Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

HÀNỘI...HỒI ẤY (12)

                     Hànội…’hồi ấy’   (12)


                           (tiếp theo)
Tôi co cổ đạp xe, chở thẳng cái bao tải nặng chịch lên phố Hàng Giấy bán lỗ mất nửa tiền mà vẫn vui như trúng mánh lớn. Tôi ngồi nhấm nháp chén rượu suông trong quán “nghệ sĩ’ nhớ lại từng cử chỉ, từng lời nói của nàng lúc chiều. “Sau này anh sẽ hiểu… sau này anh sẽ hiểu…” nàng đã nói như thế phải không ? Vậy nàng đã tin chắc hai đứa còn gặp nhau và hơn thế nữa, rất có thể tôi sẽ thành người trong nhà nàng nữa kia.
Bác sĩ Trịnh lò dò bước vào, vấp phải cái vẻ hí hửng của tôi, hắn ngẩn ra :
-         Mới trúng xổ số hả ?
      “Còn hơn cả trúng độc đắc nữa kia…”, tôi reo lên, vui vẻ kéo Trịnh ngồi bàn hứa đãi hắn một chầu rượu thoải mái.Quả thực nghe tin Giám đốc bệnh viện bị bắt quả tang ôm cô y tá cũng chẳng làm hắn ngạc nhiên đến thế. Hắn vừa nốc rượu vừa dỏng tai lên nghe tôi kể lể từ việc nàng cho tôi cái bánh đậu xanh tới việc tôi mua báo cũ của ông Đ. phải bù lỗ, sau cùng hắn thốt lên :
-         Năm mươi tư ký, mỗi ký lỗ hai trăm rưởi, vị chi trên chục ngàn đi đứt hai lít rượu ngon, ôi điên ơi là điên…
    Tôi nổi cáu :
-         Tao không điên thì lấy đâu rượu cho mày uống thế kia.
- Đúng đúng, nhưng dẫu sao … ái tình phí như thế là khí tốn kém. Thôi kệ mày… nào uống chén này chúc sức khỏe nàng… à mà nàng của mày tên  gì nhỉ ?
     Tôi ngớ người, ừ nhỉ, hoá ra đến cái tên nàng tôi cũng chưa biết. Phải nghĩ bừa ra một cái tên không hắn cười vào mặt. Hà, Hường, Huyền… không được, toàn vần “h” vần “hư hỏng” cả, lấy tên một loài hoa có lẽ hơn. Mùa xuân có hoa đào, mùa thu có hoa lan, mùa đông có hoa cúc, tôi gặp nàng vào mùa hè vậy tên nàng là… Nghe tôi nói hắn phọt ra cười :
-         Vậy là mày yêu… con sen …
   Tôi sa sầm mặt, đóng ngay chai rượu lại, gọi bà chủ tính tiền.
    Trịnh há miệng kinh ngạc :
Ghê quá nhỉ ? Tao không ngờ mày lại tôn thờ tình yêu đến như vậy. Thôi từ nay tao thề không báng bổ nàng của mày nữa. Nhưng mà… mẹ kiếp, tao bảo thực, trước sau mày vẫn là một thằng điên…
   Tôi tiếc đã cho hắn uống nhiều quá, hắn say rồi vừa cười há miệng đã lại khóc rưng rức rồi, thôi chấp làm gì, ngày xưa khi sắp cưới, hắn cũng tôn sùng vợ hắn như Đức mẹ Maria ở trên trời, rồi như có ma quỷ nhảy nhót trong lòng người, vợ hắn ngày càng trở nên nanh nọc tai quái, chỉ giành cho hắn nụ cười sau khi hắn đã hoàn thành một công việc vốn dĩ chỉ giành cho thằng ở như lau nhà, nấu cơm, rửa bát hoặc mỗi lần hắn mang về số lương ít ổi theo cách nói của vợ hắn “chỉ vừa đủ ăn quà sáng”.
Một khi đã trở thành người “ăn theo” trong nhà thì ngay cả quan hệ vợ chồng trong phòng the hắn cũng rơi xuống địa vị phụ thuộc. Người vợ càng cau có, bẳn gắt thì càng ít đòi hỏi, tháng tháng một đôi lần may lắm thị mới cho hắn được một đêm thỏa thuê, ngoài ra mặc kệ, mặc cho hắn tán tỉnh lạy lục, thì vẫn trơ như  đá.
Không biết bao nhiêu lần hắn đã phải uống vài viên thuốc ngủ cho trôi qua những đêm trắng nằm bên người đàn bà cuộn tròn chiếc chăn quanh người như một khúc gỗ. Than ôi, một khi thị đã không ham thì hắn biết lắm, hắn có đập đầu vào tường tự tử thị cũng mặc xác, cứ như trong khúc gỗ đặc ruột kia chẳng có một sợi tình thương nào giành cho hắn. Hắn uống rượu một phần cũng nhằm phá huỷ cái sức lực đàn ông đêm đêm vẫn làm hắn trằn trọc. Cái nỗi bất hạnh gia đình ấy, chẳng bao giờ hắn lộ ra với người ngoài, ngay cả với vợ, hắn cũng nín nhịn và chịu đựng như một người thầy thuốc với bệnh nhân, tự biến thành một thứ “bị thịt” theo cách nói của vợ hắn, và cũng giống như sự biến đổi thân xác của thị, hắn ngày càng trở nên lãng cảm về mặt… tinh thần.
Hắn chẳng quan tâm tới những thành tựu y học thế giới, hắn chỉ còn nỗi đam mê duy nhất : rượu. Chuyện đó chẳng là cái gì nếu hắn làm cái nghề vô thưởng vô phạt như tôi, hại thay hắn lại là thầy thuốc, bởi vậy từ một “ đôi tay vàng” cầm dao mổ, hắn rớt xuống bác sĩ phòng khám, nhân viên y vụ và bây giờ hắn chỉ còn làm mỗi việc vào sổ thuốc. Nhưng công việc này lại làm hắn ưng ý nhất, nó cho hắn cơ hội moi thuốc trong kho đổi… rượu. Đôi lúc tôi hỏi hắn tụi mình rơi tới đáy chưa ? Hắn cười : chưa, dưới chúng ta còn thằng ăn mày, tôi bảo hắn rằng làm cái việc ma cô dắt gái còn tồi tệ hơn cả thằng ăn mày hắn cười khì khì rồi lại hát cái bài ca muôn thủa của hắn : mày yên tâm đi, sẽ đến một ngày tao được phép mở bệnh viện tư, tao sẽ điều hành hết, tao chỉ cần ba nàng y tá rõ thật xinh và giỏi nghề, chỉ một năm là tao hốt bạc thiên hạ. Tôi phì cười hỏi hắn thủa nào mới tới được cái ngày ấy, hắn trừng mắt : sẽ tới, sẽ tới, nhất định phải tới…
Than ôi, cái “bệnh viện tư” của hắn còn ở mãi nơi đâu, sổ nợ của các quán rượu nhất là của bà Dậu này đã ghi quá dài tới mức chẳng ai còn cho hắn ghi nữa, cùng tắc biến, và hắn đã biến ra một thằng như thế kia đây. Hắn nói như mếu :
- Con y tá phải đi nạo rồi, tao phải thay em khác. Con này nó đòi cao quá, tính ra tao với mày chẳng được bao nhiêu, mẹ kiếp, hoá ra là chị em bóc lột mình, đời đểu thật.

     Hắn kể với tôi cái “em mới” này đúng là một con ngựa vía, học nghề kịch mới được một năm bỏ trường leo lên cabin một gã lái xe đường dài, trước khi đút tay vào còng gã đã kịp “sang tên” em cho một ông Giám đốc goá vợ. Để giữ được cô vợ trẻ thua trên ba chục tuổi, nguyên thủ trưởng đã phá tán gần hết số tiền “mồ hôi nước mắt” của… dân, rồi tới lượt “tài sản cố định” trong nhà cũng đội nón ra đi. Tuy nhiên, nàng “ngụa vía” vẫn ở lại không phải vì ông mà vì gã lái xe con ngày xưa của ông. Gã đã có vợ con rồi, bởi vậy không đâu tốt bằng chính nhà thủ trưởng cũ, gặp gỡ người đàn bà bốc lửa đã sai hắn kỳ lưng từ thời ông chồng đương chức, vừa được tiếng tình nghĩa vẫn lui tới nhà thủ trưởng hưu, vừa được hưởng những tiện nghi ngày trước chính gã đã chở tới từ cơ quan. Mọi chuyện cứ diễn ra như vậy cho tới năm sau người ta đưa ông già đi Mai Dịch.
    Nàng “ngựa vía” chỉ đóng cửa thủ tiết chưa tròn một tháng, vào một buổi mùa đông mưa rét, gã lái xe ngày xưa trở lại. Số phận gã cũng chẳng may mắn hơn ông thủ trưởng cũ của gã. Gã than thở :
- Em là người đàn bà gây xui xẻo nhất trần gian. Bất cứ người đàn ông nào dính dấp tới em đều đi đứt. Oâng giám đốc thì mất mạng còn anh thì mất nghiệp.
     Nàng ngựa vía trừng mắt :
- Vậy anh còn quay lại với tôi làm gì ?
    Gã thở dài :
- Đã mắc vòng nghiệp chướng rồi, tránh đâu cho thoát.
   Gã kể lể hơn một năm qua gã phất to nhờ móc nối với bọn buôn trầm hương, lợi dụng các chuyến chở ông Giám  đốc đi công tác kết hợp chở hàng.Gã làm ông chót lọt được năm chuyến, gom hết vốn lãi đánh một quả cuối cùng, ngờ đâu đổ bể.
     Nàng cười như ngựa hí :
- Tại anh không chia chác cho thủ trưởng đấy thôi.
Gã trợn mắt :
- Sao không ? Mười lăm phần trăm lãi mỗi chuyến đấy. Mẹ kiếp, lúc ăn thì thầy trò cùng ăn, tội mình anh gánh chịu. Đời đểu vậy…
- Thua keo này, bày keo khác, lo gì…
- Đúng đấy, em nói đúng đấy…
Gã reo lên và bế thốc nàng lên, hăm hở trút hết mọi nỗi niềm cay đắng khi xa nàng với cung cách đánh bạt cả hương khói trên trang thờ ông Giám đốc hưu làm nàng ngựa vía từ lâu lắm rồi mới được trận cười no nê đến thế.
-Anh không sợ cái tướng em “sát phu” hả ?
= Ồ… được sống với em chết cũng cam.

Lúc đó bốc lên hắn nói hăng vậy không thể ngờ rằng mình gở miệng, hơn hai tháng sau, một chiếc xe chở gỗ đứt thắng đè bẹp chiếc xe con của hắn dưới chân một con dốc. Hắn hấp hối trong một bệnh viện miền núi, và ông Chủ nhiệm công ty dịch vụ, thủ trưởng mới của hắn may mắn thoát chết đã hứa chuyển giúp hắn món quà nhỏ tới tận tay nàng “ngựa vía”.
Một lần nữa nàng lại âm thầm gạt nước mắt, chít thêm một vành khăn tang và thề trong bụng sẽ không gắn bó vớ bất kỳ người đàn ông nào khác. Nhưng sắc đẹp mê hồn của nàng đã khiến ông Chủ nhiệm không thể nào mà không quay lại sau khi đã làm xong việc nhờ cậy của người đã khuất. Khác với ba người đàn ông trước ông Chủ nhiệm này chia sớt cái xui xẻo “sát phu” của nàng cho bạn bè :Giám đốc, Trưởng phòng, Trưởng ban, uỷ viên Hội đồng… và quả nhiên không một ai phải chết “bất đắt kỳ tử”, ngược lại biến nàng thành thứ điếm nghiệp dư, khách chọn lọc và được duyệt trước trong danh sách do đích thân ông Chủ nhiệm lập ra.
Mọi việc sẽ diễn ra đều đặn và xuôi xẻ theo lịch phân phối nếu một ông trưởng ban không sa vào vòng đấu đá và địch thủ của ông đã mua đứt tên lái xe để tổ chức một trận phục kích bắt tại chỗ ngay tại phòng nàng. Chẳng khó khăn gì người ta phăng ra bằng hết các vị chức sắc đã tới mua vui bằng tiền… nhà nước, may thay, đó chỉ là chuyện “sinh hoạt”, không có bằng cớ tham ô nên chỉ mới “xử lý nội bộ” rút kinh nghiệm, riêng nàng là người bán mới nặng tội nhất suýt nữa thì bị xử theo án chính trị, cố tình làm hư hỏng cán bộ nhằm mục đích phá hoại tổ chức.
Cảm thấy nỗi hiễm nguy treo trên đầu, nàng cãi lại viên chánh án : “Mấy năm qua, bao nhiêu nhen nhóm phản động nỗi lên cũng chẳng làm nên trò trống gì huống hồ tôi là phận gái thân cô thế cô, cố sống cho qua ngày chả nổi, hơi sức đâu phá hoại tổ chức của mấy ông…”. Rốt cuộc nàng bị kết án ba năm tù treo, tài sản “bất minh” bị xung vào công quỹ, trừ cái nhà do ông Giám đốc hưu để lại. Nhưng lời phán quyết của ông toà không đáng sợ bằng đòi hỏi của dạ dày, thi hành cái án treo kia chưa đầy một năm, nàng đã hành nghề trở lại, không phải tại nhà nàng mà tại nhà… tôi. Tôi lo lắng bảo Trịnh :
- Nguy hiểm quá mày ạ, cảnh sát khu vực tới thì tao mất cả nhà lẫn mất cả việc.
= Có chí làm quan có gan làm… tiền, không chịu liều một tý thì đói cả tao lẫn mày.
  Tôi nhớ tới nửa tháng lương vừa bù lỗ cho nửa tạ giấy báo của ông Đ. mai kia chắc còn phải bù cả giấy vụn nữa nếu còn nuốn quay trở lại với con gái ông, thôi  đành, tôi căn dặn Trịnh hết sức cẩn thận, hẹn nửa đêm sẽ về và chia tay hắn, chẳng biết đi đâu, tôi lại lóc cóc đạp xe qua nhà nàng…

     (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét