Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

HỘI NGHỊ NHÀ VĂN TRẺ

Nhân kỷ niệm 10 năm Hội nghị nhà văn trẻ (8 – 2001) :
                          
               Các nhà văn trẻ mãi...không chịu già.
                                                                                          

           Nói cho ngay,trong các “sĩ” ở Việt Nam,”điếm “ nhất là anh ...nhạc sĩ.Này nhé,các ngày kỷ niệm từ thành lập Đảng 3 tháng Hai, thành lập Đoàn 26 tháng Ba....cho tới ngày quốc tế lao động, ngày cách mạng Tháng Tám...tóm lại như các cụ nói “tuần chay nào cũng có nước mắt”,ngày kỷ niệm nào các nhạc sĩ cũng đua nhau làm nhạc.Rồi thì tới các đề tài “em đi làm tín dụng””cấy dày cấy thưa”” sinh đẻ có kế hoạch”” trồng cây gây rừng”...Đảng cứ “ho” lên một tiếng là mấy anh nhạc sĩ ào ào sáng tác   ngay.Đến cây đại thụ trong làng nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Văn Cao cũng phải  cất cao giọng :”Khi dâng lá cờ lên,thống nhất nước Việt Nam,muôn trái tim nguời chung một nhịp ,hướng về...Đảng ta...”.
Mấy anh họa sĩ tuy ít “điếm “ hơn nhưng mà lại ...hèn.Suốt nửa thế kỷ cầm cọ , đuợc quản lý chặt chẽ trong Hội nghệ sĩ tạo hình, các đại danh họa Việt nam cũng chỉ vẽ quẩn quanh ba anh công nhân,mấy anh bộ đội, vài chị văn công ...buớng nhất là cụ Bùi Xuân Phái thì cũng chỉ dám xệch xạc đôi nét về  36 phố phường Hà Nội, rồi kịp tới thời mở cửa,các cây cọ trẻ cũng chỉ ra sức chiều nịnh thẩm mỹ của các tay buôn tranh ,vẽ nhăng vẽ cuội hết siêu thực (surrealisme) lại đến thần bí (abstract),không hình (non figuratif)...cấm có thấy bày tỏ một thái độ có hơi hướng phản kháng .
             Bởi vậy,”láo” nhât vẫn là mấy cha văn sĩ. Bắt bớ tù đầy trong thời Nhân văn Giai Phẩm cũng là họ,chửi xiên chửi xéo cũng là họ, cao giọng trong Đại hội nhà văn năm 1996 “lương tri dân tộc thức tỉnh từ diễn đàn này” cũng là họ,đòi hủy bỏ chuyên chính vô sản,dân chủ tập trung và điều 4 hiến pháp cũng là họ. Cứ vừa đi vừa “cấu Đảng” như vậy,trách gì các nhà văn Việt Nam luôn luôn là đối tượng “nổi cộm” phải theo dõi chặt chẽ. Chẳng thế mà nhà thơ “thần đồng ” đã phải than thở lén với bạn rằng :
”Đảng chẳng bao giờ chịu tin mấy thằng nhà văn”.
Đúng rồi,tin sao được ba  thằng đó, còn nhớ năm 1988,Đảng mới he hé cánh cửa mà bao nhiêu thằng nhà văn đã nhào ra viết lách bố láo,mưu toan xóa bỏ thành quả cách mạng,xét lại vai trò của Đảng.
Sau vụ đó,Đảng rút kinh nghiệm,điều chỉnh lại cung cách  “quản lý” văn học khiến ông Nhật Tuấn trả lời RFI  vào năm 1996 truớc thềm Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 6 đã phải thốt lên :
” Đảng cộng sản giờ đây đã rất thành thạo trong lãnh đạo văn nghệ.Họ đã kịp biến văn học từ một thanh kiếm sắt  trở thành một thanh kiếm gỗ,lòe loẹt nước  sơn mà chẳng đâm chết được ai...”
Quả thật thời đó, nhà nước cho báo chí  lăng xê một loạt cây bút trẻ, cao cấp nhất là loại gà nòi Phan thị Vàng Anh (con nhà thơ Chế lan Viên),Nguyễn thị Thu Huệ (con nhà văn Nguyễn thị Ngọc Tú) về loại văn chương ...chuyện trong nhà,mang bố mẹ ra ..mổ xẻ, hoặc chuyện học hành,chơi bời “khi chúng ta còn trẻ” với giọng văn lành lạnh, khinh bạc, chán chường  nhưng đến một cái ...lông chân của Đảng cũng không động tới, ấy thế mà khối anh phê bình xúm vào tâng bốc lên chín tầng mây xanh.
Do chỉ quanh quẩn chuyện trong nhà,đâu có ra dám ra ngoài ngõ mà viết về bao nghịch cảnh trớ trêu ngoài xã hội nên các cây bút trẻ đó cứ trẻ mãi không chịu già,văn chương cũng vì thế mà tắc tị,nặn mãi cũng chẳng thêm ra được cái truyện ngắn nào hơn thế.
Dưới nữa là loại văn chương áo trắng sân truờng,tuổi choai choai cũng không bao giờ chịu lớn,xoay quanh nhũng chuyện lụn vụn trong lớp, ngoài sân truờng ,trong công viên,in đầy trên báo Tuổi Trẻ ,Áo Trắng,Hoa học trò...nên được mệnh danh là nền văn chương thành Đòan ,văn chương sirô...Cho đến ngày nay cả chục năm đã trôi qua,họ vẫn chẳng chịu lớn lên  vẫn viết lách ngọt ngào như cái thủa nào.
Vậy nhưng con chị nó dẫu rằng không chịu đi thì con dì nó vẫn cứ lớn.Một thế hệ các nhà văn mới trong tổ chức văn học của Đảng đã xuất hiện và đã được củng cố thành đội ngũ trong Hội nghị các người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra tại Hà Nôi trong 3 ngày từ 28 đên 30 tháng Tám – 2001 :
           Thế hệ nhà văn trẻ này có gì mới ?
         Trước hết cứ nhìn vào 183 nhà văn trẻ,tới Hội nghị đều một giọng như nhau :”em tới đây là để giao lưu với các “bạn”,để học hỏi kinh nghiệm”” thì đủ thấy cái màu sắc “trại hè” của các cháu “thiếu niên”tuyệt đại đa số đều đang là...nhà báo.
Xưa nay nhà văn chỉ vì đói quá mới dùng tay trái viết báo kiếm cơm ,nhưng là nhà báo mà “chõ” lên viết văn thì khác gì con công nở ra từ trứng ...con gà.Bởi lẽ các nhà báo Việt Nam là lớp người quá rõ “luật lệ” của Đảng, họ biết tiến biết lùi sao cho ngòi bút luôn được bảo hiểm để giữ được  cái thẻ nhà báo thời nay rất có giá.Cũng vì thế,nhà báo thời thị trường ,vốn luôn được chấn chỉnh bới nhũng cuộc họp giao ban Tổng biên tập với tuyên huấn của Đảng,trở nên ...bảo hòang hơn cả nhà vua,mác xít hơn cả nhũng người cộng sản. Vậy thì nhân dân chờ đợi được gì ở những nhà văn gà giò đội lốt con công này ?
           Ngồi trên ghế chủ tịch đoàn Hội nghị có nhà văn trẻ Nguyễn thị Ngọc Tư, 22 tuổi, nguời Cà Mâu, nổi tiếng với truyện ngắn được giải “ Ngọn đèn không tắt’.Truyện của nhà văn này kể về một ông già có tài kể chuyện truyền thống cách mạng,khi ông chết đi rồi,đứa cháu gái lại tiếp tục cái công việc kể chuyện truyền thống cách mạng của ông cho đông đảo bà con nghe,khiến cho nó giống như...ngọn đèn không tắt vậy. Văn chương như vầy trách gì Đảng không xếp cho ngồi ở trên Chủ tịch Đoàn. Và như thế, đặc điểm lớn thứ hai của lớp “nhà văn” trẻ này là né cho xa hiện thực. Tác phẩm của họ có đủ thứ : câu cú rất hoa mỹ,kết cấu rất chặt chẽ,đề tài lắm khi cũng...giật gân,vậy nhưng thiếu hẳn một thứ làm nên văn chương  : “cảm xúc thời thế “.Than ôi,đất nước đang đắm chìm trong những vấn nạn : tham nhũng,cường quyền,tụt hậu,dân oán thán...vậy nhưng có một nhà văn trẻ nào dám buông ra một tiếng thở dài ? Không có...tuyệt nhên là không có,mà nếu có chắc chắn đừng hòng bén mảng tới Hội nghị những người viết trẻ này.
                 Thế còn Hội nhà văn ? Người tổ chức ra mọi đội ngũ sáng tác,mọi Đại hội ,mọi Hội nghị viết trẻ...trong thời tin học, thiên niên kỷ này, Hội nói gì về văn học ?
                  Đã xa rồi nhũng đòi hỏi về tính Đảng, tính giai cấp đối với văn học,đã xa rồi nhũng chức năng người thư ký thời đại,người dự báo thời đại,người khái quát và phản ánh xã hội...tất cả nhũng mỹ tự đó đã đi vào một thời vang bóng với nhũng ông trùm lý thuyết về văn học và tổ chức văn học của Đảng như nhũng ông Trường  Chinh,Tố Hữu,Phạm văn Đồng....
Dấn thân vào nền kinh tế thị trường,Đảng đã quên đi nhũng thứ đó, không coi trọng văn chương bằng đồng đôla, không cần tới nhà văn bằng những nhà lập trình và ta có thể thấy biểu hiện của tình trạng đó bằng sự vắng mặt của ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh tại Đại hội các nhà văn tại thành phố ,dẫu rằng ông vẫn có dư thời gian để đến úy lạo đội tuyển đá banh của thành phố . Cũng vậy, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc kỳ 2001  ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng  không thèm ngó tới,chỉ cử em út là ông Nguyễn Khoa Điềm ,Trưởng ban tuyên huấn tới huấn thị mà thôi.
          Thời chiến tranh,cần phải huy động cả chục triệu người dứt áo ra đi,lên đường ra chiến trường, mới cần tới nhà văn nhà thơ kích động tinh thần “quyết chiến,quyết thắng”,mới o bế,nâng niu văn học đến vậy.
Còn bây giờ,làm ăn kinh tế, nào thương ước Việt Mỹ, nào WTO...đâu có cần tới mấy cha văn thi sĩ dở hơi .
Bởi thế ngày nay,Đảng chỉ mong các thế hệ thanh niên hãy xếp bút nghiên để xài ...keyboard viết ra nhũng software xuất khẩu ra thế giới kiếm đôla về cho đát nước.Chứ nhà văn nhà thơ vào thời đồ ...đểu này,không quản lý cho khéo,dễ sinh phá thối,đòi hỏi đa nguyên dân chủ này nọ,mất ổn định chính trị , các nhà đầu tư ai còn muốn đổ tiền vào Việt Nam ?
Tất nhiên,tại Hội nghị những người viết trẻ ,nguời đại diện của Đảng, ông Nguyễn Khoa Điềm đâu có huỵch toẹt ra chuyện đó. Ông vẫn xoa đầu các mầm non văn nghệ khen “tốt,tốt” và tuyệt nhiên không nói một lời về các quốc nạn tham nhũng,tụt hậu,đạo đức suy đồi,ông vạch ra cái “an toàn khu “ của văn chương và  khuyên các nhà văn trẻ chỉ nên đi sâu vào đó – vào ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con nguời,tính nhân bản chung chung và tuyệt nhiên không hề nói tới trách nhiệm của người cầm bút trươc những vấn nạn của lịch sử.
          Thế còn các nhà văn trẻ dự Hội nghị, họ nói gì ?
          Nhà văn trẻ Đỗ Doãn Hoàng,phóng viên báo Thanh Niên , chưa viết được truyện ngắn nào cho ra hồn nhưng đã dè bỉu nghề văn :
Viết văn thì có gì là sang lắm đâu...nghề báo mới là sân chơi tuyệt vời nhất cho những ai theo đuổi văn chương...”.
Nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh ,vốn nổi tiếng về cảm hứng giường chiếu, vỗ ngực :
Khi 22 tuổi,tôi sẽ ra tập Vi Li,phá tan kỹ thuật của tập Linh trước đây...Cái tôi trong sáng tác trẻ phải là cái tôi thuyết phục ,chứ không phải thương vay khóc mướn,hay nói hộ người khác...”                                        
              Vậy là bác Hữu Thỉnh yên tâm nhé, các nhà văn thơ trẻ có phá phách thì cũng là phá tan...kỹ thuật chứ không phải phá tan .. chế độ và nhất định là mặc cha nhân dân muốn sống chết ra sao cũng mackeno (mặc kệ nó),các nhà văn trẻ nhất định là không có...”thương vay khóc mướn hay là nói hộ đưá nào...”
                Thấm thoắt đã 10 năm trôi qua, lại đến kỳ “hội nghị”.
                 Hãy chờ xem Hội nghị nhà văn trẻ ở Tuyên Quang kỳ này liệu có gì mới ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét