Hà nội…hồi ấy (2)
(tiếp theo)
Không khí trong nhà im lìm và nặng nề như bãi chiến trường sau trận đánh.Qủa thực, cơn đấu khẩu sáng nay chắc nổ ra to lắm sau lúc tôi về nên mới lưu lại trên mặt ông Đ. vẻ hờn giận,buồn bã ủ ê đến thế. Mọi ngày ông vẫn ăn chung mâm với bà dẫu rằng chẳng bao giờ ông đụng đũa tới đĩa thịt, con cá rán hoặc bát canh rau ngót nấu giò sống, ông chỉ ăn rau luộc, quả cà, sang lắm là vài miếng đậu rán. Ông thường nói với cả nhà ông chỉ ăn uống đúng theo mức lương hưu của ông thôi, không cần ăn nhờ đứa nào hết, không gì quý hơn độc lập tự đo, ăn nhờ dù là của vợ con cũng nhục lắm. Bởi thế ông chia số lương hưu hàng tháng cho các khoản gạo, mắm, mỡ, cắt tóc và báo Nhân Dân hàng ngày thì thấy rằng số tiền còn lại vừa đúng mua được ba lạng thịt, y nguyên tiêu chuẩn thời bao cấp của ông. Tài thật, tiên sư anh tài chánh, tính toán mức lương hưu chi li đến thế là cùng. Ông vổ đùi đen đét và la lên với cả nhà. Bà vợ hỏi :
“Thế còn tiền giỗ chạp ?”.
Ông sầm mặt :
“Duy tâm, cách mạng là không có cúng vái ai cả.”
Cô con gái lại vặn :
“Thế tiền quần áo bố lấy đâu ra ?”
Ông lắc đầu quày quạy :
“Tao hưu rồi, đi đến đâu mà cần quần áo, vả lại cái cũ còn đầy tủ kia, mặc tới lúc chết cũng chả hết.”
Thế là sáng ông dậy sớm làm vài động tác thể dục rồi thong dong ra phố làm hàng xóm cứ tưởng ông đi ăn phở có biết đâu ông chỉ đi hít thở không khí và ghé quày báo mua tờ Nhân Dân cắp nách về, nom thật phong lưu, nhàn hạ.
Chiều nay giận vợ, ông Đ. nấu niêu cơm, bát nước mắm vài củ lạc rang, ngồi ăn một mình nên vừa thấy tôi lấp ló cửa buồng, ông vội bưng ngay mâm cơm xuống bếp. Bà Đ. chắc giận chồng đã bỏ đi đâu. Tôi ấn Trịnh xuống chiếc ghế gỗ, cố ngăn mình không lẻn sang phòng nàng xem bệnh tình ra sao ? Ông Đ. đã trở lại, mặt lầm lầm nhưng khi tôi giới thiệu có đồng chí bác sĩ bệnh viện Việt Đức tới thăm bệnh cho cô gái thì lập tức ông vồn vã hẳn :
- May qúa, tôi đang lo sớm mai đưa em nó ra y tế phường. Lạ lắm kia, từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ thật chưa hề thấy cái ca nào lạ lùng như thế này. Mẹ nó sờ đầu vẩn mát lạnh như không, thần sắc vẫn bình thường, mỗi tội câm như hến, bố mẹ hỏi chẳng nói năng gì, nấu bát cháo tim gan bưng vào không chịu nhấp lấy một thìa, chỉ ngủ liên miên . Trăm sự nhờ bác sĩ khám cho em nó xem sao, xin mời …”
Ông ngăn tôi lại, chỉ cho mỗi Trịnh theo ông vào phòng nàng. Tôi đành ngồi xoay xoay chén nước trong tay, lo ngay ngáy không hiểu nàng mắc cái bệnh gì, liệu có qua khỏi để rồi lại đi chơi trăng với tôi được không ? Thú thực nàng cũng chả phải là người yêu duy nhất của tôi, còn vài ba cô nữa sẵn sàng đi cùng tôi ra ngoài cái vạch giới bè bạn, riêng nàng rất giữ gìn, thậm chí mới chỉ cho tôi hôn tay, cùng lắm là hôn lên má vậy thôi, ấy thế mà hình ảnh nàng lại choán nhiều chỗ nhất trong tôi. Làm việc ở cơ quan, đi ngoài đường phố, ngồi với bạn bè trong quán rượu, ngay cả ôm cô gái khác trong tay, lúc nào tôi cũng nhớ tới nàng.
Tôi hút chưa hết điếu thuốc, Trịnh và ông Đ. đã trở ra. Bạn bè thế đấy, khám qua loa chiếu lệ, tôi hỏi giật giọng :
- Sao, bệnh tình sao ?
- Chẳng có làm sao cả.
Trịnh uể oải ngã người xuống ghế như muốn ngủ gật, tôi xô tới túm ngực áo sẵng giọng :
- Sao lại chẳng làm sao ? Cậu có khám kỹ không, nói rõ ra nào ?
- Tim phổi bình thường, mạch đều, huyết áp tốt… cậu còn muốn tớ khám cái gì nữa nào.
Tôi thở hắt ra :
- Vậy sao cô ấy lại chẳng nói năng ăn uống gì cả ?
Trịnh liếc ông Đ. rồi ghé tai tôi nói nhỏ :
- Nó vờ để làm reo với cậu và với ông bà bô đấy thôi. Lần sau có đi cả đêm thì đừng hòng động tới nó nhé. Căn nguyên bệnh tình cô nàng là thế đấy, vài hôm là hết .
Tôi không tin nàng đóng kịch giỏi thế . Nhưng biết làm sao, đây là lời chẩn đoán của một bác sĩ bệnh viện cấp trung ương, không tin sao được. Suốt dọc đường chở Trịnh về, tôi im như thóc, lòng buồn ruời rượi làm lúc chia tay hắn phải lên giọng an ủi :
- Cậu đừng lo, vài hôm nữa tớ khám lại, hẹn trưa mai quán bà Dậu nhé.
Tôi lặng lẽ quay xe và lẽ ra đạp thẳng về nhà, chả hiểu sao tôi lại vòng ra mãi bờ sông Hồng , đi qua cái chỗ tối hôm qua tôi ngồi với nàng. “Anh ước sao có một con tàu từ vũ trụ hạ xuống đón hai đứa mình bay tới một hành tinh khác, một nhân loại khác…”, mới tối qua tôi còn nói với nàng như thế ? Ông trăng tròn vành vạnh vẫn còn đó mà sao với tôi nàng đã trở nên xa vời…
2.
Tôi không tin vào số má, nhưng quả thực tai nạn vừa tới với nàng làm tôi bắt đầu tin rằng cái “cung thê nhi” của tôi như thế là vứt đi rồi.
Tôi không mảy may hi vọng có được cái may mắn “yêu một người cho một đời”, nhưng tát cạn biển Đông tới lần thứ ba để rồi vẫn nhận lãnh một… giọt nước mắt thì đúng là mẹ kiếp, ông tơ bà nguyệt có mắt như mù, có tai như điếc, có tay như què.
Xin lượng thứ cho nỗi phẫn chí của tôi nếu như bạn biết được suốt những năm tuổi trẻ tôi đã phải trả giá cho cái bệnh si tình như thế nào. Nàng đầu tiên có cái tên mỹ miều là Ánh Tuyết con gái cưng đại tá Viện trưởng quân y và một bà y vụ mà uy danh của đức ông chồng đã cất nhắc bà lên từ chân tạp dịch chót bét.
Không hiểu chính cơn gia biến của nàng hay sự hấp dẫn của tôi đã đưa nàng tới. Đúng vào lúc kết thúc phiên tòa kêu án năm năm tù giam ông đại tá quân y về tội đánh bạc làm thụt công quỹ, nàng trở về khóc như mưa như gió và đâm sầm vào xe đạp tôi vào một buổi chiều thu vàng mê hoặc lòng người.
Vậy là tôi đã đưa nàng về căn gác nhỏ nhà nàng và ngay lập tức chia xẻ nổi bất hạnh của một bà già đã mất hết bổng lộc kể từ khi ông chồng bị mất chức và một cô con gái có đôi mắt lúc nào cũng chớp chớp một vẻ tội tội. Nàng đẹp vừa phải nhưng chính giọng nói mê hồn đã làm tôi không thể từ khước nàng bất cứ điều gì.
Đưa đón nàng đi làm ở tổ đan len, xếp hàng đong gạo theo sổ, mua dầu theo phiếu, leo lên mái dọi lại ngói vào mùa mưa… tóm lại mọi công việc đàn ông trong nhà tôi đều gánh vác thay cho ông đại tá.
Ba tháng một lần tôi đưa nàng đi thăm nuôi bố tít trên vùng núi phía bắc và đương nhiên tôi hăng hái góp phần vào cái balô thực phẩm khoác vai cho tiện trèo rừng bằng phiếu đường, phiếu thực phẩm và sự dè xẻn tối đa trong số lương còm cõi của chàng kỹ sư mới ra trường.
Cái bức tranh tuyệt vời hai mẹ con nàng vẽ ra cho tôi một mai ông đại tá mãn hạn tù trở về đã cho tôi sức mạnh có thể lên rừng bắt voi. Vả chăng những giờ phút hạnh phúc được ở bên nàng dẫu rằng chưa được vượt qua những cái hôn phớt trên trán, đã làm tôi quên hết mọi thiếu thốn vất vả và luôn tự nhủ phải dâng hiến cho nàng hơn thế nữa.
Năm năm với ông đại tá là quá dài nhưng với tôi và nàng lại quá nhanh, thấm thoắt hai đứa đã đi thăm nuôi lần cuối và từ vùng núi trở về sân ga hàng Cỏ,bỗng nhiên nàng xé nát hai cái cuống vé, tung cho bay theo gió và nàng cười vẻ mặt ngớ ngẩn của tôi : “Cho nó biệt tăm tích luôn…”
Lúc đó tôi không hiểu nàng nói vậy có nghĩa gì, mãi tới bữa tiệc mừng ông đại tá trở về không có mặt tôi như bao lần nàng đã bàn soạn, và ngồi vào cái ghế suốt năm năm qua tôi vẫn ngồi lại là một anh chàng cứ như mới đứt giây trên trời rơi xuống trong cái vỏ cao sang du học nước ngoài về tôi mới trắng mắt ra. Mọi chuyện diễn ra trong tuần lễ giận nhau không đặt chân tới nhà nàng, bởi thế tôi không hề biết và vẫn dẫn xác tới như một thằng ngố. Ông đại tá mới đi tù về chừng đã uống hết nữa chai vốtca, mặt đỏ bừng bừng, nhìn tôi như thể muốn thanh minh trong chuyện này, ông không có lỗi. Bà mẹ bỏ xuống bếp, còn nàng luống cuống chặn tôi ngay ở bàn nước :
“Mời… mời anh ngồi chơi… ba em mới về… bận quá không báo được anh…”
Tôi đứng chết sững giữa nhà, cổ tắc nghẹn không nói nổi lấy một lời, không biết nên làm gì , đành cúi xuống con chó Mực quen thuộc, đang rối rít quẩn dưới chân tôi. Tôi ôm lấy cổ nó vuốt ve và thì thầm bên tai nó : “Mực ơi, hoá ra trong nhà này chỉ có mày còn biết thương tao. Nhưng mà từ nay tao không tới đây nữa, vĩnh biệt, vĩnh biệt mày…”
Tôi bước ra khỏi phòng, không nói một lời nhưng vẫn nhận ra cây đàn ghita của tôi vốn treo cạnh tủ đã biến mất, hẳn nàng đã sơ tán nó cùng với các thứ khác của tôi mang tới.
Tội nghiệp Ấnh Tuyết, tôi không hề có ý định đòi nàng bất cứ thứ gì i, chẳng cần phải cẩn thận thế. Tôi trở về, bỏ ăn bỏ ngủ, cứ đau đi, đau cho chán đi, rồi thôi, ta sẽ xoá nàng không để lại bất kỳ dấu vết nào. Quả nhiên chỉ đúng sau năm ngày tôi đã ngồi phắt được dậy, nhẹ nhõm người như thể cuộc tình năm năm qua chưa hề có, ra phố ăn một bữa thật ngon và trở về gom mọi thư từ, kỷ vật nàng tặng tôi thành một đống và trả lại tất cả cho ông thần lửa. Thế đấy, chỉ bằng một que diêm thôi, tôi đã hoá kiếp cho mối tình đầu sâu nặng sang thế giới bên kia.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét