VĂN CHƯƠNG THẾ HỆ @ :
“ Nay ở trong thơ nên có...mật gấu”
Chuyện xảy ra vào tết Nguyên tiêu năm Kỷ Sửu (2009)
Như đã thành lệ, nhà văn già, nhà văn trẻ Hà Nội lại nô nức kéo nhau đến Quôc Tử Giám chơi...thơ. Từ sáng sớm, con đường xung quanh Giám đã chật cứng xe máy và xe hơi. Người làm thơ và người yêu thơ kéo tới dự “hội thơ” dễ phải tới vài ngàn. Già trẻ hớn hở, ăn mặc sang trọng, đông vui còn hơn cả ngày 30, mồng một vì hai ngày đó Hà Nội ...vắng tanh do ít nhất 80 phần trăm “người Hà nội” đã trở về quê chính gốc ăn tết.
Năm nay xe hơi tới dự lễ cũng đông gấp mấy lần năm ngoái, chứng tỏ quan chức ngày càng tỏ ra “ta cũng có văn hoá” lắm đây chứ chẳng “xôi thịt” như mồm miệng thiên hạ vẫn chửi.
Bước vào sân nhà Thái học, đập ngay vào mắt là các tấm poster thơ của các nhà thơ “chống Mỹ” nổi tiếng: Lá đỏ (Nguyễn Đình Thi), Mũ tai bèo (Ngô Văn Phú), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật), Rừng ơi (Nguyễn Thị Hồng Ngát), Pháo binh (Chế Lan Viên), Gậy trên đường (Xuân Hoàng), Nhật ký sau cơn sốt (Nguyễn Đức Mậu) v.v…
Như mọi năm, sau lễ thượng cờ thơ, ông Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội nhà văn đọc diễn văn khai mạc, diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chủ tịch rồi làm lễ thả lên trời 50 câu thơ của 50 “thi nhân” đứng hàng đầu vẫn là Hồ Chí Minh, Tố Hữu...rồi sau cùng mới tới các cây bút choai choai mới ra lò. Chẳng hiểu 50 câu thơ viết những gì, chỉ chắc một điều tránh cho xa đề tài nhạy cảm đòi tự do dân chủ và chống Trung Quốc ngoại xâm.
Kể ra các nhà thơ và người yêu thơ xứ ta vô cùng lạ lùng. Sắp tới ngày 17 tháng Hai kỷ niệm 30 năm ngày Trung Quốc xâm lược mà cả cái hội thơ rầm rộ ngay giữa trung tâm văn hoá Hà Nội cấm thấy ai nhắc tới hai chữ “ Trung Quốc” gọi là có.
Bên “sân khấu thơ trẻ” với tên gọi “Thơ 360◦” thì khỏi nói, toàn “chơi” thơ tào lao, vô thưởng vô phạt, tránh xa mọi “nhạy cảm” mà các nhà thơ trẻ đã thuộc nằm lòng.
Trước hết, chương trình được xây dựng thành 4 phần riêng biệt, có chủ đề cụ thể là cái "lõi" để các tác giả trình diễn các bài thơ của mình:
Phần 1 : "Để có giật mình nảy những mầm xuân",
Phần 2 : "Mùa gieo vần"
Phần 3 : "Mùa sống và yêu"
Phần 4 : "Mùa chữ".
Xen giữa các bài thơ là trình diễn các tác phẩm âm nhạc để gây được sức trẻ trung, hấp dẫn hơn với người xem.
Và thế là các tên tuổi mới toanh như Nguyễn Anh Vũ, Lữ Thị Mai, Huyền Minh, Nguyễn Quang Hưng, Điệp Giang, Lệ Bình Quan, Thuỵ Anh, Nguyễn Phan Quế Mai... thay nhau nhảy lên sân khấu trình diễn...thơ .
Chới với tay nhau xoáy vòng nước cuốn
nếu đuối sức vẫy vùng xin còn mắt vớt hồn nhau
Nguyễn Anh Vũ
Buổi sáng đuổi bắt buổi chiều
Email đuổi bắt họp hành điện thoại
Tiếng chim gù buổi sáng vuột khỏi tay xa vời, xa mãi
Cổ vật ngày mới ngắm bình minh
Nguyễn Phan Quế Mai
Thơ thẩn như vậy thì bác Hữu Thỉnh cho phép “các cháu” nhảy lên sân khấu hò hét thoải mái làm nhà thơ Trần Quang Quý, thành viên Ban tổ chức Sân thơ trẻ phải than :
“ Thơ trẻ hôm nay còn ít đời sống thực tế, nhiều tác giả còn quá trọng hình thức với cách ghép vần, ngữ âm mà chưa chú ý đến nội dung, còn thiếu những tâm sự với bạn đọc. Ý tưởng các tác phẩm cũng chưa thật rõ ràng và thiếu sự tự tin cần thiết là điều đang tồn tại ở các tác giả trẻ hôm nay. ...”
Năm nay không có những trò “giật gân” kiểu như năm ngoái nhà thơ già Dương Tường nhảy lên sân khấu lấy cuộn giấy vệ sinh cuốn quanh người, cạnh đó một em 9x đọc bài “Thả đỉa ba ba”. Các “bé thơ “ ( bé làm thơ) cũng không quậy bằng năm ngoái chắc là do vắng mặt các “liền chị” như Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh...hoặc giả năm nay có cả các đồng chí lãnh đạo Đảng nhà nước cũng tới “coi thơ” nên Ban tổ chức có phần “tịt ngòi” hơn năm trước.
Tuy vậy, các nhà thơ trẻ lại tiếp thị thơ và tên tuổi mình rất bặm trợn. Nhà thơ trẻ Đoàn Quỳnh Như bày ra giữa bãi cỏ một tấm giấy điều rực rỡ, tự nguệch ngoạc bài thơ “Ngày phồng rộp” để giới thiệu tập thơ... chưa ra mắt của mình. Cây bút hiện sống bằng nghề viết kịch bản phim và đóng vài vai diễn nho nhỏ này cho biết do thơ của mình quá bạo liệt nên mãi cả năm rồi chưa xin được giấy phép. Tuy chẳng bán được gì, nhưng "tiết mục" của Quỳnh Như cũng được chấm giải ba "hạng mục" tập thơ trình bày ấn tượng. Thi sĩ trẻ Ngô Liêm Khoan thì xén rời tập “Trở mình trong máng xối” của mình thành những tờ rơi, đích thân phân phát tận tay người xem kèm câu khuyến mãi "anh chị muốn mua nguyên tập, xin ghé qua bàn bên kia". Phạm Trung Thành còn đưa cả vợ con theo để "tiếp tay" cho bàn trà thơ và công cuộc bán thơ của người chồng - cha thi sĩ. Thành xếp những tập thơ được đồng nghiệp tặng thành hình một cây chổi, còn các tập thơ của mình, Thành dồn lại thành một đống rác có ghi chú đây là "thơ rác Phan Trung Thành". Vậy nhưng cái "đống rác" này lại có nhiều người ghé qua hỏi thăm, chụp ảnh và mua. Giữa ngày hội của thơ ca, thấy các cây bút trẻ nhiệt thành như những nhân viên tiếp thị tờ rơi giữa ngã tư đường phố mà cảm thấy...”phục” bệnh sốt ruột làm thiên tài của các “thi sĩ thế hệ @”.
Bên “sân thơ” của các bác già thì khỏi nói, do không thể “cưa sừng làm nghé” để “chơi thơ” theo kiểu..”hậu hiện đại” của lớp thơ trẻ, các bác đành phải chấp nhận chơi trò...truyền thống cách mạng . Vậy là các bác chỉ đọc thơ xoay quanh chủ đề “Trường Sơn thời đánh Mỹ” mà theo ông Chủ tịch Hội thì đó là “thơ mẫu mực” :
"Trường Sơn là chủ đề cũ nhưng đã trở nên mẫu mực. Càng nghe lại người ta càng thấy hay, đặc biệt là khi những câu thơ này được đọc lên trong không khí ngày hội lớn".
Phụ hoạ với ông Chủ tịch Hội, một bác già yêu thơ chắc có sự sắp xếp của Ban tổ chức đã phát biểu khi nghe loại “thơ Trường Sơn” này :
"Thơ thế mới là thơ , ý nghĩa, hào hùng, đọc lên nghe náo nức. Chứ đọc thơ trẻ bây giờ, bác thấy cũng giống như là mình đi ra đường, chữ nghĩa chạy loạn xạ, không có nhịp điệu, cũng chẳng ngay hàng thẳng lối, mà nghe thanh âm như còi xe ầm ĩ".
Không biết có phải do hội thơ năm nay, thơ trẻ, thơ già, thơ choai choai đều có chung một đặc tính là ...”thơ nhát sợ”, đều là một thứ “thơ thỏ đế”, ‘thơ chữ thọ đeo sau lưng” nên tại quầy bán sách ở bên giếng Thiên quang trong Văn Miếu, ngay trước hàng bia tiến sĩ, có một doanh nghiệp “chơi đểu” bày bán sách kèm theo ...mật gấu.
Ông chủ quầy sách này chắc thấy văn chương, thơ phú ở ngày hội thơ xa lạ như thi ca của người ngoài hành tinh, né tránh bao nhiêu đớn đau, thăng trầm của nhân dân, câu thù câu tạc véo von nịnh bợ hoặc tình tang vô lối, các nhà văn, nhà thơ và ngay cả các nhà trí thức đang hèn đi, không mấy ai dám nói lên điều mình nghĩ nên mới nhắc nhở các nhà thơ nên uống “mật gấu” trước khi làm thơ cho có chút gan góc, dũng khí.
Như vậy yêu cầu ngày xưa của “bác Hồ” :
”Nay ở trong thơ nên có thép”
ngày nay nên đổi thành :
“Nay ở trong thơ nên có...mật gấu”
thì mới phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.
Thông điệp này xin gửi tới toàn thể các nhà thơ già thơ trẻ, lão làng cũng như mới vào nghề . Trước khi hạ bút nhả ngọc phun châu xin hãy uống một tí ti...mật gấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét