Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

KHI ÔNG VỤ TRƯỞNG "BÉ CÁI NHẦM"

      
        Văn học “vết thương “ (3)
        
                       (tiếp theo)

Mặc dầu bấm bụng cho phép xuất bản cuốn “ Ba người khác” của Tô Hoài, nhưng “trên” vẫn chỉ đạo ngầm báo chí , nhất là báo Đảng không được tuyên truyền rùm beng, tốt nhất là tảng lờ, báo nào viết bài về cuốn sách này thì nhất thiết phải…chê.    
Nghiêm chỉnh vâng theo chỉ thị , báo Sàigòn giải phóng số ra ngày số ra ngày 28-1-2007 có đăng bài “Đọc tác phẩm “Ba người khác” của nhà văn lão thành Tô Hoài “ của Trúc Anh  chê bai kịch liệt với ý là nhà văn Tô Hoài chơi trò ‘chạy tội”  khi chính ông đã từng là Chánh án Toà án nhân dân, là Đội phó Đội cải cách vậy mà bây giờ chưa có lời sám hối nào với nạn chân trong cải cách ruộng đất, mà còn đổ hết tội cho anh Đội trưởng, còn mình chỉ là anh Đội phó hám gái, chỉ thừa hành lệnh cấp trên.
Trước hết, tác giả Trúc Anh cho rằng :“ bi kịch về những sai lầm trong cải cách ruộng đất ở Ba người khác, với những người quan tâm hoặc hiểu biết về nó, đều đã quen thuộc. Có lẽ cũng biết điều này, để tránh sự “quen thuộc”, nhà văn Tô Hoài đã chọn cách viết tác phẩm từ lời kể của tên tội phạm, khác với những tác giả trước đây, viết với tư thế là nạn nhân, pháp quan, thầy đời v.v… “


Cách lựa chọn “khôn ranh” của Tô Hoài bị tác giả bài viết riễu cợt :
Và sự lựa chọn này đã khiến Ba người khác ngay lập tức được các nhà phê bình, nhà văn “tài cao, đức trọng”, tôn vinh nhiệt liệt như đón chào ngôi sao rực sáng trên bầu trời văn chương Việt Nam…”
Từ đó, Trúc Anh lật tẩy thái độ của Tô Hoài với cải cách ruộng đất :
bằng thứ giọng bình thường hoá tội ác, toàn bộ lời kể của Đội Bối, trong Ba người khác, không chỗ nào tỏ ra đau khổ hay sám hối. “
và quy trách nhiệm cho Đội Bối mà thực chất là Tô Hoài :
Không biết khi kể chuyện, Bối đã hết chất lưu manh, dối trá hay chưa, nhưng ở cái xã và các xã đang “thổ cải” thời kỳ ấy, những nơi mà mầm mống nhân tính đã bị chính những người như họ tiêu diệt thì chắc chắn không thể có một ông Đội Bối vô can, và bây giờ lại uốn éo thanh minh rằng mình cũng chỉ là nạn nhân….”
Trúc Anh kết tội Tô Hoài chỉ chăm chăm vào chuyện dâm dục :
“ Trong Ba người khác, chuyện tình dục tội lỗi được kể bằng thứ ngôn ngữ chính xác, khoái cảm hả hê, tâm đắc. Chỉ với 250 trang sách mỏng, những cảnh hoang dâm, quần dâm diễn ra thường xuyên, mọi lúc mọi nơi: Ba anh Đội: Cự, Bối, Đình thay nhau, nhường nhau làm tình các nữ dân quân, bần cố nông “rễ, chuỗi”: Đơm, Duyên… bất kể ban đêm, ban ngày, trước, sau lúc hội họp, lúc đấu tố; làm tình ngay bụi cây bên đường làng, bên đống rạ trong sân; làm tình cô Đơm trước người mẹ tàn tật, làm tình cô Duyên bên ông bố điếc; Đội Bối quần dâm với nhiều nữ dân quân trong một đêm ở lán gác…”
Nhưng có thực trong những ngày “ long trời lở đất”, tức những ngày nông thôn chìm đắm trong không khí khủng bố, đàn áp thời cải cách; chuyện sex, tức chuyện “dâm dục” có nổi lên tràn lan vậy, hay chỉ là cái cách nhà văn Tô Hoài phóng đại để làm lu mờ những chuyện khác ?
Trong Ba người khác, Đội thấy gái và gái thấy Đội, bất cứ hoàn cảnh nào, cũng như lũ cuồng dâm vồ nhau làm tình, không hề từ tình cảm mà chỉ từ động dục, đổi chác, lợi dụng nhau... giữa làng xã tiêu điều, đói khát, oan khốc, đấu tố tuỳ tiện. Viết về tình dục và dâm đãng để tạo ra sự rùng rợn về một loài kinh tởm hơn cầm thú và man di mọi rợ chưa từng có trong xã hội loài người, thì Ba người khác quả là “ép phê”.

Tác giả bài báo đặt câu hỏi nghi ngờ anh “Đội Tô Hoài “ tố điêu:

“Nhưng người đọc buộc phải ngờ anh Đội Bối “tố điêu”, vì chắc chắn cái hiện thực hoang dâm hủ bại ngập ngụa trên, chỉ có trong trí tưởng tượng ác độc, vô luân của bọn tố điêu, chứ không thể có ở làng quê Việt Nam bất cứ thời kỳ nào. Cái giỏi của nhà văn lớn Tô Hoài chính là ở chỗ này: Vừa làm cho Ba người khác trở thành tác phẩm ăn khách mà vẫn tiếp tục lột trần Đội Bối, cà cuống chết đến đít còn cay, đã thất bại thảm hại, rơi xuống dưới đáy xã hội mà vẫn nguyên vẹn bản chất dối trá, lưu manh của anh Đội Bối ngày xưa”.
Và dẫu anh Đội Bối có chìm ngập trong những chuyện dâm dục , đổ hết tội cho Đội trưởng Cự, nhưng cái chức Chánh án của anh ( cũng là của Tô Hoài) đã tự tố cáo anh:
Trong Ba người khác, đội phó Bối, kiêm chánh án, không chỉ dùng “nghệ thuật” hoang dâm (vì ngày nay, hoang dâm đang được nhìn nhận là “đổi mới tư duy”) để bình thường hoá tội ác, mà còn trút hết mọi tội ác diễn ra ở xã thời cải cách, lên đầu đội trưởng Cự, một kẻ theo địch, đã chết, chẳng bao giờ có cơ hội viết tự truyện để bào chữa cho mình, đổ tội sang người khác, và nói thêm: Hàng nghìn vụ xử án, kết án oan “kẻ thù giai cấp” hồi đó đều không thể thiếu chữ ký của chánh án Bối. “
Tác giả bài viết vạch trần mưu toan của Tô Hoài chạy tội cho mình trong cuốn “tự truyện” này, đã đổ hết lỗi cho người khác cho dù thời cải cách ruộng đất ông đã làm tới chức…Chánh án Toà án nhân dân :
“ Song đỉnh điểm cao thâm của nhà văn lớn Tô Hoài trong Ba người khác lại ở chỗ, vừa rút hết vốn sống của người trong cuộc, viết ra loại sự thật đáp ứng được khẩu vị và sự hiếu kỳ, khiến người đọc, nhất là các nhà phê bình đang muốn nổi của nền văn học Việt Nam, phải trầm trồ tâm phục khẩu phục, ông đồng thời vẫn tách bạch được sự thanh cao, thánh thiện bằng giọng văn dưng dửng, biếm biếm, như mình hoàn toàn là người ngoài cuộc, nên cùng lúc, ông cũng được ca ngợi là khách quan, dũng cảm khi dám mổ xẻ, phanh phui đến tận cùng một đề tài nhạy cảm.”
Và chính vì lối “chạy tội” đó, Tô Hoài đã không dám chỉ đích danh thủ phạm gây nên thảm trạng cải cách ruộng đất chính là Đảng và Nhà nước mà là do người của…địch cài vào :
“Bi kịch cải cách ruộng đất ở xã nọ kết thúc có hậu, kèm theo lời giải đáp “đúng hướng” về nguyên nhân đẻ ra sự xáo trộn làng quê kinh hoàng: Đội Cự có vẻ như do địch cài vào, Đội Bối là đảng viên giả mạo, còn Đội Đình, đảng viên thật sự, chỉ có mỗi tội lãng mạn không tưởng.”
Vậy là đảng viên Tô Hoài và Đảng cộng sản của ông là…vô can, lỗi là ở “kẻ xấu” chui vào hàng ngũ ta. Để thực hiện được “ý đồ chạy tội “ đó, Trúc Anh đã tố cáo Tô Hoài dùng mẹo “ve sầu thoát xác” :
“Nhiều người bảo Ba người khác đã mở ra diện mạo mới cho văn chương Việt Nam. Nói như thế là chưa thấy hết tầm cỡ của Tô Hoài, chưa hiểu thế nào là thuật kim thiền thoát xác. Đọc xong Ba người khác, không nhìn ra người thứ tư, một anh Đội Bối B, sau cải cách, sau sửa sai, vẫn tiếp tục được thăng quan tiến chức, hưởng ngập mặt những bổng lộc, quyền lợi, nhờ cải cách ruộng đất, và đến tận cuối đời, chứng khôn ranh vẫn nguyên vẹn, vẫn thu hút được quanh mình đủ loại “chuỗi, rễ” đời mới, là chưa hiểu hết cái sâu xa, cái vô cùng của tác phẩm …”
Anh Đội Bối B chẳng phải ai khác, chính là nhà văn Tô Hoài, sau cải cách vẫn thăng quan trong Hội nhà văn, vẫn “ lập kỷ lục quốc gia” về …số lần đi nước ngoài khiến dân gian đã có câu :
“ Đảng đoàn là Đảng đoàn Hoài
Hễ đi nước ngoài là có ông ngay…”

                                    *
                                 *    *

Bài “Đọc tác phẩm “Ba người khác” của nhà văn lão thành Tô Hoài “ của Trúc Anh rõ ràng là lên án nhà văn Tô Hoài với lời lẽ thật quyết liệt, sâu cay, vậy mà chắc do “trình độ có hạn”, hoặc đầu óc lú lẫn vì đấu đá nội bộ, ông Nguyễn Thế Kỷ, Vụ trưởng Vụ báo chí “hồi ấy” đọc xong lại “nhầm tưởng” là …bài báo quá khen “ Ba người khác “ của Tô Hoài, trái với chỉ đạo của Ban tư tưởng là không được khen, chỉ có…chê. Lập tức ông nổi giận đùng đùng, tại cuộc giao ban báo chí ngày 6-2-2007, ông lên giọng “lãnh đạo” :
“Nếu ý của tác giả là phê phán cuốn sách thì tự bài viết đã bộc lộ sự non tay, né tránh và sơ hở, nhiều đoạn trong đó vô hình chung ca ngợi tác phẩm một cách quá lời. Nhìn toàn cục, bài viết nhập nhằng giữa khen và chê, chê qua loa nhưng khen  thì quá rõ…”
Và rồi ông Vụ trưởng Vụ báo chí kết cho tác giả Trúc Anh và  báo Saigòn  cái tội “chết người” :
“ …thiếu tính định hướng…”
Trong làng báo Việt Nam, đây là tội nặng nhất, báo chí có thể đưa tin sai lệch, thiếu chính xác, nhưng “thiếu định hướng” tức là cãi bướng, không tuân theo sự chỉ đạo của Ban tư tưởng” là…chết.
Mặc dầu thừa biết là thủ trưởng “phán láo”, kết tội oan uổng  nhưng mấy ông Tổng biên tập vẫn ngồi im thin thít, không ông nào dám cãi . Bởi lẽ im lặng là vàng , anh nào dám ho he cãi lại cấp trên thì  coi chừng, mất ghế có ngày.
Biên bản cuộc họp giao ban này chắc được giấu biến để khỏi tới tay lão nhà văn Tô Hoài tránh cho ông nổi giận rất có hại cho sức khoẻ người già.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét