Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

CÁI CHẾT CỦA NHÀ VĂN

Cái chết của nhà văn


                                                                                          
Ong ngồi trong công viên và chẳng hiểu sao cứ ngửa cổ lên trời. Thì ra ông đang nhớ tới hai câu thơ thi sĩ Thi Hoàng :
”Trời thì xanh như rút ruột mà xanh…”
Cây thì biếc như vặn mình mà biếc…”*
Ông cũng đã “rút ruột”  mà …sống, cũng “vặn mình” mà viết,nên được tôn vinh thành “ cây đại thụ”, được trao giải văn chương cao nhất nước làm khối anh  ghen tức .
Nhưng mà chuyện đó đã…xong rồi, affaire accompli, việc đã xong – Hội nhà văn đã tổ chức lễ trọng thể, ông “cấp cao” đã trao vào  tay ông giấy chứng nhận có cả chữ ký của ông to nhất , giờ có kiện tới  trời cũng chẳng làm gì được. Mà có gì phải kiện. Khối anh viết ít hơn, nhạt hơn ông  nhận giải thưởng trước cả ông thì  sao ? Lẽ ra ông phải được từ hồi phát giải đợt 1 cách nay cả 10 năm kìa. Chẳng qua lão nhà thơ Bút Thép thọc gậy bánh xe  mới chậm chễ vậy. Đáng đời lão, một đời tận tuỵ  hầu bút, lúc chết người nhà chạy chọt mãi cũng không vào được Mai Dịch vẫn phải chôn Văn Điển . Còn ông, yên trí đi, mai kia nhắm mắt tắt hơi, chắc chắn phải được cử hành tang lễ cấp Nhà nước .  
Thôi quên ba chuyện đó, quên cả lễ thượng thọ ông 70 tuổi vắng mặt gã Chủ tịch Hội làm ông mất ngủ một đêm, quên cả chiều qua thằng  cháu nội đi học về mải bạn không chào, quên cả sáng nay vợ ông làm ốp lết không phải bằng trứng gà ta mà lại là gà công nghiệp... Thôi thôi, bao nhiêu phiền tạp trên đời chẳng là cái gì khi ta đắm chìm vào cái thăm thẳm của bầu trời kia. 
Ong cố gắng xoá đi mọi ý nghĩ, mọi liên tưởng, mọi yêu ghét mong hoà được vào cái vô hạn của tự nhiên . Ong cứ ngồi như thế và nhìn như thế. Dần dà ông cảm thấy mình nhẹ bỗng, bồng bềnh sương khói như người mất trọng lượng, những tạp niệm trong đầu bị xua đi gần hết, những ám ảnh hằng ngày tan nhanh. Thế rồi đúng vào lúc ông cảm thấy sắp được bay lên, bất chợt tiếng gọi của ai đó chọc vào tai, tàn nhẫn lôi ông về chiếc ghế đá trong công viên sặc mùi khói xăng. Một con bé áng chừng ngoài chục tuổi gánh hai cái sọt đứng lù lù từ lúc nào :
“Ong còn thở không ông ?”
Nó đặt quang gánh , sà tới :
“ Cháu thấy mắt ông cứ trợn trừng cháu tưởng ông không…còn thở .”
“ Tầm bậy , ông đang suy nghĩ…”
Con bé cười  nhoẻn : 
“ Cháu biết rồi…ông đang sáng tác đúng không ?”
Ong trợn tròn cả mắt :
“ Sao biết ông đang sáng tác ?”
“ Biết chứ . Cháu biết ông là nhà văn  mà. Bữa trước ti vi truyền hình sinh nhật  ông. Đông ơi là đông…cả mẹ cháu cũng biết ông đấy. “
Ong cười hài lòng. Thêm một người trong số cả triệu người hâm mộ là chuyện thường ngày ở công viên. Tuy thế ông vẫn hỏi chiếu lệ :
“ Mẹ cháu làm nghề  gì ?”
“ Làm đồng nát chuyên mua sách báo cũ. Nhà ông chắc nhiều lắm, bữa nào cháu tới mua được không ông ?”
Ong cười , gật đầu :
“ Cháu mua về bán cho hàng sách  cũ à ?”
“ Hàng sách cũ chỉ mua Thuỷ Hử, Tây Du thôi , truyện của tàu ấy ông ạ, còn truyện ta họ không mua…”
Ong cau mày :
“ Sao truyện ta lại không mua ?”
“ Cháu không biết. Cháu có đọc sách bao giờ đâu mà biết…”
“ Phải đọc cháu ạ, đọc để mở mang đầu óc …”
Con bé cười  nhoẻn :
“ Có biết chữ đâu mà đọc. Nếu biết chữ cháu đã chẳng mua truyện ta , khó bán lắm…”
“ Vậy cháu mang tới các trường bán cho học sinh , chúng nó cần lắm đó…”
Con bé lắc đầu :
“ Học sinh chỉ mua sách giáo khoa thôi ông ơi…”
Ong lại mách nước :
“ Cháu về nói với mẹ gom thật nhiều rồi mở cửa hàng cho thuê …”
“ Chẳng  ai thuê đâu . Cháu chỉ bán cân  cho người ta xay làm bột giấy thôi …”
Ong cau mày :
“ Cháu có biết cháu làm thế là phá hoại của cải tinh thần không ?”
Con bé cười cười :
“ Cháu không biết, cháu hỏi mẹ cháu tại sao thì mẹ cháu cười :” nhà văn nói láo, nhà báo nói phét. Có chó nó đọc. …”
“ Ha ha…ha ha…ha ha…”
Ong nhà văn cười giàn cả nước mắt mà vẫn cứ cười .
“ Ong làm sao thế ông ?” – con bé lo lắng.
Ong chùi nước mắt :
“ Không, không làm sao. Tại mẹ cháu nói đúng quá mà…nhà văn nói láo, nhà báo nói phét.  Ha ha…”.
Con bé đồng nát lại hỏi :
“ Thế ông có nói láo không ông ?”
Ong sững cả người. Bình sinh chưa ai dám hỏi ông hỗn xược vậy, họ toàn cứ  tung hô ông :”thiên tài …thiên tài…”. Bởi vậy ông đùng đùng nổi giận :
“ Không nói láo thì bốc cứt bỏ mồm hả. Đi đi…cút đi…”
Con bé đồng nát vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi, cuống queo xếp quang gánh chạy thật nhanh trả lại bầu trời xanh cho ông nhà văn tiếp tục nghiền ngẫm. Lạ thay, ông không còn buộc cái đầu không nghĩ ngợi gì được nữa. Nó đang như cái chợ chiều vắng tanh vắng ngắt giờ lại om sòm những tiếng cãi cọ của mấy con mẹ hàng tôm, hàng cá. Nào chuyện này, nào chuyện nọ, cứ ùn ùn kéo về như con suối mùa lũ vậy. Đầu óc ông nhức buốt như có ai vừa đóng một cái đinh.
Con bé đồng nát nó nói đúng. “ Nhà văn nói láo, nhà báo nói phét…”. Bốn mươi lăm năm liên tục nói láo, không ngưng không nghỉ, chắc sản xuất ra toàn hàng giả nên những đứa con tinh thần của ông mới bị hành quyết trong lò bột giấy.  Ong còn nhớ lúc ngồi chuyện vui với vợ, ông bảo cái quý nhất trong tài sản ông để lại cho con cái sau khi ông chết không phải tiền bạc, không phải nhà đất mà chính là sự nghiệp, sau này vợ con cứ tái bản sách ông là thừa tiền sống . Lúc đó bà vợ cười khẩy :
“ Vậy ông coi thử có cuốn nào mình bỏ vốn tái bản có lãi mình làm luôn chẳng  chờ tới khi ông chết ?”
Ong lần lượt  điểm danh những đứa con tinh thần nổi tiếng một thời .“Bay trong mây” . “ Đường trên núi” “ Hãy tiến nhanh  hơn nữa”…Bà vợ ông  cười rũ :
“ Bây giờ in lại những cuốn ấy ma nó đọc. Có mà lỗ vốn…”
Ong châng hẩng. Cái phép thử đơn giản tuy có hơi tàn nhẫn của vợ xem ra lại chính xác hơn cả kí lô bài viết của các phê bình gia ăn lương và ăn lộc Nhà nước. Hoá ra thời gian đã làm tung toé hết sự nghiệp.  Một đời tận tuỵ tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Mea culpa…mea culpa…lỗi tại tôi, lỗi tại tôi. Bốn mươi lăm năm nói láo, có lúc nào nói thật ? Có đấy, chắc là có đấy, chỉ chưa tới thôi. Tới cái lúc đó ông sẽ vót nhọn ngòi bút đâm một nhát cuối cùng. Ong ngước nhìn và trừng mắt với trời xanh. Đúng đấy, ông sẽ đâm một nhát cuối cùng vào sự giả dối, sự trí trá, sự nói láo bao năm nay ông đã dốc hết tâm huyết cho nó. Ong bỗng thấy người phừng phừng, bao nhiêu chất chứa bấy lâu nay như sắp nổ tung.  Ong đứng bật dậy, phải viết, phải viết thôi, ngay bây giờ, ngay lúc này nếu không thì chẳng bao giờ nữa. Nhưng mà…viết cái gì nhỉ ? Viết gì cũng được nhưng mà là của ông, của chính ông chứ không phải của bất kỳ  ai khác.
Thế là ông rời ghế đá công viên, chống gậy lập cập bước về nhà. Nhà ông là một  biệt thự bề thế. Thực ra ông chưa đủ “tiêu chuẩn”  được “phân” ngôi nhà to vậy, phải lão thành cách mạng kìa. Còn ông tuy là cây đa cây đề trong làng văn nhưng xét ngạch bậc cũng chỉ tương đương Vụ trưởng , một căn hộ loại 1 là hết xuất rồi. Ây thế mà nể ông, Nhà nước cấp hẳn ngôi biệt thự lớn thế kia đủ biết ưu ái ông cỡ nào. Rồi mai kia ông nằm xuống, nhất định con phố  này sẽ mang tên ông chứ còn  ai ? Ong bấm chuông, phớt lờ con bé người làm chạy ra mở cổng tròn xoe mắt nhìn vì mọi ngày giờ này ông còn đang dạo công viên. 
Ong đi qua khu vườn  trồng toàn phong lan và cây cảnh .  Một con chim trong lồng cất tiếng hót. Ong đi qua hòn giả sơn khổng lồ có nước chảy róc rách , có ông Lã Vọng ngồi câu, có ông Khuất Nguyên đang đứng rũ bên sông và có cả bức tượng nàng tiên cá bé tí xíu đang mê mẩn  giữa biển khơi tưởng nhớ xã hội con người. Ong đi qua tất cả và bước vào phòng viết . Những kệ sách bóng loáng bên trong xếp những cuốn sách của ông, dày cộp, bọc da đỏ, in nhũ vàng nom không thua gì bộ toàn tập của Mác-Lênin . Nhà nước đã bỏ tiền ra in tất cả chỉ để phát không cho các thư viện. . Ong thờ ơ nhìn những cuốn sách đứng nghiêm, xếp hàng thẳng . Lạ thay, chúng chẳng còn gây cho ông sung sướng và tự hào như mọi ngày,  ngược lại càng lúc càng làm ông khó chịu. Và rồi ngạc nhiên chưa, ông quát lên :
”giả dối, giả dối, giả dối…”.
Một cái gì đó đâm nhói trong ngực làm ông lảo đảo. Không, không sao cả, thỉnh thoảng tim ông vẫn thế. Bốn mươi lăm năm qua  nó đã đập theo nhịp của người khác nên thỉnh thoảng vẫn nhói lên thế. Nhưng dẫu thế nào trong đời cũng cần có một lần cho nó đập theo nhịp của chính ông chứ ? Ong cố bước lại bàn viết, mở máy vi tính, kéo ghế  ngồi trước màn hình LCD trị giá 35 triệu đồng chí Bí thư  tỉnh uỷ mới tặng ông  nhân lễ thượng thọ . Thôi quên đi mọi thứ đó, tất cả chẳng là cái  gì, lúc này  ông chỉ còn nghĩ tới ông sẽ viết gì đây ? Một nỗi hối tiếc, một câu sám hối,  một lời nhắn nhủ hay một nhát bút cuối cùng ? Ông cứ ngồi như thế, rất lâu trong cái lắng im của buổi sớm mai mát mẻ, trước màu xanh ngọc của màn hình gợi nhớ bầu trời. Nào viết đi , viết gì cũng được, miễn là của chính ông. Thế rồi trong ánh sáng mờ mờ của tia nắng cố vượt  qua khe cửa, trong tiếng thánh thót của chuông đồng hồ treo tường, bất chợt ông lại thấy đau nhói ở ngực – con tim đang cố thoát khỏi nhịp đập của người khác để trở về với chính ông nhưng không thể. Đó là việc quá sức . Nó đã ngừng đập…

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét