Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

NHÂN HỘI NGHỊ VIẾT TRẺ NÓI CHUYỆN NHÀ VĂN GIÀ




  
NHÀ VĂN LÊ VĂN THẢO :    

      "Nhà văn không thể kiếm sống bằng ngòi bút"

Vào đầu những năm chiến tranh chống Mỹ, 1964, độc giả miền Bắc nồng nhiệt đón đọc loạt bài “Từ  miền Nam gửi ra” .
Tên tuổi Lê văn Thảo nổi lên từ đó với truyện ngắn đầu tay “Đêm Tháp Mười” đăng báo Văn Nghệ. Người ta được biết đó là anh sinh viên Đại học Khoa học Sàigòn ra vùng giải phóng và thay vì cầm súng, anh cầm bút...
          NT : Thưa anh Lê văn Thảo,anh vưà nói rằng anh không thể kiếm sống bằng ngòi bút...
           LVT : Đúng thế,các nhà văn thời nay,muốn sống được bằng ngòi bút, phải viết đủ các loại báo, đủ các loại bài : sổ tay văn nghệ, phóng sự, phỏng vấn, phê bình, điểm sách, điểm phim...tất nhiên với đủ thứ bút hiệu khác nhau.Tôi không làm được chuyện đó, có lẽ do cái tạng cuả mình....
            NT :Vậy anh sống bằng gì,nhất trong cảnh “gà trống nuôi con” như báo chí đã viết ?
         LVT : Tôi có lương cuả báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, tham gia các Ban Giám khảo văn xuôi,tham dự các trại sáng tác...vả lại tôi cũng không có nhu cầu phải tiêu nhiều tiền .Vả chăng theo chỗ tôi biết, trừ một số  ít nào đó,đa số các nhà văn Việt Nam không ai có thể sống bằng nhuận bút cả, đó chỉ là “hương hoa “vậy thôi....
            NT : Không bị thúc ép bởi việc kiếm tiền liệu anh có...lười viết đi không ?
           LVT : Ngược hẳn lại,tôi được thong dong nắn nót câu văn,tha hồ sưả đi sưả lại .Như cuốn tiểu thuyết “Một ngày và một đời” xuất bản năm 1997 tôi mất gần 3 năm mới hoàn thành ...
            NT: Cuốn này cuả ông có bán được không ? Nhất  trong tình hình hiện nay “đầu ra’ cuả các sáng tác văn học vẫn là câu chuyện dài nhiều tập xoay quanh  các nhân vật chính là nhà văn, nhà phát hành và các ông...đầu nậu.
         LVT: Cuốn này tôi may mắn được NXB Trẻ in cho, nên thấy có mặt hầu hết tại các nhà sách.Còn những cuốn trước : “Con đường xuyên rừng” (tiểu thuyết),”Chuyện nhỏ tình yêu “(Tiểu thuyết),ông cá Hô (truyện ngắn) phải móc tiền túi ra in, chỉ thấy xuất hiện ở trên các quầy sách chừng dăm ba hôm, tưởng sách mình bán chạy , nưả năm sau mới ngã ngưả ....Hoá ra nó chạy hết về kho phát hành để rồi một ngày đẹp trời nào đó họ chở sách tận nhà trả lại mình.
       NT : Kẹt đầu ra như vậy,các nhà văn hiện nay viết lách ra sao ?
     LVT: Phải nói rằng thời chống Mỹ ,các nhà văn đã có những tác phẩm đáp ứng được yêu cầu cách mạng cuả thời đại.Còn bây giờ, những vấn đề xoay quanh sáng tác văn học phức tạp hơn nhiều, công nghệ tin học đưa tới những phương tiện nghe nhìn vô cùng phong phú hạn chế dần vai trò cuả việc đọc sách, những đổi mới trong nền kinh tế thị trường tạo nên những chuẩn mực mới trong trong đời sống xã hội, chính sách mở cưả cuả nhà nước...tất cả những thay đổi phức tạp đó làm cho việc sáng tác cuả các nhà văn trở nên vô cùng khó khăn , nhưng tôi tin  văn học không mất đi, tiểu thuyết cũng vậy , vẫn còn những người viết miệt mài và những người đọc tâm huyết.
       NT : Ngày trước,thời chống Mỹ, nhân vật trong văn học thường là con người công dân .Chẳng  hạn anh bộ đội trong chiến đấu, anh công nhân trong nhà máy,chị bác sĩ bên bàn mổ...Thế còn bây giờ ? Con người công dân trong các nhân vật văn học vẫn còn chứ ?
     LVT : Vẫn còn, ngày trước, đời sống người cầm bút gắn chặt với tập thể,với sự nghiệp cách mạng , bởi thế tính công dân trong các nhân vật văn học thường nổi trội là đương nhiên. Còn bây giờ, ngoại trừ  những tác phẩm vô thưởng vô phạt xoay quanh chuyện  đời vụn vặt , chuyện tình nhạt nhẽo được bày đầy rẫy trên các kệ bán sách , trong những tác phẩm nghiêm túc cuả các nhà văn, tôi vẫn thấy những nhân vật trăn trở trước những khó khăn cuả xã hội và tin tưởng vào sự đi lên cuả đất nước.
       NT : Vậy theo anh phẩm  chất cơ bản cuả người cầm bút hiện nay là gì ?
   LVT : Bình tĩnh  và tốt bụng .Bình tĩnh xét đoán người và việc trong mọi mặt phức tạp, nhiều chiều ,cái đó người ta vẫn gọi là “phép biện chứng cuả tâm hồn”.Đừng vội nói cái này tốt quá, cái kia xấu quá, sự tốt xấu thường đan xen nhau ngay trong một việc, một người.Nhưng tựu trung, điều đọng lại trong lòng người đọc đối với nhà văn  và tác phẩm cuả họ  là lòng nhân hậu, sự thương người.Tôi còn nhớ ngày xưa đi học, trong một cuốn sách có kể câu chuyện một cậu bé băn khoăn sau này không biết làm nghề gì.Ông bố mới giới thiệu từng nghề một.Nào giáo viên, nào công chức, nào kỹ sư...sau cùng ông bố mới nói đến người làm nghề...nghệ thuật .”Đó là loại người tốt bụng nhưng mà nghèo...”.Theo tôi , cho tới bây giờ, hình ảnh  đó vẫn đúng, nhà văn là “người tốt bụng nhưng mà nghèo...”.
NT : Nhưng bù lại,văn cuả anh lại giàu...chất Nam bộ ?
LVT : Người ta vẫn nói với  về tôi như thế.
NT: Chất Nam bộ ? Nó là những gì ?
LVT : Theo tôi cái đó không nằm chỉ trong lời ăn tiếng nói mà chính là trong cung cách cảm nghĩ và ứng  xử.Tôi để ý thấy dân ca Nam bộ ít những bài nhộn nhịp  mà thường là man mác một nỗi buồn...
NT: Phải chăng đó là nỗi buồn “xa xứ”?
LVT : Tôi không rõ lắm.Có một câu thơ ‘Từ thuả mang gươm đi dựng nước.Ngàn năm thương nhớ đất Thăng long...”.Những cư dân đầu tiên cuả vùng đất mới khai phá phần lớn là những người xa xứ mang nỗi buồn tha hương...
NT : Bởi thế các nhân vật cuả anh thường lặng lẽ, nói ít và thiên về hành động ?
LVT : Tôi đang cố gắng như thế .Tôi viết theo cách làm cách nghĩ  cuả người dân quê tôi.Tôi nhớ một lần,vài người chúng tôi trong nhóm phóng viên báo Minh Hải về thăm một người bạn ở chót mũi Cà mâu..Tàu cặp bến, anh bạn bước ra nhìn chúng tôi rồi bỏ đi không nói gì  cả.Tôi hơi ngỡ ngàng, nhưng sau đó mới biết anh đi bán chiếc đồng hồ để làm tiệc đãi chúng tôi.Người Nam bộ là như thế.Nhưng theo tôi,văn “hành động” hay văn “suy nghĩ” cũng thế thôi , đó chỉ là cách thể hiện, cái chính là nói lên chiều sâu tâm hồn con người.Riêng tôi chỉ cố gắng viết cho thật mộc mạc,giản dị...
NT: Vậy nhưng câu chữ cuả anh lại khá khúc chiết và mạch lạc theo kiểu văn tây...
LVT: Có thể là do hồi học phổ thông tôi được dạy những tác phẩm văn học phương tây và coi khá nhiều phim phương tây.Những cái đó sau này hỗ trợ cho kỹ thuật viết,còn  văn chương cuả tôi chủ yếu ra đời trong cảm hứng cuả chiến tranh cách mạng...
NT: Anh quen viết loại đề tài và nhân vật nào ?
LVT : Tôi không chú trọng viết theo đề tài.Đề tài thường tự đến không nhắm trước.Tôi cho rằng đề tài nào cũng viết được cả,miễn nhà văn có hiểu biết ,có sự quan sát chăm chú  và nhiệt tình yêu thương nhân vật.Tôi cố gắng mở rộng đề tài để tránh lặp lại mình.Các nhân vật cuả tôi thường là các con người bình thường,thậm chí  có số phận hẩm hiu,bất hạnh.Trong chiến tranh,họ là những người lính, người nông dân, sau này là những người lao động bình thường.Tôi không chú ý chọn như vậy,ấy là do môi trường giao du cuả tôi là như thế...
NT: Anh thử nêu vài truyện ngắn anh ưng ý nhất..
LVT : Tôi viết khá nhiều truyện ngắn,có một số truyện thường được nhắc tới :”Đêm Tháp Mười”,”Đồng chí”,”Làng lở”,”Hai người cha”,”Con mèo”,”Cô gái đi từ cưả sau”,” “Ông cá hô””Bà nội tôi””Thằng Cung” ...
NT : Thế còn tiểu thuyết ?
LVT : Tôi mới viết cuốn  tiểu thuyết xuất bản năm 1997 :”Một ngày và một đời...”tôi cũng rất thích...
NT:Cuốn này anh viết về  truyền thống cách mạng  hay  chuyện đời thường ?
LVT : Đan xen giưã quá khứ thời chiến tranh và hiện tại cuả thành phố.
NT : Nghe nói anh viết cả kịch bản phim ?
LVT :Theo đề nghị cuả Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh,vtôi đã viết kịch bản  phim dưạ theo truyện ngắn “Ông cá hô”. Đạo  diễn    Mỹ Hàø đã cùng tôi đi chọn cảnh . ảnh trí sẽ là vùng sông Cửu Long  (Long Xuyên- Châu Đốc).Vùng sông nước An Giang khiến anh Mỹ Hà hào hứng lắm còn tôi thì bồi hồi nhớ lại  thời thơ ấu cuả mình.
NT : Trở lại chuyện văn chương,anh có thấy một tình trạng “phi chuẩn “trong  việc đánh giá các tác phẩm văn học hiện nay không ?      
LVT : Bạn đọc bao giờ cũng công bằng nhưng phải có thời gian.Và cũng phải chọn lưạ trong những đối tượng nào đó. Điều đó đòi hỏi người viết phải có sự dũng cảm nhất định.Nhưng nhà văn cũng là con người,có sự ‘phi chuẩn’ kéo dài nào đó sẽ không khỏi gây thua buồn, làm nghèo nàn đi chuyện văn chương.Thật ra văn chương tự cổ chí kim trên thế giới đều có chuyện đó.Au cũng là ‘sự đời”.Ngay giải Nobel,lớn nhứt thế giới, ta thử kiểm tra lại coi, có bao nhiêu nhà văn  không còn ai nhắc tới nưã và có bao nhiêu nhà văn lỗi lạc khác không được nêu tên vô ? Nhưng thôi, sự đánh giá thẩm định làm sao chính xác hoàn toàn , ta chỉ mong  sự tương đối nào đó thôi, đừng làm chuyện gì “trật chià” gây bất bình trong dư luận .Dù sao ta cũng có lòng tin tưởng chuyện chữ nghiã giấy trắng mực đen là cái sẽ còn lại mãi mãi.  
    NT: Một câu hỏi muôn thuả : “lớp trẻ hiện nay viết ra sao ?”
   LVT : Tôi là người biên tập báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh nên thường phải đọc khá nhiều bản thảo.Nói cho ngay có nhiều truyện ngắn hay.Lớp trẻ bây giờ khi mới xuất hiện viết rất được, kỹ thuật viết rất khá. Nhưng sau vụ thu hoạch  “muà đầu”, kéo không dài, các nhà văn trẻ thường chững lại hoặc là do bị lôi kéo bởi ảnh hưởng cuả thị trường, hoặc do sớm về làm biên tập các báo, các nhà xuất bản vốn là nơi thuận lợi cho việc in ấn nhưng lại không bổ ích cho công việc sáng tác.
NT:Một câu hỏi sau cùng thay cho chị em phụ nữ : “Anh sống độc thân đã lâu,có định....đi bước nưã không ?” 
LVT : Tôi không biết,thực sự không biết.Tôi tính đến ngày tận thế còn dễ hơn tính chuyện đó.Chắc cũng như  nhiều nhà văn,tôi vốn vụng về, quản lý các nhân vật tưởng tượng còn dễ hơn một con người cụ thể.
       NT : Đó là khiá cạnh hôn nhân gia đình ,thế còn tình yêu ? Các nhà văn thường yêu như  thế  nào ?       
         LVT : Có một nhà văn lớn đã nói :”chúng ta không yêu người đàn bà mà yêu những mơ ước cuả mình về đàn bà”.Tôi thấy điều đó đúng với nhiều người ,do vậy mới có sự thất vọng, đổ vỡ.Tình yêu không nên thuần tuý về mặt tâm hồn.Nó phải thực tế một chút .Và không chỉ đơn thuần là ‘tiếng sét” ban đầu mà phải không ngừng tìm hiểu nhau,duy trì tình yêu trong suốt những năm tháng chung sống.
      NT : Và “ tình yêu thời thị trường “ hẳn có nhiều cái mới ?
      LVT : Quan niệm “Một túp lều tranh,hai trái tim vàng”  ngày nay là lỗi thời lắm rồi.Ta chọn người bạn đời khoẻ mạnh,có kiến thức,có thu nhập ổn định là điều tốt, không thể cứ lo “yêu nhau” rồi nhà dột, con đói không ai lo.Nhưng điều đó cũng nên dừng ở mức độ vưà phải .Cần hoà hợp giưã tinh thần và vật chất, để đồng tiền chi phối tất cả thì tệ hại lắm.Mà đã xảy ra rồi đó.Đọc báo thấy “sao này,sao nọ” với nhà cưả, xe cộ mà phát ngán.Và chuyện ‘kinh tế thị trường” chi phối tâm hồn con người ,chi phối tình yêu chắc rằng không dừng ở đó đâu...    
    NT: Xin cảm ơn anh

       .


   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét