Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

ĐỌC LẠI "DẠ KÝ" CỦA PHÙNG CUNG (1)

  NHÀ VĂN..."HỒI ẤY" (10)

       Đọc lại “Dạ ký” của Phùng Cung   (1)    
  


 Nhà thơ Phùng Cung sinh ngày 18 tháng 7 năm 1928 tại Vĩnh Yên,tham gia cách mạng từ năm 1945,tới 1954 về sống tại Hà Nội , năm 1961 bị bắt giam ,năm 1973 được phóng thích tuy vẫn bị quản thúc và theo dõi.Ra tù ông vẫn âm thầm làm thơ. Năm 1997, ông qua đời vì bạo bệnh. Ông được biết tới nhiều do truyện ngắn nổi tiếng “ Con ngựa già của chúa Trịnh” in trên báo Nhân văn số 1.Chỉ hai năm sau đợt tảo thanh văn nghệ sĩ   Nhân văn Giai- phẩm, ông đã viết “Dạ ký” – “ghi chép trong đêm” về những gương mặt con người trong trận “gió tanh  mưa máu” mới vừa đi qua.  
  Phải đặt bài viết vào thời điểm tháng 9 năm 1959,  thời đen tối nhất của văn nghệ sĩ miền bắc dưới sự “xử lý “vô cùng khắc nghiệt của các cơ quan “chức năng” mới thấy Phùng Cung khác xa các cây bút trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Ông đã dũng cảm biết bao, đã đi xa trước thời đại biết là chừng nào ?
Trước hết, vào tháng 9 năm 1959 – vào cái “thủa trời đất nổi cơn… văn học Diên An, cát chạy đá bay, ma kêu quỷ hét , người người sợ hãi, thì nhà thơ Phùng Cung sau trận đòn chí tử giáng xuống , vẫn chưa chịu chừa cái nết báng bổ, cả gan ví von “con đường cách mệnh” bằng hình ảnh mà cho tới tận bây giờ khối anh vẫn còn chưa dám nghĩ tới :
Tôi đang thong thả bước trên một đường phố - trước kia rải nhựa nay đầy những vết xe tăng để lại nham nhở. Tôi mất phương hướng, mất cả lập trường, lại không phải nhà quân sự nên không nhìn nhận rõ đây là dấu tích tàn phá của chiến tranh vệ quốc hay xâm lược. Tôi tiếc con đường nên nghĩ dông dài thô thiển: Tất cả chỉ là sự bày đặt, buôn bán máu xương của ma vương quỷ dữ!”
Hạ một câu như vậy về cuộc “kháng chiến thần thánh ” quả thực nhà văn Phùng Cung đã đi trước thời đại biết chừng nào !
Gương mặt “tiêu biểu” cho các “nhà văn bồi bút” được Phùng Cung đề cập tới, không ai khác, đọc dăm ba dòng là người ta thấy hiện ngay ra gốc gác Nguyễn Đình Thi :
“ Trước hết tôi lần nhớ dáng đi của anh ta, lon ton, lon ton - lối vận hành của quan hoạn - À! nhớ ra rồi! Kho nhớ của tôi về anh ta như ổ khoá mở đúng chìa; thậm chí tôi có thể biết cả sơ yếu lý lịch của anh ta - Con trai thứ của một viên chức loại thường ở thành phố cảng, nhà lại có cửa hàng cửa hiệu; học vấn đã qua tú tài, và đã qua vài năm trường luật - nhờ tham gia cách mạng từ thời Nhật thuộc - trình độ văn hoá - giữa lúc mà Bác mình đang kêu gọi diệt giặc dốt - thì anh ta thuộc loại có hạng. Bởi vậy anh ta được giao công tác "tuổi trẻ chức cao". “
Cứ theo như mô tả của Phùng Cung thì đúng là tác giả “ Xung kích” chứ không còn ai :
Hình hài xếp loại đẹp giai, trông rất đàn ông, da ngăm ngăm, mũi cao, mày rậm, mắt sáng, râu quai nón - lúc nào cũng cạo nhẵn - khi chưa kịp cạo, râu hơi lờm sởm càng đẹp vẻ mày râu. Anh ta được trên sủng ái; cái giọng nói to nhỏ từ miệng khuôn ra toàn đạo đức; mới nghe ngọt sớt nhưng ngẫm nghĩ thì nó lộ nguyên hình mỹ ký. Chả biết anh ta học ai mà nhuần nhuyễn bài bản mỹ ký đến thế; chẳng lẽ bẩm sinh? - Hẹp hòi, ích kỷ, thù vặt, đầy người - kể cũng được việc lắm!...”
Nhưng nói về “tài năng” thì đúng là căn cước của Nguyễn Đình Thi :
“ Văn, thơ, kịch cọt, nhạc nhiếc, triết trủng, anh ta tự hào "thập bát ban võ nghệ tinh thông!" Nhờ tài hoa ấy mà đời anh ta thông bén luồng lạch, ngóc ngách công tác cũng như riêng tư. Tôi được biết nhiều phụ nữ từ quan hệ công tác - môi trường tạo gần gụi, nguỵ trang - chị em phái yếu nhà mình không ít nhẹ dạ, nhẹ như xăng - như thùng xăng. Anh ta rất nhạy bén đánh hơi khi thùng xăng hở nút, hoặc rò rỉ, quẹt diêm đúng lúc - Dẫu đội quân cứu hoả nhà trời cũng đừng hòng tắt ngay được! Hậu quả chị em đã bị anh ta làm cho khốn khổ; chị em đã có chồng con không xiêu nhà nát cửa, cũng mang hận suốt đời! Kiêng nể cách mạng nên phụ nữ không dám lên án anh ta là tên "Sở Khanh cách mạng" mà chỉ nhổ hơi nặng bãi nước bọt! Anh em trong ngành văn nghệ đã phong tặng anh ta danh hiệu "con chó dái đầu bảng!"
Bản chất cơ hội của ông quan văn này được tác giả nhìn thấu qua vụ “đánh” anh em Nhân Văn – Giai Phẩm và được khắc hoạ :
“ Con người như thế phải là như thế. Khi vợ anh ta bị bệnh lao phổi, chết tại Việt Bắc, biến đau thương thành hành động; anh ta lao vào công tác vừa phần rảnh chân kiếm bạn đời, rảnh cảng lông nhông. Chẳng hay, cấp trên trực tiếp, gián tiếp có biết đầy đủ về con người anh ta không? - Sáng suốt nhường ấy thì chắc chắn phải biết. Có phải vì văn thơ kịch cọt của anh ta hợp khẩu vị - mà trên làm ngơ, hoặc đang có tác dụng này nọ; cân nhắc thấy những "nhược điểm nhỏ" của anh ta không ảnh hưởng gì đến nền đạo đức cách mạng, chỉ là cá tính vô hại. - Anh ta cũng đã mấy lần lầm lữa - giở quẻ - hợm mình - nâng giá, lên voi xuống chó, những lúc ấy trông anh ta thiểu não, ai cũng động lòng - người trong ngành nhận định chỉ là sự "giơ cao đánh khẽ" để vào khuôn phép, kỷ cương!”
Nhưng về đường hoạn lộ thì thênh thang ung dung “ta bước” “
“ Nhận định như vậy hình như đúng - Trên đường hoạn lộ anh ta vẫn được đàn anh dấm dúi thập toàn đại bổ. "Nhược điểm nhỏ" anh ta cũng có phải trả giá - giá chợ chiều. Tóm lại đâu vẫn hoàn đấy; vẫn lông nhông leo thang; công tác vẫn ngon lành. Thế mới biết con người ta đều có số phận cả! “
Nguyễn Đình Thi được Phùng Cung xếp vào loại “tứ bất tử” – tức bốn văn thi sĩ được chế độ bảo kê . Ngoài ông Thi ra còn lại ba ông kia là ai ? Liệu có phải Chế Lan Viên – Huy Cận-  Lưu Trong Lư hay  ông quan văn nào trong triều ?
“ Biết rõ anh ta là ai rồi nhưng tôi vẫn thắc mắc về sự ẩn hiện của anh. Theo truyền ngôn, nước ta chỉ có "Tứ bất tử", các vị này đều dày công tu luyện đạo gì, đạo gì đó. Vậy chẳng lẽ anh ta đã bổ sung vào hàng ngũ đó sao? Chẳng lẽ học thuyết Mác Lê Nin cũng là đạo sao? Vô thần cơ mà! - Ừ thì cứ cho là đạo vô thần đi - Đạo vô thần mà lại lắm phép lạ đến thế thì khiếp thật! Và đương nhiên anh ta phải là bực chân tu chính đạo! Tôi tự thấy mình hoá thành kẻ đa sự nên vội trụt ý nghĩ lại. Từ lúc trong đầu bận tập trung suy nghĩ về anh ta, quen chân, đều bước cũng chẳng biết mình đã đi bao xa và đi đến đâu. Chỉ thấy chân mỏi nhừ, khát nước bỏng cổ họng. Tôi trở lại cái thói quen thiển cận, những điều gì không tự giải đáp nổi cho quên béng đi, là thượng sách “
Sau ông nhà văn Nguyễn Đình Thi, Phùng Cung điểm tới “nhà thơ già thiểu số” không biết có phải Bàn Tài Đoàn tác giả bài thơ “Muối cụ Hồ” chăng  :
“Tôi vừa đi vừa nghĩ bỗng cơn mưa ập đến, nghe tiếng mưa rào rào, tôi nhìn xa gần để tìm nơi trú. Nhưng lạ thay, mưa mà quần áo tôi không ướt. Mới ở chùa ra, có lẽ mưa tưởng tôi là người nhà Phật, hay ít cũng vương mùi Phật nên kiêng nể chăng? Lại thình lình một mũi giày đá vào mông tôi. Đá khá mạnh nhưng không đau. Tôi lại giật mình quay lại. Chẳng phải ai xa lạ, ông bạn cao tuổi, nhà thơ giả thiểu số - Tôi hơi bất bằng cái lối mở đầu sự gặp gỡ kiểu này, nhưng không tiện tỏ thái độ, chưa hẳn sợ anh mà là ngại anh thì đúng hơn. Anh đá tôi bằng giày vải quân đội nước bạn Trung Hoa viện trợ - Trong giày nó có sức điều tiết lúc êm, lúc đau - phát đá hữu nghị giao hảo thì nghe êm; ngược lại thì gấp ngàn vạn lần giày săng đá của lính Lê dương.”
Lúc này cơn “kiểm điểm” đấu tranh ở ấp Thái Hà về vụ Nhân Văn- Giai Phẩm vừa mới qua đi, nhưng ấn tượng vẫn còn nóng bỏng, bởi vậy ông nhà thơ hỏi liền :
“ Anh hất hàm hỏi tôi: "Đã thật thành khẩn chưa?" .Tôi chưa kịp trả lời mà nghĩ nhanh: sao anh ta lại hỏi đột ngột thế nhỉ? Anh ta có ở trong đầu mình đâu mà biết được bản tự thuật lúc nãy mình chỉ mới nghĩ, chứ có viết hoặc nói ra đâu. Lạ thật! Chẳng lẽ tiếng lịch kịch khi tôi nghe thấy lúc còn đứng ở thềm đại bái lại là tiếng do anh ta tạo nên. Có lẽ anh ta nấp đâu ở trong chùa mà tôi không biết. Cái khoa "Phật vận" của anh làm tôi phục anh sát đất. Cũng có thể do anh ta quen lấy tiếng chó làm chuẩn để cân đong đánh giá sự gian ngay chăng? - Như người bị bắt quả tang, tôi cứ ngớ ra: Chút bình tĩnh dần dần được hồi phục, vì mình không khuất tất, không trộm cắp gì. Vả lại nhà tôi cũng có nuôi chó. Người lạ đến nhà là nó sủa; bất kể là ai. Nhiều con khôn còn biết sủa lập công phò chủ. Tôi ít nhiều bị chúng hiểu lầm nhưng chẳng đáng để ý. Anh nhà thơ lên mặt giáo dục tôi: "Chưa được thành khẩn, phải đào sâu suy nghĩ, còn phải, bộc lộ!..." Tôi nghĩ đây đâu phải là đang cuộc chỉnh huấn. Nếu là chỉnh huấn tôi cũng chẳng tiếc gì vài cái gãi đầu đấm ngực, lên án mình - dù thật hay vờ miễn học uỷ gật đầu chấp nhận... Anh nhà thơ lại hạ giọng: "Cũng tạm được, cũng đã có ít nhiều chuyển biến!...". Nói xong anh quay đi, đi rảo bước cho kịp một người bạn đồng hành của anh. …”
Nhưng định thần nhìn lại, tác giả giật mình vì trong tay ông bạn “nhà thơ già thiểu số” có cầm một cây côn chứ không phải cây bút, chắc là dùng để “uýnh nhau” :
“Quái lạ! Anh nhà thơ, lúc nãy tôi có thấy anh ta cầm cái gì đâu. Bây giờ lại thấy tay phải cầm ngang một chiếc côn gỗ đầu đen, đầu đỏ - Nếu là côn đầu trắng đầu đỏ thì tôi đã biết nó là côn công sai - côn thuỷ hoả! Nhưng loại côn này thì tôi chịu.”
Thế còn người cùng đi với ông nhà thơ là ai ?


            (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét