HỘI NHÀ VĂN QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI (2) :
Văn chương Việt Nam đơn điệu quá ?
So sánh với thời thực dân Pháp, nhà văn Hoàng Quốc Hải tiếc rẻ :
“10 năm đó (1932-1942), các trường phái văn chương đua nhau nảy nở. Bản thân mỗi nhà văn đều có lòng yêu ghét rõ ràng , và được viết tất cả những gì mình muốn viết mà không sợ chính quyền thực dân cản trở…”
Thế còn dưới chế độ Đảng lãnh đạo thì sao :
“Văn chương Việt Nam đơn điệu quá. Trên nửa thế kỷ qua tất cả chỉ nói theo một giọng điệu, viết theo một thi pháp. Bản thân nghệ thuật là khám phá là luôn luôn tìm tòi đổi mới , vậy mà 50 năm qua chỉ có mỗi một con đường làm gì chẳng cũ kỹ , sáo mòn. Lẽ ra phải tạo điều kiện để có nhiều con đường khác nhau, cùng đến chung một mục đích : đó là dân tộc, tổ quốc là chủ nghĩa yêu nước.”
Rõ ràng ông nhà văn kết tội Đảng 60 năm qua chỉ o ép nhà văn đi theo mỗi một con đường tuy không nói thẳng ra nhưng ai cũng biết – đó là con đường sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa và chẳng rõ nó hay ho ra làm sao mà chỉ thấy tạo nên một nền văn học “đơn điệu”, nói theo “một giọng điệu” , viết theo một thi pháp, bởi vậy làm sao có tác phẩm hay ?
Cụ thể hơn nữa, Hoàng Quốc Hải đặt thẳng vấn đề với Đảng :
“ Vậy cái gì cản trở nhà văn ?”
Và ông rụt rè tự trả lời :
“ Phải chăng quyền tự do sáng tác, tự do công bố tác phẩm của nhà văn bị hạn chế ? “
Ông không dám trực tiếp đưa ra câu trả lời hiển nhiên :” quyền tự do sáng tác , tự do công bố tác phẩm của nhà văn không những bị hạn chế mà còn bị Đảng tước đoạt, khống chế…” . Và ông đá trái banh sang người cầm bút :
“ (Cái cản trở nhà văn) còn là sự tự kỷ ám thị, lâu năm trở thành nỗi sợ hãi tới mức không dám viết về những điều mình nghĩ…”
Nhà văn không dám viết những điều mình nghĩ thì hẳn là chỉ còn viết những điều…Đảng nghĩ. Và Đảng nghĩ gì thì cả nhà văn lẫn bạn đọc đều đã biết quá rõ : nào “Đảng ta thật là vĩ đại”, “ công ơn của Đảng thật là lớn lao”, nào sự lãnh đạo của Đảng đối với dân tộc Việt nam là toàn diện, tuyệt đối , vĩnh viễn và không có gì thay thế được. 60 năm qua nhà văn Việt Nam viết đi viết lại suy cho cùng chỉ có chừng đó trách gì bạn đọc chẳng quay lưng lại với nhà văn.
Đã khiếp sợ không dám viết những điều mình nghĩ, nhà văn còn bị “ràng buộc bởi “ chế tài những sai sót của nhà văn không được minh bạch, không có luật mà phụ thuộc vào định hướng chung chung. Và rồi ai cũng có quyền phá hỏng cả một sáng tác nghiêm túc của nhà văn, thậm chí phá nát cả sự nghiệp và cuộc đời nhà văn bằng nhận ï thức thấp kém của chính một người uyền uy nào đấy. Tình trạng đó cho tới nay vẫn chưa chấm dứt…Thỉnh thoảng vẫn còn thấy những tác phẩm bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi nhưng không công bố công khai, khiến tác giả và công chúng cũng không biết vì sao…”
Ai cũng có quyền chôn vùi một tác phẩm khi lu loa lên rằng nó “có vấn đề về tư tưởng”. Sự trừng phạt đối với “ Vào đời” của Hà Minh Tuân, “Đêm đợi tàu” của Nguyễn Đỗ Phú, “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật, “ Cây táo ông Lành” của Hoàng Cát …đều bắt đầu từ một sự lu loa như vậy. Người ta chưa quên những ông Vụ trưởng Vụ xuất bản đầy quyền uy mà nhận thức lại thấp kém như Lê Thành Công đã bác bỏ không cho tái bản cuốn sách “ Anna Karênin” của Tolsoi với lý do nó là chuyện về….một con đĩ ngoại tình.
Có lẽ đây là lần đầu tiên, trên một diễn đàn công khai, một diễn đàn lớn như Đại hội nhà văn VN, một nhà văn đã lên tiếng thẳng thắn đòi tự do và dân chủ cho nhà văn và cả nhà báo :
“ Để chấm dứt tình trạng mù mờ đó cần phải xây dựng một xã hội đối thoại, xã hội dân chủ. Vì vậy, mọi thứ phải được minh bạch trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tôi đề nghị Nhà nước hãy trả lại cho văn chương , báo chí quyền tự do sáng tác mà Nhà nước đã trưng dụng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vừa qua…”
Vậy là đã rõ, lấy cớ chiến tranh, Nhà nước đã tước đoạt quyền tự do và dân chủ của nhà văn, nhà báo và tình trạng đó vẫn kéo dài cho tới tận ngày nay chứ không phải như các cán bộ của Đảng và Nhà nước kiểu như ông Lê Dụng , người phát ngôn của Chính phủ vẫn cứ leo lẻo rằng ở Việt Nam luôn luôn có tự do và dân chủ. Đây thực sự là một tố cáo công khai và mạnh mẽ ngay trước thềm của Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 10 sắp tới. Về chế độ kiểm duyệt nhà văn Hoàng Quốc Hải đưa ra một hình ảnh thật hãi hùng :
“ Cả nước có tới gần 1000 tờ báo và tạp chí, nhưng quy về chỉ có mỗi một ông Tổng biên tập, tránh sao khỏi đơn điệu và sáo mòn…”
Ông Tổng biên tập, chủ bút của cả ngàn tờ báo đó chính là đông chí Nguyễn Khoa Điềm kính mến, Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban văn hoá và tư tưởng, người nắm giữ vận mệnh của tất cả những ai cầm bút , cầm cọ và cầm đàn, số phận của tất cả những sản phẩm vật thể và phi vật thể dính dáng tới văn hoá nghệ thuật. Ông chỉ cho xuất hiện và tồn tại những gì có lợi cho Đảng của ông – ngược lại điều đó ông thẳng tay cấm đoán. Đó không chỉ là chuyện hôm nay mà đã có từ ngày “các nhà văn có Đảng”. Nhà văn Hoàng Quốc Hải còn đòi thể chế hoá quyền tự do sáng tác thành luật :
“ Công dân nhà văn Việt Nam không được phép viết ra , cũng như không được phép công bố những điều mà luật pháp đã ngăn cấm. Ví dụ tuyên truyền cho dâm ô, bạo lực, kích động các phần tử phản động chống lại Nhà nước…Trái lại công dân nhà văn Việt Nam có quyền được viết , được công bố những sáng tác phẩm của mình trên các phương tiện thông tin và in ấn với những nội dung mà luật pháp không cấm…”
Như vậy nhà văn có thể vạch mặt bọn tham nhũng, sự hủ bại và phi lý trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước…chỉ được “quyền” như thế cũng đủ cho nhà văn nhà báo tung hoành ngòi bút lắm rồi, nhưng mà sức mấy Đảng cho phép.
Ngoài tự do sáng tác, Hoàng Quốc Hải còn đòi :
“ Ngoài quyền tự do sáng tác đã bị Nhà nước trưng dụng của nhà văn, nhà báo còn có quyền được thông tin khách quan của công chúng. Chiến tranh đã chấm dứt 30 năm rồi mà văn chương báo chí vẫn sống trong cảnh mù mờ…”
Người ta còn nhớ những chuyện “cười ra nước mắt” như kiểu đưa tin về chiến tranh Iraq vừa qua của các phương tiện truyền thông Việt Nam. Một ông tướng Phó Tổng tham mưu quân đội Việt Nam nhảy lên ti vi hăng hái phân tích tình hình chiến sự và khăng khăng nhận định rằng Mỹ sẽ sa lầy vào một thế trận chiến tranh du kích trùng trùng điệp điệp, rằng thủ đô Bátđa sẽ trở thành một Stalingrat ( thời Liên xô chống Đức) kiên cường, bất khuất ….làm bà con cả nước cứ tin như đinh đóng cột rằng không bao lâu nữa nhất định Mỹ sẽ thua Iraq không khác gì thua Việt Nam trước đây. Đúng một cái, không đầy 3 ngày sau, cũng cái đài ti vi đã đưa ông tướng lên bình luận này buộc phải đưa tin chế độ độc tài của Saddam đã sụp đổ hoàn toàn. Thông tin đã được Đảng lèo lái như thế đấy và đã đến lúc Đảng phải trả lại cho Nhà nước quyền kiểm duyệt trong khuôn khổ pháp luật :
“Tôi đề nghị Nhà nước nên thành lập một cơ quan kiểm duyệt . Ví dụ đó là Cục kiểm duyệt chẳng hạn, đặt nó trong Bộ nào, ngành nào thì tuỳ ý…”
Đây là một đề nghị thực sự nhức nhối đối với Đảng, bởi lẽ từ xưa tới nay mọi việc kiểm duyệt đều nằm trong tay Đảng; trong những cuộc họp giao ban hàng tuần , hàng tháng với Tổng biên tập, phóng viên các báo cán bộ Ban tư tưởng thường đưa ra những yêu cầu của Đảng trong đưa tin và uốn nắn những bài vở không có lợi cho Đảng. Đó thực sự là một sự kiểm duyệt trong bóng tối mà nhà văn yêu cầu đưa ra nó ngoài ánh sáng. Mới đây người ta được biết ràng chính Lương Quốc Dũng, quan chức cao cấp Nhà nước bị bắt quả tang cưỡng hiếp gái vị thành niên đã đút lót tiền cho Vụ trưởng Vụ báo chí Vũ Duy Thông và Phó ban tư tưởng văn hoá Hồng Vinh và quả nhiên sau đó ông Trưởng ban Nguyễn Khoa Điềm đã ra lệnh cấm báo chí không được đưa tin vụ này khiến trong một thời gian dài nó bị chìm vào im lặng. Nắm quyền kiểm duyệt trong tay và thực hiện nó trong bóng tối, Đảng thủ lợi nhiều bề như vậy trách gì Đảng cứ khư khư nắm giữ nó.
( còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét