Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

KỂ CHUYỆN NHÀ VĂN NƯỚC NGOÀI. (1)

                     
Tomas Anderson, Lostrom, Stephan  – ba nhà văn Thuỵ Điển rất nổi tiếng .
          Nhà Tomas Anderson ở tít trên phía Tây Bắc Thuỵ Điển giáp Na Uy . Một buổi sáng Stephan lái xe vòng vèo qua các cánh rừng thưa, trước mặt chúng tôi đột ngột hiện ra một căn nhà gỗ xinh xắn.Tôi nhìn khắp xung quanh , bốn bề vắng vẻ thầm phục ông nhà văn gan dạ lắm mới dám ở mênh mông giữa rừng thế này. Lại nhớ hôm tới thăm nhà văn Lostrom, ông cũng ở một nơi hoang vắng cách xa thủ đô Stockholm vài trăm kilômét, cho dù trang trại của ông rất đẹp : có tàu ngựa, có vuờn hoa, có biệt thự xinh xắn và một thảo nguyên  mênh mông  – cả một vùng rộng và nên thơ như vậy mà số cư dân chỉ có...mỗi mình ông.
Không biết ngoài nghề viết văn ra ông còn làm nghề gì mà ông giàu thế? Ngoài trang trại ra, nghe nói ông còn một ngôi nhà lớn ở thủ đô Stockholm cho vợ con ở.Ông viết rất nhiều sách, tiểu thuyết có, nghiên cứu có...tuy nhiên với số 7 triệu dân,số lượng in không nhiều,tôi dám chắc rằng tài sản lớn của gia đình ông không hoàn toàn kiếm được do ngòi bút.Đến thăm ông hôm đó,tôi cứ băn khoăn sao ông có thể sống một mình giữa một khu vắng vẻ đến như thế. Ông nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên.Ông bảo :
        ”Vậy mày viết ở đâu ? Viết  giữa cái ồn ào của thành phố và giữa cái líu lo của vợ con ?”
          Tôi phải thú thực với ông rằng tôi chẳng cần phải đi tìm nơi hoang vắng cách xa dân cư  như ông, tôi viết bất kỳ ở đâu , trong tiếng cãi cọ của  hàng xóm, trong tiếng nhạc kích động và ngay cả...trong cuộc họp.Ông Lostrom giơ hai tay lên trời :
”Cô đơn là điều kiện thiết yếu để sáng tạo .Henry Miller đã nói như thế...”
Tôi đành chịu thua ông và nói với ông rằng giữa gia đình vợ con và cô đơn giữa rừng ,chắc tôi đành phải chọn  vợ con cho dù sự sáng tạo có vì thế mà trở nên khó khăn.Tôi lại hỏi ông vậy thì trong một năm ông sáng tạo mấy tháng và về ở với vợ con mấy tháng. Ông thở dài:
“ Khi tao viết xong một cuốn sách thì vợ tao lại bắt đầu một dự án phải đi đâu đó và khi vợ tao về lại được thành phố thì tao lại bắt đầu một...cuốn sách khác...”
“Vậy rồi vợ chồng đoàn tụ vào lúc nào?”
“ Khi công việc đã xong...”
Tôi lắc đầu thở dài thán phục ông và nói với ông rằng người Phương đông chúng tôi coi gia đình là một cái gì...ghê gớm lắm vậy nên trong chúng tôi nếu có ai đọat giải Nobel đi chăng nữa thì người đó cũng viết sách ngay trong lòng gia đình ngay giữa vợ con.
Ông Lostrom nhìn tôi kinh ngạc, cứ như là nếu không sống cô đơn, xa gia đình giữa nơi hoang vắng thì làm sao viết được văn? Lần này tới thăm ông Anderson, tôi thấy ông không cực đoan như ông Lostrom, nghĩa là ông cũng sống ở giữa rừng nhưng không phải một mình mà là chung cả gia đình vợ con.Ông Anderson không có đồng cỏ, cũng không có tàu ngựa, nhà ông giống như một căn hộ ba phòng chỉ khác nó không trong chúng cư mà lại ở giữa rừng.Phòng ăn, phòng khách, nhà bếp...tất cả đều trang bị rất hiện đại và nhất là xung quanh các phòng đều chất đầy sách. Khi xe dừng trước cửa,tôi nhìn thấy ông nhà văn đang bế một  cháu bé lối chừng 6 tháng tuổi.Ông đang cầm một cái bình sữa cho con bú,cạnh ông là một cái nôi ,khăn, tã, quần áo con nít ngổn ngang và cạnh đó một cháu gái chừng bốn tuổi đang  nghịch đồ chơi.Tôi reo lên vui vẻ:
“ Thật là một người đàn ông mẫu mực đáng cho chúng tôi noi theo...”
Dường như không hiểu ý tôi,Anderson trố mắt :
“ Mày nói thế nghĩa là sao ?”
Tôi đành phải giải thích một điều tôi cho là lẽ đương nhiên ở bất kỳ xứ sở nào, bất kỳ thời đại nào :
“ Cái công việc mày đang làm kia là dành cho...đàn bà...”
Anderson mỉm cười :
“ Vậy tôi xin hỏi ông,ông quan niệm thế nào về vai trò bình đẳng của người phụ nữ trong gia đình ?”
Tôi cười vui :
“ Tôi cho rằng việc hầu hạ, săn sóc chồng con là một hạnh phúc lớn lao của người phụ nữ và chúng tôi những người đàn ông, chúng tôi không hề có ý định tước đoạt của họ hạnh phúc đó...”
Anderson la lên :
“ Nguỵ biện...nguỵ biện...để trốn việc...”
Cháu bé chợt khóc oe oe và Andeserson đổi tư thế bế, xoay lại cái bình cho cháu bú ...thành thạo không kém gì một người mẹ đang nuôi con nhỏ. Chúng tôi vào ngồi trong phòng khách và vừa bế con anh vừa trò chuyện :
“ Vậy theo ông, nhiệm vụ chủ yếu của ngừời phụ nữ trong gia đình là gì?”
Tôi đáp một lèo, trơn tru :
“ Sinh con đẻ cái và nuôi con khoẻ dậy con ngoan...”
Anderson lắc đầu :
“ Sinh con đẻ cái thì đúng rồi,cái đó đàn ông đâu có làm được,vậy nhưng việc nuôi con khoẻ, dậy con ngoan đàn ông có làm được không ?”
Tôi gượng gạo :
“ Tất nhiên là được nhưng mà...đàn ông đàn ang ...ai làm chuyện đó?”
“ Vậy đàn ông làm cái gì ?”
Tôi đáp hăng hái :
“ Làm trụ cột trong gia đình, kiếm tiền...”
“ Vậy phụ nữ không kiếm tiền được ư ?”
“ Có chứ...nhưng kiếm gì thì kiếm họ vẫn phải nội trợ trong nhà...”
Và tôi bịa ra một câu chuyện mà ở nước ta thật nằm mơ cũng chẳng thấy có .Rằng một đôi vợ chồng nhà nọ,vợ làm Giám đốc Công ty tháng lĩnh vài chục triệu, chồng làm nhân viên  văn phòng lương lĩnh về không đủ cho vợ mua cục son môi,vậy mà anh chồng đi làm về nhà là nhảy tót lên ghế xalông , thượng cẳng chân lên ghế đọc báo,trong khi đó bà Giám đốc vừa bước xuống xe đã phải chạy ù vào bếp, hộc tốc thay quần áo, khoác tạp dề nấu nứớng ào ào. Kịp đến khi bà Giám đốc đẻ,đêm đêm con khóc, các cô nhân viên văn phòng phải thay nhau tới trực để hỗ trợ thủ trưởng ,trong khi đó anh chồng cứ kéo bễ khò khò trong  phòng khách.
Nghe xong câu chuyện “tưởng tượng”, Anderson tin xái cổ,ông nổi giận :
“ Vậy tại sao bà Giám đốc không lấy người ít ra có trình độ tương đương với mình lại đi lấy nhân viên làm chi ?”
“ Hồi trẻ bà mải phấn đấu ,đến khi thành Giám đốc đã lỡ thì,lấy được anh chồng vậy còn là...may đó.”
“ Chồng như thế thì lấy làm gì cho khổ...”
Rồi Anderson giảng giải cho tôi nghe về quyền bình đẳng nam nữ đã được thực thi một cách cụ thể và thiết thực như thế nào ở Thuỵ Đỉên.Nhìn anh một tay cầm cái bình bú, một tay ẵm con nhỏ, tôi không nín được cười :
“ Tôi biết,tôi biết,tôi chẳng cần nghe anh giảng giải cứ nhìn anh cho con bú là tôi biết cái quyền bình đẳng ấy nó được thực thi tới đâu...”
Tuy nhiên Anderson vẫn tiếp tục :
“ ở Thuỵ Điển khi người vợ đẻ con, nhà nước cho phép hoặc vợ hoặc chồng được nghỉ việc một năm hưởng nguyên lương để nuôi con.Vậy là tuỳ theo công việc, hoặc vợ hoặc chồng, ai muốn nghỉ nuôi con cũng được.Kỳ này vợ tôi có nhiều việc ở trường Đại học nên tôi nghỉ ở nhà trông cháu.Theo tôi như thế là bình đẳng nam nữ... ..”
Tôi sực nhớ tới ông nhà văn có trang trại, sống xa vợ con để viết văn bèn hỏi Anderson :
“Vậy rồi sống giữa vợ con thế này ông có viết được  không ?”
“ Sao lại không ? Tuy nhiên khi vợ tôi xong cái job (công việc) này thì lại đến lượt tôi đi lấy tài liệu để viết một cuốn sách khác...”
“ Thế là vợ chồng lại mỗi người mỗi nơi?”
“ Đúng như thế, nhà văn Stephan cùng đi với anh cũng vậy,chồng  thì ở Stockholm,còn vợ lại ở mãi bên ...Na Uy để vẽ tranh.”
Tôi la lên kinh ngạc :
“ Lạ nhỉ...vậy rồi các ông các bà chung sống vào lúc nào ?”
Anderson mỉm cười :
“ Theo tôi,gia đình là nơi mình quay về khi đã xong công việc...”
Nói xong anh kéo tôi tới bàn ăn đãi tôi món thịt bò hầm do tay anh nấu nhằm vào lúc cháu bé đang ngon giấc.Tôi nếm thử và tấm tắc khen :
“ Tuyệt vời..”
Anderson nhướng cặp mắt xanh :
“ Cái gì tuyệt vời..à phải rồi thịt bò hầm tuyệt vời...”
Tôi cười vui vẻ :
“ Không phải thịt bò mà là  anh...anh thật là một người chồng tuyệt vời...”
   Mấy ông nhà văn tây sống như thế, vậy còn nhà văn ta ? Chịu, muốn biết họ sống ra sao xin cứ ...đọc báo Văn Nghệ hay Tập san Nhà Văn hàng tháng vẫn "tình cho không biếu không "...

                                                                              





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét