Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

HÀNỘI...HỒI ẤY (8)

Hà nội…hồi ấy (8)

                 (tiếp theo)




Tôi giật mình, sao ông lại bảo tôi “chui ra, chui vào”, bộ ông cho tôi là con dế, con bọ hung chắc, tôi xích lại sát bên ông, trừng mắt :
- Ông có ngửi thấy mùi gì không ?
Ông chun mũi, hít hít :
- Ừ… ừ… thoang thoảng có mùi chuồng chồ. A thôi phải rồi, cậu đóng cái cửa sổ kia lại là hết ngay ấy mà.
Tôi đứng dậy đóng cửa và lại tới ngồi sát bên ông :
- Ông còn ngửi thấy nữa không ?
Ông lại hít hít, ra vẻ ngẫm nghĩ rồi gật gù :
- Bớt nhiều, nhưng ngửi kỹ thì vẫn còn.
Tôi choáng người, im thin thít, vậy là mùi bọ hung đã bốc ra từ tôi rồi, chao ôi, nó phát triển nhanh đến thế kia ư ? Không khéo hai bên sườn sắp nhú ra đôi cánh cũng nên. Nhân lúc ông quay đi, tôi lén thọc tay vào chỗ đó, may quá vẫn chỉ thấy mấy cục xương sườn, tuy nhiên tôi không dám chắc ngày mai, hoặc giả ngay tối nay, từ đó sẽ chẳng mọc lên đôi cánh. Nhìn mặt tôi, ông Công đoàn hiểu khác đi, ông ướm lời :
- Nghe nói cậu có… chuyện buồn ?
Tôi ngoác miệng, không có lẽ ông ta biết được nỗi lo đang canh cánh bên tôi ?
- Sao ông biết tôi đang có chuyện buồn ?
- Suốt ngày cậu cứ lọ mọ, chui rúc trong các kệ sách, rành rành ra đấy ai mà chả biết.
Ra thế đấy, tôi đã bắt đầu sống theo bản tính bọ hung trước mắt mọi người rồi còn gì, không khéo chỉ còn chính tôi là còn hoài nghi chuyện đó thôi, ôi, sao tôi ngu ngốc đến thế ? Ông công đoàn lấy làm đắc ý khi đưa ra một chứng cớ rành rành làm tôi ắng cổ không sao cãi, ông lại cất giọng an ủi :
- Thôi rút sớm vậy lại hay cậu ạ. Phải biết thân biết phận chớ, trèo cao quá ngã đau lắm đấy.
Tôi ngớ người :
- Ông nói chuyện gì vậy ?
Ông công đoàn nháy mắt, ranh mãnh :
- Thôi, giấu nhau làm gì ? Chuyện cậu toé loe ra rồi, ai mà chả biết, người nào cũng tiếc cậu bỏ lỡ cơ hội làm rể đồng chí cấp cao. Riêng tôi nghĩ khác, phận mình đũa mốc, chòi lên mâm son có ngày bị bẻ gãy cổ.
Hoá ra là chuyện cô nàng Cẩm Lai, ái nữ của Ngài, tôi thở ra nhẹ nhõm, không, chưa ai biết tới cái bản tính “bọ hung” dường như đang ngấm ngầm phát triển trong tôi, tốt hơn hết là giấu biến nó đi. Tôi ngồi xích ra khỏi ông, giả vờ buồn bã :
- Ông nói đúng lắm, “con nhà thầy chùa lại quét lá đa” thôi, tôi biết quá đi chớ, có điều phải dứt bỏ tình yêu tôi cũng đau lắm chứ.
- Tôi biết, tôi biết, tôi chỉ khuyên cậu chớ có buồn bã ủ ê quá ảnh hưởng tới công tác, coi như mình hy sinh vì cách mạng vậy thôi…
Như chợt nhớ mình đã quá đà, ông cười chữa thẹn :
- Chứ lại không ư ? Cậu cứ cố tâm đeo đuổi cô Cẩm Lai chắc chắn làm phiền lòng đồng chí cấp cao, ảnh hưởng tới sự nghiệp lãnh đạo, cậu hy sinh cho đồng chí ấy tức là cậu hy sinh vì cách mạng chứ còn gì ?
Làm xong cái phép biến đổi lô gích ấy, ông công đoàn hể hả bắt tay tôi và trước khi ra về không quên căn dặn phải nhớ đặt hạnh phúc cá nhân xuống dưới lợi ích của tập thể, bù lại, công đoàn sẽ quan tâm giúp đỡ, động viên tôi đấu tranh tư tưởng cho tốt, không dây dưa quan hệ với cô Cẩm Lai. Nhất định cuối năm tôi sẽ trở thành người đoàn viên công đoàn bốn tốt và rất có thể còn được đưa vào diện ưu tú giới thiệu cho Đảng nữa cơ. 
Tôi rối rít cảm ơn và sau khi đóng chặt cửa buồng, còn lại một mình, tôi ra đứng trước gương, cởi bỏ hết quần áo, ngắm trước ngắm sau… Người tôi vẫn nhẵn nhụi chẳng thấy lông lá gì, hai bên sườn vẫn nguyên thế, chẳng có dấu hiệu bọ hung nào cả… a… hoang tưởng rồi nhé, cái mùi ban nãy ông công đoàn ngồi cạnh tôi ngửi thấy chẳng qua là mùi chuồng chồ đó thôi. Tôi yên tâm hẳn cho tới lúc anh chàng ăn trộm cứt nữa đêm lạch cạch đẩy chiếc xe chở hai cái sọt to tướng đi qua cửa sổ, tôi vội vàng thò đầu ra căng mũi ngửi. Không, chẳng có cái mùi gì cả ngoài luồng gió mát rượi lúc nửa đêm thổi đầy lồng ngực. Nguy rồi, cái yếu tố “bọ hung” chắc vẫn còn trong tôi chứ chẳng mất đi đâu. Tôi cố ngủ trong nỗi lo sáng sớm mai sẽ hoá thành con sâu giông giống như nhân vật trong truyện "biến dạng" của Kapka. 
Hôm sau vừa mở mắt trên giường, tôi đã giơ chân giơ tay xem có còn điều khiển được và chúng đã thu nhỏ biến thành chân loài côn trùng chưa ? May thay chúng vẫn nguyên vẹn như lúc tôi đi ngủ và để ăn chắc, tôi lại cởi quần áo xem xét trước gương. Mắt tôi bỗng hoa lên hoảng sợ, trời ơi, liệu tôi tỉnh hay mơ đây, bên sườn phải của tôi rõ ràng đã nhô lên một sợi lông rất dài đêm trước chưa hề thấy nó. Tôi nhảy vội tới hộc tủ, lục ra cái kéo, cắt phăng nó đi. Đó, chẳng còn gì nữa nhé, bên sườn lại nhẵn nhụi như cũ. 
Suốt ngày hôm đó và vẫn lần mò trong đám bụi bậm của cái giá sách thư viện mong tìm thấy một cuốn sách nào đó đề cập tới trường hợp của tôi. Tôi bỏ ngay ý nghĩ tìm Trịnh để hỏi về sợi lông lạ lùng. Không, cái thằng bác sĩ vườn đó chẳng hiểu biết gì về chuyện đó đâu, nó nằm ngoài mọi giáo trình y khoa mà hắn đã được học. Mấy thầy lang Đông Y chắc cũng chẳng giúp được gì, tốt hơn hết cần tránh xa cái căn buồng sặc mùi chuồng chồ ấy ra cốt chặn lại cái chất “bọ hung” ấy không cho phát triển nếu như có nó trong người tôi. Tôi nở một nụ cười đắc ý đã tìm ra lối thoát sau bao ngày tắc tị. Đúng, nếu thoát khỏi cái mùi chuồng chồ ấy, ắt hẳn đặc tính bọ hung sẽ chết ngúm ở trong tôi.
Tin chắc vào lý do chính đáng của mình, tôi tìm gặp ông Trưởng phòng lúc ông đang lơ mơ thả hồn theo khói thuốc lá tại bàn làm việc ngổn ngang các giấy tờ mà tôi dám chắc nó chẳng sinh lợi được một cắc nào cho nền kinh tế quốc dân :
- Báo cáo đồng chí, tôi xin phép được ngủ lại phòng làm việc ít lâu.
Ông Trưởng phòng suýt nghẹn khói thuốc, nhìn tôi như thể tôi đang tuyên bố tình trạng mất an ninh trong phòng làm việc :
- Sao thế ? sao phải thế ? Bảo vệ cơ quan trực suốt đêm kia mà ?
- Thưa không, tôi xin ngủ lại không nằm canh gác phòng làm việc. Đơn giản chỉ vì buồng tôi ở sát ngay dãy hố xí, mùa viêm nhiệt này nó bốc hơi lên không sao ngủ được.
Ông trưởng phòng thở ra nhẹ nhõm :
- Cậu làm tôi hết hồn, cứ tưởng có gián điệp chui vào cơ quan ta. Hoá ra chỉ do khó khăn chỗ ở thôi hả ? Cái đó cậu phải xuống đặt vấn đề với phòng hành chính chứ ?
Bà trưởng phòng hành chính là người thoạt nhìn ta đã thấy ngay bà sinh ra là để làm công tác quản trị. Trước mặt bà là cuốn sổ khổng lồ, xung quanh là bút giấy và điện thoại và chỉ cần nhìn vào mắt bà bên trên cặp kính lão trễ xuống một cánh mũi khổng lồ tôi cũng cảm thấy ngay bà có đôi tai điếc một khi tôi tới gặp bà với hai bàn tay không. Nhưng than ôi, liệu tôi còn có cái gì có thể biếu bà ngoài những lời than vãn, vật nài mà bà đang ngoáy bút ghi lại trên cuốn sổ. Sau cùng, dường như đã hiểu rõ đầu đuôi, bà quăng bút xuống, lấy chìa khoá mở tủ sau lưng, rút ra ba cái cặp giấy dày cộp :
- Anh có biết cái gì đây không ? Đơn xin cấp nhà đấy, ba trăm sáu mươi tám tờ, mỗi năm chỉ giải quyết tối đa tám đơn. Có người chờ cả năm năm nay vẫn chưa được vào diện xét. Dẫu rằng anh có ở sát chuồng chồ đi chẳng nữa cũng vẫn thuộc diện có nhà rồi. Anh đừng có tư tưởng đòi hỏi đãi ngộ quá đáng,phải nhìn thấy khó khăn chung, khắc phục cứ ở nguyên thế vậy. Còn nếu anh cứ khăng khăng xin nhà, xin mời anh cứ viết đơn xếp hàng vào thứ ba trăm sáu mươi chín.
Dẫu tai ù lên vì bài diễn thuyết của bà, đầu tôi vẫn nhẩm tính với tốc độ cấp nhà tám trường hợp mỗi năm ít ra tôi phải chờ… bốn mươi sáu năm nữa may ra mới tới lượt mình. Đương nhiên tôi vẫn đủ tỉnh táo để không viết một lá đơn như thế, tôi chỉ xin bà cho ở nhờ phòng làm việc một thời gian, không hề có ý định xin cấp nhà. Bà lại lắc quầy quậy :
- Không được, không được, trên nguyên tắc không ai được ở trong phòng làm việc, trừ trường hợp thật đặc biệt phải có ý kiến của Đảng uỷ và Viện Trưởng.
                                               (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét