Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

HÀ NỘI...HỒI ẤY (6)


                             Hà nội…hồi ấy (6)

                            (tiếp theo)




Chẳng hạn có lần vào buổi tối tôi đang ngồi với nàng, chợt có tiếng gõ cửa khẩn cấp. Ai thế? Không lẽ nàng Cẩm Lai xé rào cấm cản của Ngài tới tìm tôi ? Hay ông cảnh sát khu vực đi kiểm tra hộ khẩu ? Tôi cau mặt đứng dậy, lạch sạch mở chốt cửa. Ối trời, hóa ra gã móc trộm cứt dắt xe đạp đứng lù lù với hai cái sọt hôi thối của gã.
- Em lạy anh, em đang bị bọn công ty vệ sinh nó đuổi, anh làm ơn làm phúc cho em gửi hai cái sọt.
Giá như có mình tôi trong phòng, giá như gã đứng phá đám giây phút  êm đềm được ngồi bên cạnh nàng, tôi sẵn sàng cho gã lẫn hai cái sọt xuống gậm giường. Đằng này… không, tôi không thể để nàng tiên của tôi phải hít thở cái uế khí đó được, tôi đẩy gã ra quát to :
- Ra ngay, ra ngay không tôi gọi cảnh sát… 
Mặt gã co rúm lại, hoảng hốt :
- Lạy anh, anh cứu em, bọn nó bắt được, sáng mai em lấy tiền đâu đong gạo cho vợ con…
   Nàng đã tới sau tôi từ lúc nào, giận dữ đẩy tôi sang bên và nhanh nhẹn giúp gã tháo hai cái sọt buộc vào xe lễ mễ xách vào nhà. Khi gã ăn trộm đã mất hút đầu phố, cánh cửa phòng đã đóng lại , tôi quay trở và kêu nàng :
- Em tiếp tay cho bọn tội phạm trốn tránh nhà chức trách.
Nàng nắm lấy tay tôi, thì thào :
- Em chỉ lo anh ta chạy không kịp.
Vẻ bối rối sợ sệt của nàng làm tôi thắt tim. Thế đấy, cái thói thờ ơ với hoạn nạn của kẻ khác đã chui luồn vào trong tôi từ bao giờ vậy ? Nàng đứng đó như hình ảnh con người thuần khiết chưa bị nhiễm độc như tôi. Tôi cúi xuống, hôn lên đôi tay nàng, lắp bắp :
- Anh xin lỗi… anh không muốn lôi kéo em vào bất cứ một thứ rắc rối nào.
   Nàng thưởng tôi một cái hôn lên má :
- Em biết, em biết… nhưng em sợ sáng mai vợ con anh ta đói nếu tối nay anh ta bị bắt.
Tuy nhiên người phải trả giá cho lòng tốt ấy của nàng lại là tôi. Qủa thực, từ sau lúc nàng ra về, hai cái sọt của tên trộm cứt ấy ra sức bày tỏ sự có mặt của chúng bằng mùi thối mỗi lúc dầy đặc trong căn phòng hẹp của tôi. Tôi cứ sốt ruột ra ra vào vào, vểnh tai lên chờ đợi tiếng gõ cửa của gã để mau mau tống khứ cái của quý ấy đi. Hỡi ôi, càng chờ đợi, gã càng mất hút như thể gã chưa hề có mặt trên cõi đời. Thôi chết, không khéo tôi mắc hỡm rồi, chẳng có công ty vệ sinh nào đuổi gã, cũng chẳng có vụ bắt bớ nào đe dọa xuất gạo của vợ con gã, chắc hẳn gã chơi xỏ bắt tôi phải hít thở hai cái sọt của quý hàng đêm tôi vẫn nhìn bằng con mắt kinh tởm, không khéo trong lúc tôi điên lên, bịt mũi chờ đợi biết đâu gã chẳng đang nằm ở nhà ôm vợ ngủ khì khì.
Nỗi giận một lúc bốc cao trong những suy luận làm tôi bực lây sang cả nàng. Phải rồi, có khi lòng vị tha chỉ còn là một thứ xa xỉ mà đôi khi mình mang vạ vì nó. Nếu rơi vào trường hợp tôi, chắc hẳn ông Trưởng phòng, ông Viện trưởng và chính cả Ngài, ông bố vợ hụt của tôi, sẽ đề cao con người công dân trong từng mỗi quý vị để không những không cho gã ăn trộm gửi hai cái sọt mà còn giúp nhà chức trách tóm cổ tên khốn kiếp ấy nữa kia. Ấy đấy, như thế mới gọi là có tinh thần làm chủ chớ.
  Tinh thần “làm chủ” mỗi lúc bốc cao trong tôi, tới mức mãi gần sáng, khi gã ăn trộm vừa thò cổ tới, lập tức tôi túm ngực áo dọa đưa gã ra công an.
- Lạy anh tha cho em, em bị bọn nó giữ lại xét hỏi lâu quá, may gửi anh được hai cái sọt, không tóm được bằng cớ mãi giờ bọn nó mới thả cho đi.
   Lập tức nàng có mặt trong tôi để buông ngực áo gã ra, giúp gã mắc hai cái sọt lên xe và lại còn cất giọng an ủi :      
- Thôi được, anh tranh thủ đi không trời sáng tới nơi, mai lại không có tiền đong gạo cho vợ con.
Gã rối rít cám ơn, hòan toàn không hiểu được lẽ ra gã phải ơn nàng. Từ lúc đó mỗi khi có việc gì xảy tới, tôi thường mượn cái mẫu con người nguyên sơ chưa tha hóa của nàng ra để xử sự. Một hôm ông Trưởng phòng chợt cao hứng muốn ăn đậu phụ chấm mắm tôm mới nhờ tôi cầm sổ xã viên của ông xuống cửa hàng hợp tác xã trong cơ quan xếp hàng mua giúp ông. Từ lâu rồi, câu chuyện tôi sắp làm rể nhà Ngài đã trở thành chuyện tiếu lâm đời mới trong các bữa bia hơi,bởi vậy ông Trưởng phòng cũng quên luôn lời hứa lên ba bậc lương, cứ như tong đầu ông chưa hề có chuyện đó, và bởi vậy ông mới tự nhiên “nhờ cậy” tôi như người nhà vậy. Không may bữa đó chắc ai cũng thèm ăn đậu chấm mắm tôm như ông Trưởng phòng nên mơi xếp hàng thành một dây dài đến thế. Tôi ngại quá , nhưng còn cách nào khác một khi ta muốn hoàn thành nhiệm vụ với thủ trưởng và nghe nói ngay tới nhà thơ Chế Lan Viên nổi tiếng cũng đã làm cả một bài thơ ca ngợi xếp hàng nữa kìa. Tôi tự an ủi và kiên nhẫn đứng vào đội ngũ, nhích dần nhích dần  tới bàn bán đậu phụ. Mãi hơn một giờ sau, áo quần đẫm mồ hôi, tôi mới lần được tới nơi và chao ôi thật đúng là trúng xổ số, tới lượt tôi mua nữa là vừa hết nhẵn đậu phụ. Tôi sung sướng trao sổ, trao tiền cho cô bán hàng, mở sẵn  miệng túi để cô quẳng vào đó những miếng đậu trắng ngần, bỗng bà gìà đứng sau tôi kéo tay áo vật nài :
- Cậu ơi, cậu giúp tôi, nhường tôi mua, đến chiều người ta lại bán nữa cậu mua cũng được, trưa nay không có đậu, con gái tôi đi làm về thế nào cũng trách móc, cằn nhằn.
Rõ cái bà già rắc rối, a,… không nhé, con gái có cằn nhằn chẳng qua cũng là chuyện trong nhà, còn tôi cầm sổ cầm tiền về làm thủ trưởng buồn lòng thì mới đáng lo. Tôi sắp sửa quay đi bổng nàng hiện ra trong tôi, cất vọng vui vẻ :
- Tội nghiệp bà, cháu nhường bà mua đấy. Cô làm ơn cho tôi xin lại sổ và tiền vậy.
Cô bán hàng trố mắt nhìn và từ cái miệng xinh xinh thốt lên :
- Hâm, làm mất cả thì giờ của người ta .
Tôi ba chân bốn cẳng chạy về phòng, ấy thế mà tin đồn còn về nhanh hơn cả tôi, vừa nhác thấy cái túi vải vo tròn trong tay tôi, ông Trưởng phòng đã sầm mặt :
- Không mua được hả ? Xếp hàng mất cả buổi lại còn “sĩ”, nhường cho người khác ? Cậu hại tôi rồi, trưa nay ăn cơm nước mắm hả ?
Khổ chưa, cái giá của lòng vị tha là như thế này đây, tôi đánh bạo :
- Báo cáo thủ trưởng lẽ ra tôi đã mua được nhưng người xếp hàng ngay sau tôi lại là một bà già…
- Biết rồi, biết rồi, cậu đã nhường cho bà ta mua chứ gì ? Cậu làm vậy tức là tiếp tay cho con phe biết chưa ? Cậu góp phần làm rối loạn thị trường biết chưa ?
Tôi co rúm cả người :
- Dạ không ạ. Cái bà già này không phải là con phe ạ.
- Sao cậu biết, làm sao cậu phân biệt được ?
- Là vì cái bà già này là mẹ vợ đồng chí Thường vụ Đảng uỷ ạ.
Ông Trưởng phòng nhổm phắt người như ong đốt đít :
- Cái gì ? Cậu nói cái gì ? Mẹ vợ đồng chí Thường vụ hả ? Trời ơi, vậy mà cậu không nói ngay. Tốt, cậu làm vậy là rất tốt. “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Phải có tinh thần hữu ái giai cấp chứ…
       (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét