Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

HỘI NHÀ VĂN QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI (5)

                               (tiếp theo)

“Tự do sáng tác “ theo định hướng XHCN (!)                  

Thực ra, TMH  vu cho Đảng là có cương lĩnh “TỰ DO SÁNG TÁC” thôi, chứ  chưa bao giờ Đảng cho văn nghệ sĩ cái của quý hiếm ấy cả, Đảng chỉ cho họ cái quyền “tự do sáng tác” theo…định hướng xã hội chủ nghĩa , vắn tắt là chỉ được phép viết những gì “có lợi” cho sự ổn định chính trị của Đảng .
Bài tham luận của Trần Mạnh Hảo được đọc theo lối  “diễn tuồng” giọng trầm giọng bổng khiến đại biểu vỗ tay ào ào và làm ông Tổng thư ký hội Hữu Thỉnh ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn cứ giật mình thon thót. Ối trời cao đất dầy ôi, cứ tưởng TMH đã trở thành “con đê chắn sóng cho Đảng”, thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá văn nghệ, ngờ đâu nhè đúng ngay diễn đàn Đại hội nhà văn để mà “trở mặt” thế này, thế nào cấp trên cũng gõ lên “cái đầu hói” của ông cho coi.
 Quả nhiên ngay buổi chiều tan họp, ông Đào Duy Quát, Phó ban tư tưởng văn hoá đã tới gặp Tổng thư ký uốn nắn :
Ông Thỉnh, ông làm gì mà ghê thế ? Ngày mai Tổng bí thư tới dự họp các ông phải liệu liệu…”.
Tất nhiên ông Hữu Thỉnh phải vâng dạ rối rít và hôm sau , ngày Đại hội họp chính thức,  có Tổng bí thư và cả 6 ông Uỷ viên Bộ chính trị tới dự, ông đã bố trí hàng loạt tham luận của các nhà văn “cháu ngoan bác Hồ” nhằm gỡ  tội đã để lọt hai tham luận của Hoàng Quốc Hải và Trần Mạnh Hảo làm bẽ mặt các quan.
Trước hết  nhà văn cao tuổi Nguyễn Gia Nùng lên diễn đàn phê phán hai bài tham luận của hai ông Hải và Hảo chỉ nói tới “tự do sáng tạo” mà quên đi “trách nhiệm công dân”. Ông yêu cầu “tự do” và “trách nhiệm” là hai thứ phải luôn song hành, tất nhiên phải hiểu đó là trách nhiệm  với Đảng.
 Nữ thi sĩ đồng bằng sông Cửu Long tên là  Kim Quyên cũng nhảy lên diễn đàn nhiệt liệt ca ngợi…”sếp” Hữu Thỉnh bay ra bay vào như một cánh chim không mỏi để khuấy lên “phong trào sáng tác “ ở miền  Nam.
Nữ thi sĩ TP Hồ Chí Minh tên là Thu Nguyệt cũng bày tỏ  sự không đồng  tình với các tác phẩm đi sâu vào mặt trái của xã hội bằng đưa ra cái mẹo “đau Nam chữa Bắc”, tức nhà văn không nên đi thẳng vào các chuyện “ tham  nhũng, thiên tai lũ lụt, lớp trẻ sa đà ăn chơi…” mà chỉ nên viết về những cái đạo lý cao cả như một anh nhà văn công an không viết về tội phạm mà lại chỉ chuyên viết về…Phật.  .
Nữ văn sĩ cũng TP Hồ Chí Minh tên là Trầm Hương chuyên viết về bà mẹ anh hùng khiến ở Sàigòn đã có người ví von “ăn theo xác chết” cũng lên diễn đàn đòi :
Tôi muốn viết “ Hoa cúc kim” – một tiểu thuyết về người phụ nữ cải nam trang trốn sang Trung Quốc dự khoá học do bác Hồ đào tạo. Tôi muốn viết bộ tiểu thuyết sử thi về Mậu Thân 1968 đầy bi tráng…”.
Các đại biểu nhà văn Nam bộ – trong đó có cả ông Giám đốc khách sạn kiêm nhà văn Lê Thành Chơn chẳng những “gỡ tội” cho sếp  Hữu Thỉnh mà còn vinh danh Hội nhà văn đòi đuổi ra khỏi đại hội kẻ nào đã bêu xấu Hội trong thời gian qua (ám chỉ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) làm các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng ngồi nghe cứ rạng rỡ cả mặt mày .
Tất nhiên không phải nhà văn nào cũng vỗ tay khen bài tham luận của Trần Mạnh Hảo. Trong bữa ăn ở Đại hội, nhà văn Thái Bá Lợi , đại biểu Đà Nẵng nhận xét :
Thằng Hảo nó …chửi mồi”.
Cuối buổi chiều ngày thứ hai, lợi dụng không khí đại hội chán nản phải nghe những tham luận “ ca ngợi truyền thống văn học cách mạng”, nhà văn kiêm điện ảnh Đỗ Minh Tuấn nhảy lên diễn đàn phê phán Trần Mạnh Hảo :
. Nằm trong chăn biết chăn có rận, là nhà thơ có chút tinh tế, tài hoa, sắc sảo, Trần Mạnh Hảo đã đem những phẩm chất thi nhân của mình len lỏi vào thâm cung chữ nghĩa trong tâm hồn người viết để thăm dò, tâu báo và khủng bố. Trần Mạnh Hảo nói rằng văn nghệ sĩ là những người thấp cổ bé họng trong xã hội mà lẽ ra họ phải là Thượng đế trong chân trời sáng tạo của mình, nhưng hỡi ôi, trước đó không lâu cái kẻ văn nhân thấp cổ bé họng đó đã bị “anh gác chợ” Trần Mạnh Hảo cậy quyền cậy thế hoạnh hoẹ, lục soát văn thơ, sờ nắn khám xét từng dòng chữ, từng dấu phẩy để đong đếm từng tiếng cười tiếng khóc mà tri hô với Đảng về tư cách khả nghi của họ….”
Tham luận của Đỗ Minh Tuấn về Trần Mạnh Hảo đã được anh em chọn câu nói hay nhất đại hội :” Trần Mạnh Hảo là cái ca-pôt rách của Đảng, giữ vệ sinh cho Đảng trong quá trình giao lưu văn hoá làm bạn với tất cả thế gian.”.
Tuy nhiên nhân vật gây cười nhất cho đại hội lại là …nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Sau khi trước đây đã chửi cha cả Hội nhà văn, người ta cứ tưởng ông sẽ nhổ bọt mà đi chỗ khác chơi, nào ngờ ông vẫn hớn hở đến dự đại hội. Sau khi một số nhà văn miền Nam đòi đuổi kẻ đã “bêu xấu Hội nhà văn” ra khỏi đại hội, người ta cứ tưởng ông sẽ đùng đùng bỏ đi, nhưng không, ông vẫn ngồi ghế đại biểu trong đại hội và khi các nhà văn đổ xô đi  chụp ảnh với ông Tổng bí thư, ông chen bật đám đông, chiếm chỗ  gần  ông Nông Đức Mạnh nhất để được thu vào ống kính . Sau khi đã bị Trần Mạnh Hảo chửi như té nước  vào mặt trên một số báo, người ta tưởng ông sẽ không thèm nhìn mặt, ngờ đâu giờ giải lao ông vẫn bá vai bá cổ và mời Trần Mạnh Hảo đi nhậu. Thật chẳng còn hiểu ra làm sao .
Tuy nhiên, kết quả của Đại hội đại biểu Hội nhà văn lần thứ 7 thì có thể hiểu được một cách dễ dàng. Nó cũng như một buổi gặp mặt tổng kết 5 năm của một hội quần chúng của Đảng kiểu như Hội nuôi ong, Hội chim hoa cá cảnh vậy thôi. Phát biểu của các nhà văn dù là chính thống hay phi chính thống thì cũng theo gió mà bay lên trời cả. Mọi việc vẫn trôi theo kịch bản của ông…Vũ Như Cẫn, chiều hướng cơ bản của thời đại hiện nay.

                                                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét