Hà nội…hồi ấy (1)
1.
Không hiểu chấn động thần kinh cỡ nào có thể làm điên một người, riêng người yêu của tôi, chỉ sau đúng một đêm đã biến thành người khác,vâng, hoàn toàn khác, đến độ gặp lại, nàng chỉ giương mắt như thể tôi là người ngoại quốc.
Lúc đó, thay vì lo lắng, thương xót, tôi lại cũng trố mắt ngắm nhìn vẻ đẹp bất ngờ của nàng; mặt bừng lên thứ ánh sáng thần thoại, toàn thân trong vắt và thanh khiết trong bộ quần áo bạc phếch, vá víu như cô Lọ Lem sau đêm vũ hội trở về với cái cán chổi thường ngày, và còn đôi mắt, trời ơi, tôi chẳng còn đầu óc đâu diễn tả được, cứ mặc hồn vía bị hút sâu vào đó.
Thế rồi chừng đã sốt ruột vì thái độ ngớ ngẩn của tôi, bà Đ., mẹ của nàng chép miệng:
- Cũng tại anh cả thôi, ai lại đưa em đi chơi nửa đêm nửa hôm mới về làm ông ấy nổi điên đánh cho một trận ầm ĩ cả nhà.
Tôi điếng người, hoá ra là thế, nếu tối qua tan chiếu bóng tôi đưa thẳng nàng về, đừng có dùng dằng rủ rê đi chơi bờ sông thì đâu đến nỗi. Cũng tại ông trăng tròn quá lừng lững mãi trên cao, rót xuống biết bao bụi vàng khiến tôi cứ tưởng thế gian này có mỗi hai đứa tôi bên sông vắng vẻ, còn nàng cứ rúc mãi đầu vào ngực tôi ríu rít:
- Ôi, em sung sướng quá, sung sướng quá, ước gì mình cứ được ngồi mãi thế này…
Tưởng tượng của tôi còn đi xa hơn, tôi ước có một con tàu vũ trụ từ mãi bên kia thế giới hạ xuống đón hai đứa tôi bay lên, bay mãi tới một hành tinh khác, một nhân loại khác, văn minh khác, ở đó con người chẳng lo lắng gì còn mỗi việc hưởng sao cho hết mọi thú vui của đời người .
Có tiếng cú rúc trong lùm cây, nàng đẩy tôi ra, thở dài:
- Liệu có xã hội nào như thế không ?
- Có chớ, nhất định phải có chớ…
Tôi hoắng lên, cố vẽ ra một thiên đường ở tít mãi trên cao, chỉ tới được bằng con tàu vũ trụ cũng không sao xoá được cho nàng nỗi lo bị mắng mỏ về tội đi khuya. Hoá ra linh cảm của nàng khá nhạy, dường như nàng đã nhìn thấy thanh củi tạ lăm lăm trong tay ông bố lúc này hẳn bắc ghế ngồi cổng chờ “ cái con đĩ rạc” kia về, tuốt xác nó ra.
Tôi rúm cả người như chính mình bị đòn, quay sang bà Đ hỏi xem ông nhà đã đánh con gái bằng cái gì, đánh như thế nào, vào những đâu, liệu phải đưa đi cấp cứu ? Bà lắc đầu, xua tay rối rít :
- Khỏi, khỏi, ông ấy đánh có hai cái bạt tai thôi, chắc nó phẫn quá, giả điếc, giả câm, cứ để ngủ một giấc đến chiều là lại đâu vào đấy. Anh ra phòng ngoài uống nước, tôi buông màn cho em nó nằm.
Tôi ngoái lại, cố tìm ánh mắt nàng, nhưng không, nàng đã lẳng lặng nằm xuống, gương mặt thanh thản như nàng công chúa ngủ trong rừng. Ngoài phòng khách. ông Đ. đi đâu về, co cả hai chân lên ghế, chúi đầu vào tờ báo Nhân Dân nên không thấy tôi rón rén từ phòng con gái ông bước ra, sẽ sàng ngồi nhón xuống ghế đặt xa ông. Tôi lo đắng cả miệng, thế nào ông cũng trút bão lửa xuống đầu vì tôi rủ rê con gái ông đi chơi đêm. Danh phận tôi trong gia đình ông chưa có gì rõ ràng, con rể chả phải, người yêu đã thưa gửi cũng chưa, khó nói quá, tôi đành ghé mắt nhìn ra cửa, định bụng sẽ phóng ngay ra nếu ông giở võ tay chân. Thế rồi ông hất tờ báo, đập tay xuống bàn, trừng mắt :
- Tôi nói cho các anh biết, tôi vào Đảng từ cái thời các anh còn mặc quần thủng đít kia,các anh đừng có mà láo.
Ông Đ. nổi cáu như thể tôi là phần tử phản động đe doạ những tín điều đã thành máu thành thịt của ông. Cũng may, ông say sưa chuyện đó quá, dường như quên béng cái tội tày đình của tôi, bởi thế tôi càng phụ hoạ, khích cho ông nói nữa. Bất chợt từ dưới bếp có tiếng bà Đ. tru tréo:
- Ối giời ơi, nước mắm ở đâu đổ lênh láng cả ra thế kia, có phải sáng nay ông lấy rang cơm rồi quên không đậy nút không, vén tay áo xô đốt nhà táng thế này thì mai kia có bốc đất mà ăn, giời ạ…
Ông Đ. dừng phắt như cái máy cátxét bị cúp điện, mặt ông tái sầm, thoắt lại đỏ ửng, ông quát xuống bếp :
- Bà đừng có mà chụp mũ nhá, hỏi rằng tôi quên không đậy nút thì chai nước mắm vẫn cứ đứng đấy, cớ gì nó phải đổ ?
- Thì chỉ có ông lọ mọ trong bếp chứ còn ai ?
Ôi chao, ngồi lại cũng dở, về cũng chẳng xong, tôi chỉ muốn lẻn vào phòng, ngắm nhìn dung nhan kỳ diệu của nàng do cơn bệnh bí hiểm mang tới. Rất có thể hai cái bạt tai của ông bố đã làm xáo trộn trí nhớ và chỉ sau một giấc ngủ dài nàng lại hồi phục, lại nhận ra tôi, lại nói năng những lời âu yếm như tối hôm qua. Tôi yên tâm hẳn và nhân lúc ông bà Đ. mải đấu nhau bằng cơn lốc ngôn từ, tôi bước giật lùi và phóng ra ngoài phố.
Vừa ló đầu vào phòng làm việc, chiếc đồng hồ treo tường to tướng đã chỉ đúng 10 giờ, tôi nhón chân đi qua dãy bàn làm việc thưa thớt người. Không may, đúng lúc tôi diễu qua bàn ông trưởng phòng, ông ngẩng lên khỏi chồng sách dày, hách dịch:
- Cậu đi đâu giờ mới tới ?
- Báo cáo anh, tôi ra thư viện.
Tôi lẻn nhanh về bàn kê mãi trong góc, xung quanh ngổn ngang những chồng phiếu sách dày cộp, hàng ngày phải viết tóm tắt nội dung từng cuốn vào từng tờ nhằm phục vụ các kỹ sư, phó tiến sĩ trong viện tới tra cứu. Nhưng hỡi ôi, chồng phiếu của tôi đã dầy cả thước mà cấm thấy ai hỏi tới , dường như các quý vị đó chẳng cần tới sách mà vẫn cứ nghiên cứu khoa học được. Ngay ông trưởng phòng tôi cũng vậy, ông đang nghiên cứu về đề tài cấp quốc gia về “tự động hoá tìm tin” mà nếu ông chịu khó ghé mắt qua chồng phiếu của tôi hẳn ông đã biết rằng đề tài đó thế giới người ta đã giải quyết từ tám đời, vậy nhưng thường ngày ông vẫn chỉ đặt cho tôi những câu hỏi muôn thủa: “dưới căn tin đã có bia chưa?”hoặc “cậu đi đâu giờ mới tới?” … Ông hỏi cho có lệ vậy thôi, ông thừa biết tôi có tới sớm từ đầu giờ cũng chẳng làm lợi thêm cho nhà nước tý gì, ngay cả ông nữa, cả các quý vị kỹ sư, phó tiến sĩ, Viện trưởng, dẫu tất cả có nghỉ hết ở nhà đỡ đần cơm nước cho vợ thì xã hội cũng chẳng thiệt gì, bởi vì trong ngót hai chục năm kể từ khi thành lập, Viện nghiên cứu khoa học của tôi cho ra lò rặt những đề tài chỉ có tác dụng làm chật thêm kho lưu trữ. Tuy nhiên khỏi nói ai cũng biết, lương các quý vị vẫn lên vù vù, năm nào cũng hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch, ông Viện trưởng còn được thưởng huân chương nữa kia. Trong cái guồng máy quanh năm chạy “không tải” như vậy, tôi chỉ là con ốc nhỏ quay đều theo các bánh răng, tháng tháng đều hai kỳ lương vừa đủ cầm trịch một mức sống không chết đói. Ấy thế mà không ai dám xin thôi việc để tìm tới những chỗ béo bở hơn, cách mạng phân công mà, ông Bí thư Đảng uỷ vẫn nói như thế.
Riêng sáng nay tôi không thể yên dạ ngồi chờ cho trôi hết giờ làm việc, ông trưởng phòng vừa ra ngoài là tôi vồ ngay máy điện thoại gọi gấp cho thằng bạn làm ở bệnh viện Việt Đức. Hắn trả lời rằng cô bạn của tôi dù có là tiên đi nữa vẫn cứ phải tới y tế phường, phường chuyển lên quận, quận chuyển lên thành phố, cuối cùng mới tới được chỗ hắn, bệnh viện trung ương và hắn gọi như thế là “đúng tuyến”…
- Vứt mẹ cái tuyến của cậu đi, tôi quát lên trong máy, chiều nay tớ tới chở cậu đến tận nhà thăm bệnh cho nàng.
Tôi cúp máy ngay không cho hắn kịp từ chối. Tôi thoáng thấy đôi mắt đờ đẫn của hắn ngớ ra sau cặp kính, chiếc máy điện thoại pip pip trong tay. Thây kệ, thể nào hắn cũng dẹp được mọi thứ họp hành, trực ca, vợ sai việc… để đi cùng tôi tới nhà nàng vì hắn biết rằng nhất định tôi sẽ đãi hắn một chầu rượu quốc lủi quán bà Dậu, ở đó hắn đã ghi sổ nợ ít nhất bằng ba tháng lương. Ôi ông bạn bác sĩ của tôi quả thực là người có tài, ông có thể biến mọi thứ thành rượu hết, từ những vỉ thuốc trụ sinh quý hiếm đến những tờ giấy nghỉ ốm cấp cho cán bộ công nhân viên dùng giờ nhà nước chạy ngoài. Quả nhiên khi tôi ghé xe đạp trước cửa nhà hắn vào lúc chiều, vợ hắn đã từ trong nhà chạy ra te tái :
- Anh Trịnh chờ anh cả tiếng, anh ấy hẹn anh ra quán bà Dậu.
Quán bà Dậu hay còn gọi là “quán nghệ sĩ”, vốn là cái phòng xép đục cửa hậu ra phố, lúc nào cũng mù mịt khói thuốc, người ngồi san sát trên các ghế gỗ thấp tè. Khách thường là dăm cô cậu sinh viên cúp cua, vài ba dịch giả, hoạ sĩ, nhà thơ chân đất mang nặng mặc cảm thiên tài trong bóng tối, tóm lại, một hình ảnh thu nhỏ của giới trí thức Hà Nội tiêu sầu và tiêu thời gian bên chén rượu, đĩa lạc rang trong không khí im lìm đến quánh đặc của buổi chiều thu. Trịnh, anh bạn bác sĩ của tôi ngồi mãi trong góc, cặp kính trễ xuống mũi :
- Mới có ba chén thôi, cậu mang đủ tiền chứ ?
Tôi vỗ vỗ túi :
- Yên trí, nhưng uống vừa vừa thôi còn khám bệnh cho nàng của tớ chứ.
Trịnh cười ha hả :
- Vậy tốt rồi, con mẹ Dậu nhất định không cho “cắm” thêm một chén nào nữa, đã thế cả mấy tháng nay cấm thấy mẹ sổ mũi, hắt xì hơi, đến cả răng cũng không đau. Thế mới chết, chẳng bù cho năm ngoái, cứ một viên ampi là được một chén đầy…
Vừa lúc ấy một nhà thơ trẻ râu tóc bù xù ngồi bàn bên chợt quát lên:
- Thiếu lửa, tất cả chúng ta đều thiếu lửa các quý vị ạ…
Trịnh đặt đốp cái ly xuống bàn, quay sang góp chuyện :
- Có củi đếch đâu mà cần tới lửa, đđ…úng thế không?
Tôi vội nhảy bổ vào giữa can cả đôi và chật vật lắm mới lôi được Trịnh ra khỏi quán, đẩy lên ngồi sau xe đạp. Rõ khổ cái thân tôi, chở ông thầy thuốc say bí tỉ này tới thăm bệnh cho con gái chẳng hiểu ông bà Đ. có tống cổ hai đứa tôi ra đường không. Rất may, vừa phanh xe trước cửa nhà, Trinh đã choàng dậy sau giấc ngủ tựa vào lưng tôi:
- Tới rồi hả? Bệnh nhân đâu?
Tôi phì cười:
- Có cần làm cốc nước chanh dã rượu không?
Trịnh trợn mắt :
- Cậu điên hả? Dã rượu chả hoá ra mất toi tiền cho con mẹ Dậu? Cứ vào đi, càng say, chẩn bệnh càng chính xác.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét