Xin đừng hành hạ mẹ.
Nhân câu chuyện tỉnh Quảng Nam xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tốn 410 tỉ, nhớ lại các nhà văn Việt Nam cũng đã lôi các mẹ ra hành hạ như thế nào ?
Có một cuốn sách ra đời từ năm 2002, nhưng phải đợi đến ngày kỷ niệm…thương binh liệt sĩ (27-7-03), nó mới được lôi ra ca ngợi ầm ĩ tại cuộc toạ đàm ở …Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ.
Nhà văn Anh Đức, Phó Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam “bắn phát súng” đầu tiên :
” Có thể nói chị Trầm Hương ( tác giả cuốn sách) không phải viết ra từ đầu ngọn bút mà chị đã viết ra từ trái tim, bằng cả niềm tự hào, hãnh diện và trên trang viết của chị , tôi nghe nhiều đoạn buốt đau , nhiều trang ướt lệ…một thiên anh hùng ca cực kỳ bi tráng…”.
Rất may, Nhà nước đang nghiên cứu một sắc thuế “tiêu thụ đặc biệt” đánh vào các nhà văn “xài chữ” quá xá, nếu không chắc nhà văn Anh Đức phải nộp tiền triệu.
Nhà văn Trần Thanh Giao, Trưởng ban sáng tác trẻ Hội nhà văn TP HCM thì trầm trồ :
” Tôi có cảm giác như anh chị em (nhà văn trẻ ) đã lăn lộn vào mỏ tìm vàng , ai cũng muốn có được vàng trong tay mà Trầm Hương có được miếng to, quý, khích lệ mọi người…”
Báo hại nhà văn Trần Thanh Giao, ngay trên trang báo Văn Nghệ in ý kiến của ông , phóng viên tường thuật cuộc toạ đàm lại viết rằng :
” Chị Trầm Hương đã âm thầm đọc rải rác trên các báo Sàigòn giải phóng, Công an TP HCM, An ninh thế giới, lặn lội sưu tầm địa chỉ đã từng được các báo nhắc tới …hơn 10 năm trời chị mới hoàn thành bộ sách…”.
Hoá ra chị Trầm Hương “đào mỏ tìm vàng” và được “miếng to” là từ ngay trên báo của Đảng và của các lực lượng vũ trang của Đảng rồi “văn chương hoá” nó thành cuốn sách.
Nhà văn tiêu biểu của xứ dừa Trần Kim Trắc thì hô hoán :
” Cuốn sách có giá trị kép : vừa là tư liệu lịch sử người thật việc thật nóng hôi hổi cho cả hôm qua lẫn mai sau, vừa là tác phẩm văn học…”
Nhà thơ Nguyễn Duy cũng nhảy vào “khen” hôi :
” Trầm Hương là một cây bút đặc biệt. Thứ nhất chị là nữ.Thứ hai , một mình gánh vác gia đình vừa nuôi con vừa viết lách, vừa công tác…”
Vậy đó là cuốn gì ma được ca ngợi rầm rộ thế ?
Xin thưa là cuốn “Mẹ”, được ghi chú là “truyện ký” NXB Quân Đội 2002,viết về 40 bà mẹ trong số 44.253 bà đã được Nhà nước phong cho danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Trong số 40 triệu bà mẹ Việt Nam, chọn được hơn 40 chục ngàn bà mẹ anh hùng, rồi trong số đó lại chọn ra 40 bà anh hùng thì phải nói những “người thực , việc thực “ đó phải là siêu anh hùng. Ta hãy nghe con gái của mẹ Chạy, bà mẹ anh hùng, kể về mẹ mình :
” Mẹ tôi sinh tôi trong tù, bị giặc ép phải gửi con cho người ngoài nuôi. Tôi bị bỏ đói, khát sữa đến mỏn hơi, bị bỏ cho kiến cắn…”.
Mẹ Chạy anh hùng như vậy đó, con dứt ruột đẻ ra, sống vất vưởng, nhưng mẹ Chạy vẫn hy sinh cả tình mẫu tử, “tiếp tục hoạt động” .
Rồi mẹ Huỳnh thị Tân, “sáu người con trai của mẹ lần lượt ngã xuống cho ngày hoà bình thống nhất đất nước. Cứ mỗi lần nhận dược tin một người con hy sinh, mẹ nuốt lại nỗi đau xé nát trái tim, nuốt lại những giọt nước mắt . Chỉ khi đến người con thứ sáu nằm xuống, như lượn sóng tràn bờ nỗi đớn đau chất đầy ngập con tim , mẹ mới oà khóc…”.
Ối trời, mẹ mất 5 đứa con không nhỏ giọt nước mắt nào, chỉ đến đứa thứ 6 mẹ mới oà khóc thì quả thật mẹ có một quả tim bằng đá.
Từ rừng Tây Ninh, bà mẹ anh hùng Hồ Hồng Cúc bế đứa con mới 4 tháng tuổi, nhập vào một đoàn hành quân khoảng 20 người ra đi chẳng may vấp vào ổ phục kích. Sợ tiếng khóc đứa bé làm lộ cả đoàn người, bà mẹ đã “ôm chặt con vào lòng” để bịt miệng nó,” ôm chặt quá lâu”, khi đoàn người vừa thoát hiểm “ mẹ buông con ra thì cháu bé đã…lạnh ngắt, tím tái và ngạt thở”, rồi thì sợ địch bắt ảnh hưởng tới cả đoàn, bà mẹ anh hùng đã “dấu con lại trong một lùm cây , không kịp hôn con nụ hôn vĩnh biệt …”
Ôi ba bà mẹ anh hùng, một bà mặc con sống vất vưởng, kiến cắn vẫn hăng say làm cách mạng , một bà có trái tim khổng lồ đến mức 5 đứa con trai chết vẫn không chịu khóc, một bà bóp miệng con mới 4 tháng tuổi đến chết ngạt để cả đoàn 20 người trong có mẹ được an toàn rồi còn vứt xác con lại ngoài rừng. ( Câu chuyện này na ná như “chuyện đồn đại” một bà mẹ cùng đoàn người trốn qua cầu Long Biên hồi tản cư năm 1946, cũng sợ giặc Pháp phát hiện ra, đã phải bịt mũi đứa con cho tới chết) . Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng cứ tin vào “ngòi bút từ trong tim” của bà Trầm Hương thì quả thực trong trái tim các bà mẹ anh hùng chỉ thấy cắm có…ngọn cờ cách mạng. Thế mới biết “ý thức mục tiêu” của các mẹ quả thực là sắt thép, một khi đã lên đường làm cách mạng thì “tình mẫu tử” cũng chẳng là cái…đinh gì. . “Giệt giặc cứu nước cái đã”.
Tuy nhiên , chúng ta hy vọng đó chỉ là tưởng tượng của nữ văn sĩ Trầm Hương vốn hầu hết các tác phẩm của bà đều được đào bới trong…bảo tàng phụ nữ cách mạng. Từ kịch bản phim nhiều tập “ Người đẹp Tây Đô” tới truyện ký “Mẹ” đã xác định một lối đi riêng của bà trong văn học – đó là phương cách “ ăn theo những linh hồn chết “.
Trí tưởng tượng của nữ văn sĩ còn đi xa hơn nữa. Như bà mẹ anh hùng Đoàn Thị Nghiệp bị bắn chết “ngay trong giây phút cuối cùng , chị vẫn mong chồng được sống , được nguyên vẹn trở về trong ngày chiến thắng…Ý nghĩ ấy khiến chị có thêm sức mạnh chiến đấu tới hơi thở cuối cùng với kẻ thù…”. Đến đây người ta có thể hỏi nữ văn sĩ :” Làm cách nào bà biết được ý nghĩ cuối cùng của người đã chết ?”. Không lẽ bà ngồi đồng để phỏng vấn vía bà mẹ anh hùng ? Chắc do vậy nên nữ văn sĩ đã tả cái chết của bà mẹ anh hùng thật chi tiết:
“ Dì Tám ( tức bà Đoàn thị Nghiệp )xông lên nã những phát đạn đích đáng vào kẻ thù . Chúng đã bắn dì Tám. Trước khi gục xuống , dì Tám đã kịp đập gẫy súng…”.
Thật đúng là bà mẹ anh hùng, trong lúc sắp chết vừa nghĩ tới chồng vừa làm được chuyện mà một anh lực điền lúc khoẻ cũng khó làm nổi : đập gẫy cây súng. Rồi đến nữ anh hùng Lê thị Hồng Gấm bị địch bắn “ “người tan nát hết. Một phát vô đầu, một phát vô tim” ấy thế mà nữ văn sĩ còn chưa cho phép người nữ anh hùng an nghỉ, còn bắt bà “ trước lúc hy sinh, chị còn kịp phá huỷ súng…”. Ối trời ôi, bị một phát vô đầu , một phát vô tim còn sức lực đâu nữa mà “phá súng” hả bà Trầm Hương. Ay là chưa kể trứớc đó, nữ anh hùng Lê thị Hồng Gấm đã dùng chỉ một cây súng AR 15 còn 15 viên đạn mà đã bắn hạ được “một máy bay và 3 tên địch”. Chi tiết này quả thực đã nâng người anh hùng lên bậc đại kiện tướng xạ thủ quốc tế. Còn sau đây là một màn địch thử thách một bà mẹ anh hùng giả điên để hoạt động cách mạng :
“ Hắn (tên chỉ huy) bắt người đàn bà điên vào đồn thẩm vấn. Bà cười, nụ cười ngớ ngẩn như một đứa trẻ.
Có đói không ?
Hắn hỏi và đưa cho bà ổ bánh mì và hộp pho mai.Bà cầm lấy ngửi ngửi miếng pho mai vẻ khó chịu. Mắt bà chợt sáng rực khi nhìn thấy đống phân chó. Bà lao tới bốc từng cục phân và không một chút ngần ngại , ghê tởm, bà bỏ vào miệng nhai lấy nhai để , nuốt ngon lành.
Ối con mụ điên…
Tên chỉ huy nôn thốc nôn tháo. Hắn xua tay ra hiệu cho thuộc tống cổ người đàn bà điên thúi hoắc ra khỏi cửa..”
Bạn đọc có thể hỏi nữ văn sĩ, nếu lúc đó không có bãi phân chó là cái thứ hiếm có trong phòng “tên chỉ huy” thì bà mẹ anh hùng sẽ bày tỏ cái sự “điên” của mình theo cách nào đây? “Muốn thử người điên lẽ ra “tên chỉ huy” phải đưa ra một cục phân chó giả “pho mai” kèm bánh mì chớ ? Còn đưa cho người ta cả bánh mì lẫn “pho mai” thì dù là điên hay là tỉnh cũng đều…chén hết thì còn thử thách cái nỗi gì.
Buồn cười nhất là tác giả “sáng tạo” chân dung bà mẹ anh hùng Trần Quang Mẫn, lúc 17 tuổi đã giả trai để đi bộ đội. Tác giả viết :
” Sau này cô tâm sự : Tôi phải dang nắng cho da đen sậm, tập hút thuốc rê, thuốc lào, tập huýt sáo , tập đá banh…Ngoài ra tôi còn tập…đái đứng…” .
Úi chao ôi, không hiểu nàng đã luyện tập ra sao để vẫn “đứng” mà nỗi lòng vẫn trào vọt cao như đàn ông thì thật là thân pháp tuyệt luân.
Dòng văn học của những “ Đất nước đứng lên”,“Sống như anh”,” Người mẹ cầm súng”, trong đó dựa vào người thực việc thực có tô vẽ thêm để trở thành những nhân vật anh hùng ở đời chỉ chăm chú có mỗi một việc “đi làm cách mạng” - dòng văn học này tưởng đã vắng bóng trên văn đàn kể từ thời kinh tế thị trường. Vậy mà không, dẫu tài năng chẳng bằng các bậc cha chú đi trước, nữ văn sĩ Trầm Hương cũng gắng nối dài dòng văn học “ăn theo những linh hồn chết” bằng cuốn “Mẹ”, mà nhà văn Trần Kim Trắc đã tôn vinh nó lên hàng “tác phẩm văn học”.
Ngày nay đọc lại, người đọc không khỏi ngậm ngùi :” Xin đừng hành hạ các mẹ!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét