Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

KỂ CHUYỆN NHÀ VĂN NƯỚC NGOÀI (4)

         Hôn nhau trên đừơng phố Stockholm.


Không rõ ngày xưa các cụ  ta có...hôn nhau không hay chỉ “thơm” nhau (vào má), trong văn học cổ điển rất hiếm nói  tới cái đó. Ở Hà  nội thời bao câp, người nước ngoài rí rỏm :”chỗ kín để tiểu tiện (ý nói các lùm cây) thì tụi mày  ...hôn nhau, còn cái chỗ để hôn nhau (ý nói ghế đá ) thì tụi mày lại tiểu tiện”.
Như vậy chắc ở nước ngòai nguời ta làm ngược lại, bởi vậy đi Thụy Điển  lần này tôi quyết tìm coi người ta có hôn nhau trên ghế đá và tiểu tiện trong lùm cây không?
    Thế là vào buổi trưa đi thăm chòi Klaratorpet ở Duvemala , tôi đi sâu mãI vào rừng và khi tôi sắp sửa làm cái việc sung sướng kia,trước mắt tôi chợt lù lù một nhà vệ sinh hiện ra giữa lớp lớp những lùm cây vắng vẻ bên dưới trời mây bát ngát.Vậy là rõ, ở Thuy Điển người ta chỉ làm những việc  quy định tại những nơI quy định.Thế còn hôn nhau ? Liệu có qui định gì chăng ? Một hôm dạo trong công viên Strinberg ở Stockholm tôi hỏi anh bạn nhà văn Tomas ,anh ta trợn tròn cặp mắt xanh lè :
“ Hôn nhau sao phải quy định? Luật pháp bọn tao cái gì không cấm thì được phép...”
Và anh đập vào người tôi ra hiệu,trên ghế đá trước mặt một ông già tóc bạc trắng đang hôn một bà già .Tomas đố tôi hai người đó có quan hệ như thế nào ? Tôi trả lời :
“ Chắc không phải vợ chồng ,vợ chồng không ai đưa nhau ra công viên hôn nhau như thế...”
“ Tại sao ?”
“ ở nhà họ thiếu gì chỗ...trong buồng ngủ chẳng hạn...”
“ Không phải họ thiếu chỗ cái chính họ thay đổi môi trường cho cái hôn khác lạ đi,mặn mà hơn...”
Hoá ra mình nghĩ  bằng cái đầu vốn sinh ra và lớn lên từ 16 mét vuông khu tập thể Kim Liên đồng đường cả ba đời ông đời cha và đời con nên mới có suy diễn méo mó vậy.Hồi đó mọi sinh hoạt vợ chồng đều diễn ra trên chiếc giừơng quây kín bằng màn vải, nếu ra công viên hôn nhau thì chính vì trong nhà không có chỗ chứ chẳng phải thay đổi cảnh quan cho thêm ý vị.
Hôm sau tôi và Tomas lại đi qua công viên trước cổng bảo tàng “Museum of art modern”,vừa tới gần ghế đá, tôi giật mình thấy đôi thiếu niên nam nữ hôn nhau thắm thiết,cạnh đó để hai cặp sách đi học,và lạ nhất nguời qua kẻ lại rất đông mà không ai nhìn ngó  theo cái cách tò mò đứng xem hai xe máy đâm nhau trên đường phố Hànội . Thấy tôi tần ngần,Tomas kéo tay tôi đi , tôi hỏi liệu tôi chụp một kiểu ảnh đuợc chăng .Tomas lắc quày qụay:
“ Không được,luật không cấm nhưng không nên làm thế,vừa bất lịch sự vừa quấy rầy đôi thiếu niên vào cái lúc phải để cho họ riêng tư nhất.’
Tôi bước đi tiếc rẻ vì cái hình ảnh vừa rồi nếu mà chụp được thì về nhà đưa lên bìa lịch là cái  chắc.Tuy thế ,tôi vẫn băn khoăn :
“ Này Tomas,sao tụi nó còn con nít vầy mà đã hôn nhau rồi ?”
“ à...hôn bạn bè mà...”
Có lẽ tôi là người phương đông nên con tôi mới tý tuổi đầu mà bày tỏ tình cảm bạn bè kiểu ấy chắc tôi quại nó vỡ mõm.Hôm sau Tomas đưa tôi vào thăm các em học sinh lớp 12 một trường trung học.Chuyện trò chán chê tôi mới hỏi một nữ sinh chừng 14 tuổi :
“ Em đã biết  tình yêu là gì chưa ?”
“ Dạ biết ...từ mấy năm trước tụi em đã được học về môn tình dục học nên em biết  tình yêu là thế nào ?”
“ Chắc chỉ biết trong sách?”
“ Không, trong thực tế nũa chớ,trong lớp em có nhiều cặp yêu nhau lắm...”
“ Vậy theo em ngưòi ta nên bắt đầu yêu từ tuổi nào ?”
“ Em không biết ...cái đó do tùy từng ngưòi...”
“ Vậy em đã hưởng trái ngọt trong tình yêu chưa ?”
Cô bé đỏ mặt nhưng cũng trả lời thẳng thắn :
“ Dạ rồi...”
Tôi hỏi các em :
“ Ở đây những em nào đã trải qua như em này ?”
Cả một rừng cánh tay giơ lên.
“ Vậy em nào chưa ?”
Lác đác có vài cánh tay đưa lên. Bây giờ tôi mới rõ Tomas bữa trước dấu tôi, đôi thiếu niên hôn nhau trên ghế đá bữa đó là do yêu nhau chứ không phải  bạn bè.Tôi  hỏi cô bé  vậy yêu nhau thế có ảnh  hửởng tới học tập không ? Cô ta lắc đầu quả quyết :
“ Không,ngược lại tụi em còn giúp đỡ nhau học tập.” 
Tôi hiểu ra rằng vấn đề tình yêu trai gái ở Thuỵ Điển có thóang hơn ở Việt Nam nhưng không vì thế mà ảnh hưởng tới môi trường xã hội, ngược lại ngòai cảnh quan thiên nhiên đuợc bảo vệ, làm sạch,họ còn duy trì một môi trường xã hội  rất trong sạch.Trao đổi với học sinh lớp 12,tôi thấy rõ trong nhà trường Thụy Điển tuyệt nhiên không có dấu vết của các căn bệnh thời đại như Siđa và ma túy.
Trong nhà trường đã vậy,còn ngòai xã hội thì sao ?Một buổi tối lang thang trên phố khuya Stockholm tôi bị lạc đường đành phải đứng chờ một cặp trai gái hôn nhau truớc cửa siêu thị để hỏi đưòng.Tôi cứ đứng chờ ,chờ mãi , sốt ruột quá ,vừa định bỏ đi thì anh thanh niên buông  cô gái ra châm thuốc lá.Tôi đánh bạo lại gần và hỏi đường.May quá,anh ta chỉ dẫn cặn kẽ và không kịp để tôi cám ơn,anh ta lại chìm đắm vào trong cái hôn khuya.Và tôi cứ bước thấp bước cao trong những đường phố vắng vẻ mà không hề thấy qua một bóng gái ăn sương hoặc một gã đàn ông say rượu.Thấy cảnh người ta an bình và trong sạch thế,tôi không khỏi trạnh lòng nghĩ tới nhũng con phố tối ở Sàigòn giờ khuya này chắc dọc hai bên dưới gốc cây tối các cô gái đang đứng rối rít mời gọi.
Hôm sau đi trên đường thấy tôi  ngó ngang ngó ngửa,Tomas mỉm cười :
“ Lại muốn sưu tập những nụ hôn trên đường phố  phải không ?Kia kìa...”
Anh chỉ cho tôi một cặp trai gái đang hôn nhau ở cửa hầm xuống xe điện ngầm rồi anh đố tôi biết ngưòi ta hôn nhau đông nhất là ở đâu.TôI bóp óc nói liều :
“ Trên ghế đá công viên ?”
“ Không phải...”
“ Trong toa xe điện ngầm ?”
“ Cũng có đấy nhưng không nhiều.”
Anh hẹn tôi hôm sau trả lời,quả nhiên trưa hôm sau,ra tiễn một anh bạn lên tàu cao tốc đi Goterborg anh chỉ tôi nhìn trên sân ga tôi mới vỡ lẽ.Quả thực chưa từng thấy ở nơi nào có mật độ ngưòi hôn nhau đông đến thế.Tôi thầm reo lên, phải rồi, nơi nguời ta chia tay nhau phải là nơi người ta hôn từ biệt chứ.Và hai chúng tôi đi qua một dây những ngừời đang hôn , già có, trẻ có, ốm mập, cao thấp...tất cả đều không còn biết trời đất  gì ,họ chìm đắm vào  nhau,vội vã và say đắm trong tiếng còi tàu giục giã, trong đám đông hành khách đang tấp nập lướt qua không một tiếng ồn. Ôi, biết bao giờ trên sân ga Hàng Cỏ, ga Hòa Hưng người ta mới hôn nhau đông đẩo thế kia ?







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét