Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

THUỐC ĐẮNG DÃ TẬT, SỰ THẬT MẤT LÒNG

HỘI NHÀ VĂN QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI  (KỲ 4)

                                              (tiếp theo)


                   Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng


Tất nhiên, để “bảo hiểm” cho bản tham luận của mình, Trần Mạnh Hảo đã phải viện tới ông Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh và rào trước đón sau :
“ Sáng sớm 21-4-2005, tôi đang đọc báo mạng, thì nhà thơ Hữu Thỉnh gọi vào bảo : Ông viết tham luận chưa, gửi bằng email ra ngay để đăng ký đọc sớm. Tôi bảo : thôi anh Thỉnh ạ, tôi xin im lặng ngồi nghe là quý cho Đại hội bội phần rồi, cho tôi lên tiếng là hơi bị mệt đấy. Anh Thỉnh bảo : ông cứ viết đi, viết cho hay vào ! Tôi ra điều kiện : tôi sẽ viết tham luận, nhưng viết thật lòng những suy nghĩ của mình về nghề văn, cả điều vui và nỗi buồn, mong được sự “đối thoại” lại của đồng nghiệp, thậm chí của sự giải thích từ cấp trên, nếu cấp trên “hạ cố” đối thoại cùng văn nghệ. Anh Thỉnh khuyến khích : thì có ai cấm ông nói thật đâu. Vâng, được lời như cởi tấm lòng, tôi xin thành thật đây, mặc dù biết : “ Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” .Bài tham luận này của tôi, vì sự thật đôi lúc rất khó nghe, có làm mất lòng ai đó thì xin làm ơn bỏ quá cho, cũng đừng vỗ tay đuổi xuống mà lớp trẻ nó lại cười cho rằng các bố già không biết “đối thoại”, ai nói hơi trái tai một tí là “Phong Lai mặt đỏ phừng phừng”. Vâng, vì tương lai của nền văn học, hơn nữa là tương lai của văn hoá Việt Nam mà chúng ta có mặt ở đây, trong hội trường Ba Đ ình lịch sử này, không chỉ để hoan hỉ chén chú chén anh đặng bầu bán nhau lên chấp hành chấp tỏi, mà thiết yếu là bàn xem, làm cách nào có được tác phẩm lớn như nghị quyết đảng từng nhiều lần yêu cầu chúng ta .”
     Đó…dù có nói Đông nói Tây nói xuôi nói ngược ra sao thì cũng là do ông Hữu Thỉnh cam kết :” Thì có ai cấm ông nói thật đâu ?”. Vậy thì nói sợ gì. Thế là Trần Mạnh Hảo “mở máy “ :
         Người viết những dòng này, năm 1989 được nhà xuất bản Đ ồng Nai in cho cuốn tiểu thuyết “ Ly Thân”. Cuốn sách vừa in ra hơn tuần thì nghe nói có lệnh cấm, mà lệnh của ai, ai cấm không biết, không có, tác giả và nhà xuất bản không hề nhận được lệnh cấm nào từ cục xuất bản hay từ cơ quan tư tưởng văn hoá, hay cục A 25. Tuyệt đối không. Nhưng mà bao nhiêu báo thi nhau đăng lên rằng, giao ban cấm, cấm phát hành và thu hồi Ly Thân. Cuốn sách bị công an, bị quản lý thị trường văn hoá đi hốt thật, người bán thấy công an là ôm sách chạy náo loạn còn hơn anh bán sách cũ lậu vỉa hè sau 30 tháng tư. Sách thu về đâu được gần 1000 cuốn tính mang đi đốt, đi nghiền bột giấy thì sau vài ngày, các cơ quan, các ông to bà lớn nghe đồn có thằng phải gió nào viết tiểu thuyết chống đảng kinh lắm, nên tò mò đến xin cho tao, cho ông ấy vài cuốn về nghiên cứu thử. Thế là đống sách thu hồi được từ lệnh cấm vô danh, lệnh cấm bán chính thức, lệnh cấm dấm dúi vô pháp luật thiếu công khai dân chủ ấy chỉ ba hôm là được “đưa đi nghiên cứu” sạch, coi như nó vẫn được phát hành bằng một hình thức “xử lý nội bộ” rất Việt Nam, rất xã hội chủ nghĩa. “
Trước lệnh cấm và lệnh thu hồi qua trắng trợn và vô lý như vậy, thái độ Hội nhà văn bênh vực Hội viên của mình ra sao ?:
“Hội Nhà văn thành phố và Báo Văn Nghệ của anh Hữu Thỉnh cho hội thảo cuốn Ly Thân, in ý kiến công khai của hàng chục nhà văn, nhà phê bình phát biểu về cuốn sách. Các ý kiến chung quy chỉ nhằm phê bình Trần Mạnh Hảo viết cương, cường điệu quá, tếu táo quá, bịa, phét không chịu được, ngắm trăng tập thể là thế nào, đùa cợt hơi nhố nhăng, tào lao chi khươn vừa vừa thôi, tóm lại không chống đảng mà dở. Ơ hay, dở với hay là đặc tính thông thường của văn chương. Xưa nay,sách dở bày bán đầy ra đấy, có ai thu hồi đâu, sao chỉ Ly Thân của Trần Mạnh Hảo bị tich thu, bị cấm phát hành, bị từ chối không cho tái bản?
 Gần đây, nhân đi họp báo, nhìn thấy một ông rất lớn, cơ hội bằng vàng, Trần Mạnh Hảo tẽn tò đến làm quen, thiếu điều gãi đầu gãi tai, mặt mũi ngô nghê nghệt ra thê thảm không chịu được, y như cái anh dân đen kít kìn kịt đi xin việc, mà rằng : “ Thưa anh, cuốn Ly Thân của tôi bị cấm oan, nhờ anh giải quyết xóa lệnh cấm, lệnh thu hồi “bán chính thức” ngày xưa giùm được không ạ ?” .Ông lớn ngạc nhiên muốn rụng con mắt, bảo :“Đảng ta chủ trương tự do sáng tác, làm gì có chuyện cấm đoán với thu hồi ấy, đâu giấy đâu, lệnh cấm đâu, ông đưa đây, tôi xử lý cho,tuyên bố xóa lệnh cho để tha hồ tái bản, nhằm nhò gì, đảng lo bao chuyện lớn đối ngoại đối nội, với cái việc viết lách vặt vãnh của các ông đảng xía vào làm gì, thô bạo làm gì cho mang tiếng”. Ừ nhỉ, nghĩ cũng có lý !Có khi đảng ở trên cao tít không dính vào những chuyện tí teo này thật ? Hay chỉ mấy cấp trung gian cứ hay nhân danh đảng cấm cản vặt vãnh quá đi thôi, mang tiếng oan cho đảng nhà nước chứ chẳng chơi !Về danh chính ngôn thuận thì bố ai dám bảo đảng ta không quang minh chính đại ? Tôi lúc đó choáng váng, bỏ mẹ, mình sẽ bị tội vu cáo mất thôi, thưa lại : “ Thưa anh, hồi ấy không thấy có giấy ban xuống lệnh cấm, chỉ thấy mấy tờ báo đăng thu hồi Ly Thân theo lệnh giao ban thôi ạ”. Ông lớn cười khẩy: “Thấy chưa, báo hồi đó đăng lăng nhăng, làm gì có ai cấm Ly Thân của ông cho mang tiếng…”.
Chẳng biết ông lớn là ông nào Trần Mạnh Hảo không nói ra nhưng chắc cũng phải là một trong tứ trụ trào đình . Được đà, Trần Mạnh Hảo đửa cả Thuý Kiều ra để luận về tự do sáng tác , khuyên Đảng nên học theo Tự Đức và Nguyễn Du và “thực hiện đúng cương lĩnh ‘TỰ DO SÁNG TÁC’ , bơn bớt dùm đi các cấp trung gian :
“ Khi đưa nhân vật cô gái lầu xanh Thuý Kiều ra làm nguyên mẫu cho cái đẹp, nâng cô gái phạm huý, phạm phong, phạm pháp kia lên thành nguyên lý CHÂN THIỆN MỸ CỦA THỜI ĐẠI, Nguyễn Du đã vượt qua mặt chế độ phong kiến dã man, vỗ cái đốp vào mặt chế độ nó nảy đom đóm mắt ra như thế mà nó tha chết cho thì kể cũng là một sự thậm hay và thậm lạ! Rồi Nguyễn Du lội qua chế độ phong kiến chưa có đảng ta lãnh đạo ấy mà tiến thẳng tới thời đại tự do dân chủ định hướng xã hội chủ nghĩa hôm nay, chính nhờ có nguyên tắc sáng tạo : “ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai !” đấy. Cái mà thời nay ta gắn cho nhà văn một thiên chức vô cùng tốt đẹp, vô cùng cao quý là : “ Nhà văn là người hướng dẫn tinh thần thời đại”.Thời đó, Việt Nam ta chưa có chủ nghĩa Marx, chỉ có Nho giáo là tư tưởng chính thống của thời đại. Mà Nho giáo thì cương cường nghiêm chỉnh, khắc khổ, tu thân : “trai thì trung hiều làm đầu/ Gái thì tiết hạnh là câu sửa mình”; Nho giáo chúa là ghét chuyện ong bướm, chuyện lả lơi trai trên gái dưới gần như là chuyện phản động, thế mà Nguyễn Du lại đưa một cô gái lầu xanh ra từ nhà thổ để thông qua chữ hiếu của nàng, thông qua vẻ đẹp thân xác và tâm hồn của nàng mà xóa sổ những giáo điều giả dối phong kiến, đưa cô gái bị xã hội cho là thập thành ấy lên thành BÀ CHÚA CỦA CÁI ĐẸP thì “tội” ấy còn ghê hơn cả tội khi quân !
 Thế mới biết quan niệm thẩm mỹ về văn học của ông cha ta thoáng vô cùng ! Nguyễn Du tất nhiên là thoáng vô cùng, mà Tự Đ ức cũng vô cùng thoáng, không thì làm gì chúng ta có được Truyện Kiều trên tay.Hi vọng, những nhà quản lý văn học nghệ thuật của chúng ta hôm nay cần phải học được lối ứng xử với nhà văn không hơn được thì ít ra cũng bằng với ông cha, mới hi vọng có tác phẩm lớn. Xin thực hiện đúng cương lĩnh ‘TỰ DO SÁNG TÁC’ của đảng và nhà nước vẫn ban hành, xin bơn bớt dùm đi các cấp trung gian, quan tâm tới nhà văn vượt mức các chỉ tiêu trên giao thì quý hoá biết là chừng nào. Xin chư vị Bắc Đ ẩu Nam Tào chứng giám, nếu NÓI và LÀM đượp khớp với nhau đẹp đôi như Nguyễn Du – Thuý Kiều ( nhà văn và nhân vật) thì cánh viết lách chúng em đây cứ là mở cờ trong bụng như lúa chiêm tháng tư này đang ngấp nghé đầu bờ, chờ tiếng sấm mưa móc tự do của đảng, hồn vía lúa sẽ phừng phừng phọt lên mà phất đòng đòng sáng tác, báo hiệu vụ chiêm văn học bội thu chứ chẳng chơi; rồi thì chúng em rúc rích họp cho hết đại hội 7 nhà văn xong là lại tưng bừng, phấn khởi chuẩn bị họp tiếp đại hội 8 ạ ! Chúng em sẽ túc tắc bảo nhau mà viết ra tác phẩm xứng đáng với thời đại, với dân tộc Việt Nam; một dân tộc mà số phận đã giành cho nó một khung cửa hẹp vào thiên đường độc lập tự do qua hàng triệu hi sinh xương máu, để cho quyền làm người được có cơ tồn tại dưới mặt trời, như chính Nguyễn Du, và Thuý Kiều từng khát vọng. “

                                                          (còn tiếp)








  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét