Hội nhà văn của nước ta…
“…mấy thằng chạy chức đi ra đi vào
nghèo thì đậu phụ thuốc lào
giàu thì rượu ngoại phong bao phải dày
tiền tươi phải tới liền tay
“Chấp hành”* một ghế nhận ngay khó gì …”
Ngay trước ngày khai mạc Đại hội lần thứ 7 Hội nhà văn Việt Nam, 24-5-2005, dư luận trong giới cầm bút đã ì xèo chuyện “ chạy ghế” vào Ban chấp hành, chuyện “lật đổ” nhà thơ Hữu Thỉnh , người ngồi đã quá lâu trên ghế Tổng thư ký Hội, người xây dựng “bộ máy” cấp 1 ( cơ quan của Hội) và bộ máy cấp 2 ( báo chí, xuất bản, hãng phim, bảo tàng…) toàn bằng đồng hương Vĩnh Phú.
Trên báo Công an nhân dân đã đăng công khai bài viết của nhà thơ Phạm Tiến Duật tố cáo Hữu Thỉnh “phạm pháp”, lộng quyền, ôm đồm, bao biện hết cả tiền của Đảng rót cho nhà văn. Ngay trong đại hội, cuộc “vận động hành lang” vẫn diễn ra náo nhiệt, nhà thơ Trần Ninh Hồ mất cả buổi trưa để vận động lão nhà văn Nguyễn Quang Sáng lên “ tham luận” yêu cầu Hữu Thỉnh từ chức, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo , Nguyễn Thuỵ Kha, nhà văn Trung Trung Đỉnh, Cao Tiến Lê…dáo dác khắp nơi mong kiếm được một vé vào Ban chấp hành. Và ngay trong đám các nhà văn Vĩnh Phú chia nhau các loại ghế ở Hội nhà văn, cũng không thống nhất thành một khối, trước đại hội cũng “uýnh” nhau lộn bậy khiến bà con lại có thơ rằng :
“ Mấy thằng Vĩnh Phú đánh nhau
Hữu Thỉnh vỡ đầu Tiến Duật sứt tai
Văn Chinh chém mướn vòng ngoài
Vĩnh Tuấn nổi cáu dở bài bọ hung
Chung quy cũng tại vua Hùng…
Đẻ ra một lũ vừa điên vừa khùng…”
Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Văn Chinh, Trương Vĩnh Tuấn đều là người Vĩnh Phú, quan chức Hội nhà văn.Tuy nhiên, dù có chạy chọt đấu đá ra sao thì mọi mơ tưởng của mấy anh nhà văn đều hão huyền bởi lẽ vấn đề “nhân sự “ là do cấp trên quyết định đúng như lời ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban tư tưởng văn hoá phát biểu tối ngày 22 tháng 4 trong cuộc họp giành riêng cho đảng viên :” Uỷ viên chấp hành các đồng chí bầu ai thì bầu riêng Tổng thư ký phải để cho Đảng chỉ định…”. Và theo tinh thần chung cho các Hội, để giữ vững ổn định chính trị, tránh xáo trộn , tốt nhất là bầu ông Vũ Như Cẫn lãnh đạo , quả nhiên Đại hội đã “bầu ra” Tổng thư ký ( giờ đổi thành Chủ tịch) vẫn là Hữu Thỉnh, Phó Tổng thư ký ( tức Phó Chủ tịch) vẫn là Nguyễn Trí Huân – không có gì thay đổi.
Đại hội lần thứ 7 diễn ra trong tình hình các nhà văn hầu hết đã được “thuần hoá”, đã trở thành “bé ngoan” của Đảng, bởi vậy Đảng không còn lo những tiếng nói “phản kháng”, “chống đối” cất lên từ diễn đàn đại hội. Duy nhất có nhà thơ đòi đa nguyên đa Đảng là Bùi Minh Quốc mới được tha “quản chế” thì lại bị “Đại hội cơ sở các nhà văn miền Đông Nam Bộ” không bỏ phiếu cho đi dự Đại hội toàn quốc. Tuy nhiên ông Bùi Minh Quốc vẫn bay ra Hà Nội đòi vào Hội trường Ba Đình trong lúc đại hội đang họp và bị công an mời ra vì không có …huy hiệu vào cửa vốn chỉ phát cho đại biểu chính thức. Không chùn bước, nhà thơ Bùi Minh Quốc lại kiện Ban tổ chức đã cho cả nhà phê bình Phạm Quang Trung ở Đà Lạt đi dự đại hội khi ông này đã bị khai trừ khỏi hội về tội tham ô, hơn nữa, nhà thơ Bùi Minh Quốc vẫn ứng cử vào Ban chấp hành dẫu không trúng nhưng vẫn đạt được hơn 100 phiếu bầu, qua đó cho thấy tỷ lệ “ủng hộ phản kháng” ngầm trong bụng của các nhà văn Việt Nam là 20 phần trăm.
Ngày đầu tiên 23 tháng 4, họp “nội bộ”, trong hầu hết những tham luận “tát nước theo mưa” đòi nhà văn đứng vững trên lập trường của Đảng, bỗng nảy nòi ra bài tham luận của nhà văn Hoàng Quốc Hải có tựa đề “ Nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao”.
Trước hết ông đưa ra thân phận cay đắng của nhà văn “đỉnh cao “ Vũ Trọng Phụng :
“ Sinh thời ông chỉ ao ước :” Nếu ở đời có được cơm mà ăn no nhỉ ?” . Năm 27 tuổi ông qua đời vì bệnh lao phổi để lại một người con gái 2 tuổi và một đống tác phẩm. Không ít trong số mấy chục tác phẩm của ông đạt đỉnh cao thế giới.”
Vậy mà những tác phẩm ấy bị vùi lấp trên nửa thế kỷ, không một lần được tái bản. Bởi một thời gian rất dài người ta vu cho ông là phần tử trốt kít (Trosky). Tới khi tác phẩm của ông được tái bản, chị Vũ thị Hằng , con gái ông đã ngoài 50 tuổi, chỉ dán mắt nhìn tác phẩm của cha mình trở thành tài sản chung của xã hội theo “luật bản quyền” mới ban hành..
Chị Hằng và chồng chị đã đưa phần mộ của cha mình về ngôi vườn tại quê hương làng Mọc. Ngôi mộ được xây cất đàng hoàng, ốp đá cẩm thạch mà không có bất kỳ tài trợ nào từ Nhà nước và các hội đoàn. Sự thờ ơ đến bội bạc của đương thời và hậu thế khiến nhiều nhà văn nản lòng…”
Nhưng đó là chuyện từ thời…tự lực văn đoàn, còn chuyện của Hội nhà văn 10 năm lại đây (1996-2005), ông Hoàng Quốc Hải nhận định :
“ số lượng tác phẩm của các nhà văn phát hành không phải là ít nhưng không khuấy động được công chúng. Không khí văn học bình lặng như mặt nước ao thu. Khá nhiều tác phẩm “tốt” cả về nội dung lẫn nghệ thuật nhưng công chúng bạn đọc vẫn thờ ơ và đòi nền văn học phải có đỉnh cao. Đòi hỏi đó là nỗi bức xúc của công chúng trước hiện thực xã hội. Bởi soi vào tác phẩm văn học họ thấy hụt hẫng.”
Độc giả đòi hỏi như vậy vì sao các nhà văn không đáp ứng được cho dù “ cái nền hiện thực xã hội trong mười năm gần đây , dư thừa chất liệu cho các nhà văn Việt Nam làm nên tác phẩm đỉnh cao. Đây là cơ hội , dù nó là cơ hội đem lại nhiều bất hạnh cho số đông nhưng nếu bỏ qua sẽ là một tiếc nuối , một ân hận…”
Đúng là chưa bao giờ, xã hội cung cấp cho nhà văn nhiều chất liệu đến như thế này :
“ Bức tranh xã hội đủ mầu sắc. Vui có, buồn có, bi thương có, âm mưu thủ đoạn có, tham nhũng hối lộ có, lừa đảo có, đểu cáng có, bất hiếu bất mục, bất nhân bất nghĩa…không thiếu một loại nào . Đặc biệt lũ cơ hội xuất hiện nhan nhản. Đó là những kẻ tiếm quyền hành để tước đoạt trắng trợn tài sản quốc gia , hối hả tich luỹ vốn liếng để mau chân chạy sang hàng ngũ tư bản. Và bây giờ chúng đang âm mưu rửa tiền để hợp thức hoá và công khai hoá số tài sản khổng lồ mà chúng chiếm đoạt bằng các thủ đoạn bất lương.
Công chúng đòi hỏi nhà văn bằng ngòi bút và lương tâm của mình phải vạch mặt bọn chúng, “không cho chúng nó thoát”. Phải cho tái xuất hiện các gương mặt kiểu Nghị Quế, Nghị Hách, Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Bá Kiên, Chí Phèo …thời hiện đại”
Những dòng văn mang đầy tính công tố và kết tội này được đọc giữa Hội trường Ba Đình, tiếc thay cử toạ lại là các nhà văn, ví thử là các đại biểu quốc hội – các ông nghị nổi tiếng “gật”, thì không biết các quý “đại biểu’ ấy sẽ phản ứng như thế nào ?
Bức tranh hiện thực phong phú như vậy lại tuyệt nhiên không phản chiếu được vào tác phẩm, bởi thế “ công chúng mới chối bỏ.”. Độc giả quay lưng lại với các tác phẩm văn học là “điều tệ hại nhất đối với nhà văn . Đó còn là dấu hiệu báo trước một nền văn học đang vững chắc bước vào giai đoạn suy thoái…”
Nhận định này hoàn toàn đi ngược với Hội nhà văn trong Báo cáo tổng kết 5 năm nhiệm kỳ 6 do nhà thơ Hữu Thỉnh trình bày trong ngày khai mạc chính thức tại Hội trường Ba Đình ngày 24-4-05 với sự có mặt của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh , nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười , Trưởng ban Bí thư trung ương Phan Diễn, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm :
“ 5 năm qua văn học ta có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về tất cả các thể loại . Mối quan tâm về hệ thống giá trị mới đang được xác lập , về đạo đức xã hội , về bảo vệ các giá trị truyền thống của dân tộc là những thông điệp thường gặp trong các tác phẩm văn học…”
Rõ thật là trống đánh xuôi kèn thổi ngược…
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét