TƯỢNG ĐÀI THAM NHŨNG (2)
LANG THANG ĐIỆN BIÊN (2)
(tiếp theo )
Anh nằm đâu ?
Hầm Đờ Cát – so với phim ảnh chẳng có gì khác. Chật hẹp và sơ sài so với tưởng tưởng.Quay về khach sạn thôi.
Bà chủ ngồi ở phòng khách , dáng dấp bà phán, chít khăn nhung, áo lụa mỡ gã, quần nhiễu.
“ Thưa bà…ngày xưa …bà hẳn là con gái hàng Bạc ? ”
“ Không …tôi hàng Buồm , gần restaurant Siêu Nhiên …”
Ngay sau ngày “Đảng,chính phủ về tiếp quản Hà Nội” bà đã lặn lội lên tận đây. Thật không hiểu sao “cành vàng lá ngọc “ Hà Thành lại lưu lạc lên tận nơi sơn cùng thuỷ tận này.
“ Hồi đó đi từ Hà Nội lên Hoà Bình đã là một chặng đường khổ ải. Phải nằm chờ nhà trọ suốt một ngày mới xin nhờ xe lên Suối Rút…”
Đường số 6 ngày xưa phải qua hai con phà Suối Rút , Chợ Bờ, nay đã nằm dưới đáy sông. Để xây dựng thuỷ điện Hoà Bình, con đường đã phải vòng lên đèo Thông Khe tránh cắt hai lần con sông Đà hung dữ.
“ Thưa bà, năm 54, cách mạng về Hà Nội , có phải tất cả tiểu thư khuê các đều phải đi lao động Tây Bắc ?”
Bà chủ khách sạn lắc đầu. Đôi mắt đã rất nhiều chân chim thoáng một vẻ âu sầu.
“ Từ Suối Rút lên Mộc Châu đường sạt lở sau những trận mưa rừng , ô tô phải nằm lại, tôi đành đi bộ từng chặng ..từng chăng : cây số 24, cây số 37, cây số 46, Sầm Lồm, Mộc Châu. Hồi đó hai bên đường chẳng có nhà cửa gì đâu. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu.Tôi khoác tay nải đi theo đám con buôn chở đồ tạp hoá lên Tây Bắc…”
“ Nếu không bị bó buộc, vì sao bà phải lặn lội lên nơi sơn lam chướng khí vậy ?”
Bà chủ khách sạn đưa mắt nhìn lên rặng núi mờ xa. Hình như bà đang nhớ lại cái thời trèo đèo lội suối gian khổ đó.
Từ Sơn La, Thuận Châu bắt đầu trèo dốc đèo Pha Đin. Bà nói hồi đó hổ còn nấp trong các đồi tranh dọc đường, khách bộ hành muốn phòng thân thường kéo theo một cây nứa lệt xệt đi trên đường. Cái giống hổ không hiểu sao rất kỵ nứa. Đường dốc đứng suốt mấy chục kilomét. Lên tới đỉnh đèo nhìn xuống vẫn thấy con đường uốn lượn như con trăn nằm vắt ngang sườn núi.
“ Đêm đó tôi ngủ lại cái lán độc nhất của cung giao thông trên đỉnh đèo. Nửa đêm nghe tiếng lao xao í ới gọi nhau . Hoá ra lúc ban ngày đàn bò của nông trường quân đội đi ngang qua có con chết bệnh phải chôn. Bộ đội đánh đàn bò đi rồi, anh em hạt giao thông mới hò nhau đào mộ bò lên … đánh chén. Thèm thịt quá mà…”
“Vậy bà có dám ăn món xác bò đó không ?”
“ Không không…gớm chết đi ai dám ăn…với cả sợ đổ bệnh dọc đường…”
Đổ đèo Pha Đin xuống hết dốc tới Tuần Giáo. Ngày đó công trường 136 còn đang mở đường đi Tây Bắc. Nằm ở Tuần Giáo ba ngày, không xin được xe, bà đành cuốc bộ vào Điện Biên. Thật không hiểu nổi vì sao một tiểu thư Hà Nội dám một thân một mình lặn lội lên tận Điện Biên vượt cả con đường thiên lý đày gian truân khổ ải mà ngay thanh niên cũng ngại không dám đi.
“ Thưa bà, vậy chắc bà đi trốn cải tạo tư sản vào năm mới hoà bình lập lại ?”.
“ Không…Hồi đó tôi đang học trường Sainte Marie, nữ trung học Pháp ở phố Hai Bà Trưng Hà Nội. Gia đình tôi không phải tư sản, không phải địa chủ, cũng không có nợ máu với cách mạng, tóm lại tôi không thuộc thành phần phải rời Hà Nội đi lao động cải tạo…”.
Trí tò mò của tôi mỗi lúc một căng lên như giây đàn. Tôi sốt ruột :
“ vậy thưa bà…vì sao bà phải bỏ đất Thánh lặn lội lên tận đây…”
Người đàn bà thoáng một nét con gái Hà Nội 54 trên gương mặt đã có nhiều bếp nhăn.
“ Tôi đi tìm…tôi đi tìm một người …”
“ Tìm một người – tôi kêu lên . Sao người đó không về Hà Nội tìm bà…”
“ Không không…người đó không còn nữa. Tôi đi tìm xác người đó thì đúng hơn…”
Tôi buột miệng :
“ Xác người đó ? Chắc một anh bộ đội trung đoàn thủ đô tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ?”
Người đàn bà đỏ bừng mặt, thảng thốt lắc đầu :
“ Không …không phải bộ đội trung đoàn thủ đô…anh Francoís là thiếu uý quân nhảy dù Pháp…”
Tôi kêu lên :
“ Chính vì xác người đó mà bà phải lặn lội lên tận đây…”
Người đàn bà không trả lời chỉ giương cặp mắt mờ đục lên nhìn tôi như ngỡ ngàng . Tôi vội lắp bắp :
“ Tôi xin lỗi…tôi xin lỗi đã hỏi như vậy ….Thế rồi, thưa bà..bà có tìm ra anh ấy không ?”
Người đàn bà lắc đầu. Có tiếng chuông điện thoại trong quầy tiếp tân. Cô gái nhắc điện thoại và ra dấu cho bà chủ vào nghe.
Tôi bước ra khỏi khách sạn và độp vào mắt là bức phù điêu rất lớn khắc hoạ hình anh bộ đội đang phất cờ trên nóc hầm De Castrie.
Chẳng hiểu sao tôi nghe như có tiếng gọi của một người con gái :
“ Anh Francois…anh nằm ở đâu ?”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét