình” làm báo Văn Nghệ Trẻ phải chạy tít lớn tường thuật :” Nghĩa tình văn học miền Trung”. Riêng đoàn nhà văn Thanh Hoá được Sở tài chính tỉnh cho mượn ô tô đi dự họp khỏi ngồi tàu hoả, lại được Ban tư tưởng tỉnh uỷ tặng một bó hoa rất to nên dọc đường họ đặt bó hoa vinh dự ấy lên mũi xe và …ca hát rất hồ hởi .
Đại hội các nhà văn sinh sống tại Sàigòn có vẻ sôi nổi nhất lại là ở…ngoài hành lang. Các đại biểu xem ra ít chú ý tới những gì các cán bộ lãnh đạo như Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội nhà văn trung ương, Lê văn Thảo – Tổng thư ký Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh đang ngồi trên Chủ tịch đoàn đọc liến láu như máy khâu. Họ đứng đầy ngoài hành lang gẫu chuyện. Người ta thấy nhà thơ Thái Thăng Long từ trong hội trường đi ra, mặt đỏ gay, lắc đầu lia lịa :
” Giả dối, giả dối, đâu đâu cũng toàn nói chuyện giả dối …giải tán cái hội nhà văn này cho rồi…”
Nhà văn Nguyễn Khải đứng dựa vào tường lắc đầu :
“ Không được, không được …Đảng còn là Hội nhà văn còn…”
Một nhà văn trẻ lạ hoắc ở đâu xộc tới láu táu :
“ Bác Khải ơi bác Khải, sao bác không viết tiểu thuyết “Sám hối”, bác viết đi không thì…muộn rồi đó. Ít nhất cũng như bác Chế Lan Viên có bài thơ “ Bánh vẽ” chứ ?
Cụ Nguyễn Khải không trả lời chỉ lắc đầu, mặt đỏ bừng. Nhà văn Trần Công Tấn đứng bên cạnh đỡ lời :
“ Thằng này láo, viết hay không là tuỳ bác Khải chớ, mày ép bác vậy đâu có được …”
Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh vốn là người đã nói một câu đi vào lịch sử tại diễn đàn đại hội nhà văn lần thứ 4 :” Lương tri dân tộc đã thức tỉnh từ diễn đàn này…”, tuy nhiên mấy năm gần đây được thành uỷ tặng nhà trong Quận 5 nên Giáo sư có vẻ như quên mất mình đã nói gì, giáo sư từ trong phòng họp đi ra khoe :’ Hoá ra tớ được vào danh sách mời, không phải dự bầu như các cậu…”. Chủ tịch đoàn chợt nhắc nhở các nhà văn vào nghe đồng chí Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ văn nghệ “có ý kiến” với đại hội. Hoá ra ông Vụ trưởng phổ biến tinh thần bầu ban chấp hành mới là chọn người không kể tuổi tác, không kể đã ở ban chấp hành mấy khoá liền, nếu tín nhiệm ai thì cứ bỏ phiếu. Vậy là Đảng đã bật đèn xanh giữ lại Ban chấp hành cũ kể cả ông Hữu Thỉnh vẫn làm Tổng thư ký cho dù sang nhiệm kỳ thứ 3.
Một đặc điểm chung của các đại hội vừa diễn ra tại Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, Hội điện ảnh TP Hồ Chí Minh là hầu hết Ban chấp hành cũ tuổi “thất thập” đều được bầu lại. Lo rằng “hội chứng Vũ Như Cẫn” tức Ban chấp hành mới sau đại hội “vẫn như cũ” sẽ lan sang cả Đại hội mỹ thuật TP Hồ Chí Minh họp trong 2 ngày 29&30 tháng 3, hoạ sĩ Trịnh Thanh Tùng đã “báo động” trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 29 tháng 3 với bài “ Sao không thể trẻ hơn ?” rằng :” Thiết nghĩ những yếu kém và thụ động phải chăng do bộ máy đầu tàu (ban chấp hành) nay đã quá già cỗi, đã lãnh đạo quá nhiều nhiệm kỳ, mọi suy nghĩ và hành động đều theo quán tính lối mòn ? Có ai nghĩ tới việc rút lui vào hậu trường để ủng hộ các đồng nghiệp trẻ có tâm huyết đứng ra gánh vác trách nhiệm cho nhiệm kỳ tới ?”
Chắc chắn sẽ không có ai rút đâu, hơn nữa việc bầu ai, bỏ ai không thuộc quyền đại hội mà do thành uỷ dự kiến và trong tình hình hiện nay tốt nhất giữ lại Ban chấp hành cũ, ai ngồi đâu cứ ngồi đó để sự ổn định chính trị được bảo đảm….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét