Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

HỘI NHÀ VĂN VÀ QUỐC HỘI



                                     Hội nhà văn và …quốc hội.

                                                   
     Giữa Hội nhà văn và quốc hội xem ra chẳng có gì liên quan với nhau.
Một bên Hội nhà văn là tổ chức của mấy anh sống bằng bổng lộc  Nhà nước chuyên ca ngợi chế độ và xúm nhau vào đánh đòn hội chợ mỗi khi đồng nghiệp bị “tai nạn nghề nghiệp” kiểu  Nhân văn Giai phẩm ngày trước.
Một bên  quốc hội là tập hợp những người xuân thu nhị kỳ được ngồi lại với nhau để giơ tay biểu quyết mọi nghị quyết của Đảng đưa ra.
Mặc dầu Hội nhà văn từ thời xa xưa chỉ có hơn trăm hội viên, nhưng vì là tổ chức quần chúng hạng nhất ( so với Hội nuôi ong là hạng nhì) nên Đảng vẫn cho Hội nhà văn một xuất trong quốc hội, tức trong các nhà văn chọn ra một anh làm đại biểu quốc hội. Người được  chọn  phải nằm trong Ban lãnh đạo Hội nhà văn, bởi vậy cứ mỗi kỳ bầu quốc hội, mấy anh trong Ban thường vụ Hội lại đánh nhau dữ dội cố giành cho mình cái vinh dự được ngồi Hội trường Ba Đình làm anh…nghị gật. Hơn nữa, theo nguyên tắc tổ chức của Đảng, Hội nhà văn không bao giờ có một xuất trong Ban chấp hành trung ương Đảng, xuất này chỉ giành cho Bộ trưởng văn hoá hoặc Trường Đảng nên mấy anh trong Ban lãnh đạo Hội nhà văn lại càng tranh nhau ghế đại biểu quốc hội quyết liệt hơn .
Vào thời bao cấp, xuất đại biểu quốc hội của Hội nhà văn lần lượt vào tay mấy nhà văn tiền chiến cúc cung tận  tuỵ cách mạng như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên…Gọi là “bầu” cho oách vậy , sau khi Ban tổ chức trung ương chọn tên liền đưa vào danh sách ứng cử tại một đơn vị bầu cử nào đó là người đó trúng cử  trăm phần trăm. Được bầu rồi, tới kỳ họp, nhà văn đại biểu quốc hội chỉ có mỗi việc là tới dự cho đúng giờ, giơ tay biểu quyết và …ngáp lén. Ngoại lệ chỉ có trường hợp ông Trần Độ vừa là đại biểu quốc hội, vừa là hội viên Hội nhà văn duy nhất có một lần cả gan dám đọc ở Hội trường quốc hội một bản tham luận nảy lửa tựa đề là “ thảm trạng văn hoá Việt Nam” qua đó vạch trần những tác hại của nền văn hoá bị kiểm soát và o ép theo những tiêu chuẩn phi văn hoá của cái gọi là “con người mới xã hội chủ nghĩa” làm Thủ tướng  Phạm văn Đồng mắng cho một trận nên thân và tất nhiên khoá sau ông Trần Độ bị đuổi khỏi quốc hội mặc dầu khi đó ông là Chủ nhiệm Uỷ ban văn xã của quốc hội.
Suốt mấy chục năm các nhà văn tiền chiến chia nhau cái ghế quốc hội mãi rồi cũng phải đến lượt các nhà văn thuộc thế hệ lớn lên thời chống Pháp kiểu Anh Đức, Nguyễn Khải, Nguyễn văn Bổng, Chu Văn, Hữu Mai…Tất nhiên các nhà văn “nhân văn –giai phẩm”  bị loại ra trước tiên, cả đời chớ có mong bén chân tới cửa quốc hội. Mãi tới giữa thập kỷ 1980, các nhà văn thời chống Pháp mới tranh được xuất đại biểu quốc hội . Thời này chưa có kiểu họp “hiệp thương “ như bây giờ. Trong khuôn khổ Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, mỗi hội như Hội nhà văn, Hội nhạc sĩ, Hội nghệ sĩ tạo hình, Hội nhiếp ảnh…mỗi Hội được đề cử một người để trên xét. Để lọt vào diện được Hội đề cử, tất nhiên ứng viên đó phải vừa có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, có thành tích cách mạng và đương nhiên phải đấu đá với các ứng viên khác và nhất là phải chạy chọt quan trên.
Vì Hội nhà văn là Hội quan trọng nhất trong các Hội nên ứng viên của Hội đưa lên thường được “cấp trên” xét chọn vào diện đề cử. Và nhà văn có vinh dự đó là Nguyễn Khải, người một thời quyết liệt đánh Nhân văn Giai phẩm, có rất nhiều tác phẩm phục vụ kịp thời những cuộc vận động của cách mạng và chưa có tì vết nào. Tuy được trung ương đưa vào diện đề cử, cầm chắc trăm phần trăm được ngồi một ghế trong quốc hội, nhưng ông nhà văn Nguyễn Khải vẫn phải về Bến Tre là đơn vị bầu cử được trung ương phân bổ ông về ứng cử. Vừa chân ướt chân ráo tới nơi, Nguyễn Khải chưa kịp soạn “diễn văn tranh cử” đã được ông Trưởng ban tư tưởng văn hoá của tỉnh chạy tới bắt tay rối rít và nói oang oang giữa Hội trưởng tỉnh :
“ A…nhà văn Nguyễn Khải đây rồi…này, hồi còn ở trong rừng tụi tui đọc cái truyện Hòn Đất của ông, tụi tui khoái lắm đó…”
Cả hội trường “vận động bầu cử” vỗ tay rầm rầm, riêng nhà văn Nguyễn Khải chỉ muốn chui xuống đất là vì tiểu thuyết Hòn Đất là của nhà văn Anh Đức chứ không phải của ông. Mặc dầu vậy ông vẫn trúng cử với số phiếu cao ngất ngưởng.
Suốt 5 năm làm đại biểu quốc hội,  Nguyễn Khải đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giơ tay biểu quyết “nhất trí với trung ương” mà không hề phát biểu lấy một câu . Tuy nhiên,  khác với mấy ông cán bộ văn hoá lùn khác, ông Nguyễn Khải dẫu sao cũng là nhà văn; đường đường một đấng  “lương tâm thời đại”, “thư ký thời đại” mà ngồi họp  quốc hội lại cứ phải im thin thít như thịt  nấu đông thì dẫu có “khẩu nín” nhưng mà “tâm không chịu nín”, ông không nói được ra đằng mồm tại hội trường quốc hội thì ông nói vào…sách.
Nhưng rồi cũng phải đợi tới cả chục năm sau, khi không còn là đại biểu quốc hội nữa, trong tập truyện “Thượng đế thì cười”, nhà văn Nguyễn Khải mới viết một chương về quốc hội trong đó ông kể lại ông đã …ngủ gật như thế nào trong các phiên họp . Cuốn sách của ông in ra lập tức bị thu hồi và chỉ được phát hành trở lại với điều kiện bóc bỏ đi cái chương viết về quốc hội vào cái khoá ông được cử làm …nghị gật.
Sau thời Nguyễn Khải làm đại biểu quốc hội đến thời của nhà thơ Hữu Thỉnh , Chủ tịch Hội nhà văn VN liền mấy khoá. Do không có đối thủ cạnh tranh ngang tầm, nên liền hai khoá 9 và 10, Hữu Thỉnh vẫn chễm chệ xách cặp vào Hội trường Ba Đình ngồi ghế đại biểu quốc hội chuyên “bấm nút” biểu quyết “nhất trí với trung ương” . Có lúc tưởng như cái ghế quốc hội của Hữu Thỉnh lung lay vì cho in truyện ngắn “Linh nghiệm” xỏ ngọt bác Hồ trên báo Văn Nghệ, nhưng rồi do tài năng chạy chọt, xin xỏ ở mức  thượng thừa nên Hữu Thỉnh thoát tội và vẫn nghiễm nhiên được Đảng tin dùng.
Sang kỳ quốc hội khoá 11 , thời thế xem ra đã đổi khác, tuy Hữu Thỉnh vẫn vượt qua được các đối thủ khác trở thành ứng viên duy nhất của khối văn học nghệ thuật chạy đua vào quốc hội nhưng khả năng trúng cử xem ra chỉ năm ăn năm thua.
Trước hết ông Chủ tịch Hội nhà văn đã ngồi lì trên cái ghế đại biểu quốc hội tới  2 khoá trong cả 10 năm rồi. Giờ lại ngồi tiếp thêm khoá thứ 3 cho đủ 15 năm nữa thì hơi bị…tham và chẳng biết mồm miệng thế gian còn chê cười đến đâu.
Thứ nhì , cuốn truyện “ Vết sẹo và cái đầu hói” của nhà văn Võ Văn Trực vạch trần bản chất cơ hội, thâm hiểm, tham quyền cố vị của Hữu Thỉnh không phải là không có tác dụng tới những cử tri vô danh.
Thứ ba, vụ đạo thơ nước ngoài rồi in vào tập thơ “ Thương lượng với thời gian” và lại còn tự trao giải thưởng đến khi vỡ lở làm uy tín  Hữu Thỉnh giảm sút rất nhiều.
Mặc dầu vậy, với lòng trung thành vô hạn với Đảng, với tài chạy chọt, Hữu Thỉnh vẫn được cấp trên tín nhiệm đưa vào danh sách ứng cử để ngồi thêm ghế đại biểu quốc hội khoá nữa.
Bỏ ngoài tai những lời khuyên của bạn bè nên rút khỏi danh sách được Đảng đề cử vì thời thế đã khác, chưa chắc đã trúng , mà khi không trúng thì  còn đâu uy tín nhằm tới cái ghế Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam một mai khi hết thời hạn ngồi ghế Chủ tịch Hội nhà văn.
Mặc kệ những lời khuyên đó, Hữu Thỉnh vững tin một khi Đảng đã cử thì chắc chắn dân phải bầu, vả lại Hữu Thỉnh còn nhờ cậy một lực lượng nữa để trúng cử : đó là thần linh. Từ lâu, Hữu Thỉnh rất tin vào…thần thánh, rất chăm đi lễ các đền chùa để cầu phúc , cầu an, cầu lộc cho mình. Bởi thế trong dịp bầu cử quốc hội khoá 11 , Hữu Thinh cũng ra sức đi lễ bái ở khắp mọi nơi khấn vái xin thần linh phù hộ trúng cử khoá nữa.
Than ôi, thời thế đã đổi thay, cho dù đã được Đảng cử nhưng chưa chắc đã được  dân bầu. Hữu Thỉnh được trung ương giới thiệu về một đơn vị bầu cử ở Long An. Tại đây có 4 ứng cử viên chỉ được bầu có 2 và tất nhiên 2 người được bầu phải là dân địa phương, còn Hữu Thỉnh từ Hà Nội đưa về bị gạch cái toẹt. Tổng kết phiếu bầu, Hữu Thỉnh chỉ được có 47 %, Nhà nước chưa công bố đã biết chắc mình…trượt.
Thế mới biết tham thì thâm, giá biết dừng lại xin rút lui thì đâu đến nỗi làm bia miệng cho thiên hạ . Và khoá quốc hội lần thứ 11 lần đầu tiên sẽ không có đại biểu là nhà văn. Rồi khoá12, khoá 13 cũng không nốt. Và tương lai cũng thế mà thôi. Xem vậy đủ biết thời nay, Đảng cũng chỉ coi nhà văn ngang với anh cán bộ tuyên truyền  mà thôi..                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét