Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

NGHỀ ĂN THEO XÁC CHẾT (1)

      NHÀ VĂN VÀ SỰ THẬT  (5) :

              Nghề ăn theo…xác chết.

Một trong những nhà văn Việt Nam viết về “đề tài nông thôn” nổi tiếng một thời là nữ văn sĩ Nguyễn thị Ngọc Tú, người có cái tên gắn với tên  Xuân Quỳnh trong một câu ca dao vỉa hè Hà Nội thời bao cấp.
Năm 1974 NTNT xuất bản tiểu thuyết Đất làng gây xôn xao dư luận vì dám đưa cảnh xã viên hợp tác xã “làm reo” với Ban chủ nhiệm, ngày nay gọi là “biểu tình”. Mặc dầu Đất làng vẫn bám rất sát chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng nhưng vì có những trang “rất thật” nên cuốn tiểu thuyết vẫn bị đánh giá là “nền đỏ, lấm tấm đen”. Lắm anh phê bình mượn gió bẻ măng , viết bài “ăn theo” phê phán làm NTNT bực mình phải thốt lên :” đúng là bọn…ăn theo xác chết”.
Xưa nay, nhà văn và nhà phê bình đối với tác phẩm văn học y như gái lấy chung chồng . Thiên hạ đồn ngay đến cụ Nguyễn Tuân cũng có lúc phát cáu :” khi tôi chết, hãy chôn theo tôi một thằng phê bình”.
Thực ra cái “nghề ăn theo xác chết” không phải xuất hiện từ khi NTNT xuất bản “Đất làng”. Ngay sau hòa bình 1954, khối anh đã “ăn theo xác chết” của những “Phá vây” của Phù Thăng, “Vào đời” của Hà Minh Tuân,” Mùa hoa dẻ” của Văn Linh, “Sắp cưới” của Vũ Bão,” Cơm mới” của Hoàng Tích Linh,” Chuyến tàu xuôi” của Nguyễn Khắc Dực…
Thời Nhân văn giai phẩm, nhất loạt Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Phùng Cung… bị những con kên kên xúm vào ăn thịt . Từ đó hình thành nghề “lập thân” bằng “đánh” tác giả và tác phẩm.
Cây táo ông Lành” của Hoàng Cát, “Đêm đợi tàu” của Nguyễn Đỗ Phú, “Vòng trắng” cuả Phạm Tiến Duật bị đánh đòn hội chợ tới mức công an văn hóa phải vào cuộc.
Rồi  chẳng nói đâu xa tiểu thuyết “Niềm vui trần thế” của Nhật Tuấn vừa ra đời đã bị Huỳnh Dũng Nhân chơi “một búa” ở báo Lao Động Chủ nhật, “Lửa lạnh” cũng của Nhật Tuấn bị Lê Quang Trang “đòn phủ đầu “ trên báo Nhân Dân,  Lê Xuân Vũ, Phương Lựu, Đỗ Văn Khang, v.v... phê phán Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Đăng Mạnh...; Nguyễn Văn Lưu tố giác "nghệ thuật nằm vạ" của Dương Thu Hương; Phan Tứ phê phán Miền hoang tưởng của Nguyễn Xuân Khánh…Còn nhiều…còn nhiều lắm…
Tuy nhiên, khởi thủy của “nghề ăn theo xác chết” lại là “nghề ăn…xác chết của chính mình”. Còn nhớ hồi mới kháng chiến chống Pháp vào một ngày mùa thu, các nhà văn  theo cách mạng đã họp  ở “thủ đô kháng chiến “  Việt Bắc để “tranh luận văn nghệ” nhằm thúc đẩy nền văn học cách mạng  “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trên con đường cách mạng. 
Lẽ tất nhiên, ông trùm văn nghệ lúc đó là Tố Hữu phải “giáo đầu” trước:
“Không có tư tưởng mới thì không thể nào nhận định đúng cuộc đời và sáng tác do đó sẽ lạc hướng. Cảm xúc của ta phải là cảm xúc của quần chúng và cảm xúc của quần chúng phải được thể hiện trong văn nghệ…”.
Huấn thị của ông trùm lập tức được các tên tuổi lớn trong làng văn VN nhao nhao hưởng ứng. Nhà văn “ngông nhất nước” Nguyễn Tuân “được” phát biểu trước :
Cuộc họp tranh luận này nhằm thống nhất về đường lối tư tưởng , thống nhất về quan niệm đối với kỹ thuật sáng tác…”.
Ôi chao, cứ như là sau khi “thống nhất” mọi thứ, tất cả các nhà văn đều trở thành thiên tài hết. Rồi ông “ Vang bóng một thời”  thành khẩn :
Tôi không những là tiểu tư sản mà còn là phong kiến nữa. Cuốn Vang Bóng Một Thời đủ chứng tỏ lời tôi nhận định. Trước kia tôi không tìm được giá trị cuộc sống, tôi phủ nhận cuộc đời. Tôi có một thái độ phản động. Cuộc kháng chiến tiếp theo cách mạng tháng Tám làm tôi nhận định rõ hơn.Tôi đã cách mạng tư tưởng …”.
Thành khẩn đến thế rồi mà sau này viết về giò chả, Nguyễn Tuân vẫn phải than :” Giò tớ giã kỹ đến thế rồi mà nó vẫn còn “giã” lại…”.
 Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì hùng hồn :”
Vai trò của giai cấp công nhân là đi đầu trong việc tạo ra một cách sống mới, nó không còn là cách sống của con người cũ của ta nữa…”.
 Nữ thi sĩ Anh Thơ cũng véo von :
Trước tôi cũng đánh phấn, bôi nước hoa. Sau tôi cũng mặc quần áo nâu và được chị em yêu quý. Thơ văn phải dễ hiểu quần chúng mới thích…”.
Nhà thơ Thế Lữ cũng cao giọng :
“ Phải khác trước, muốn tiến bộ phải cải tạo mình…”.
Nhà văn Đoàn Phú Tư thì hồ hởi :
Tôi thấy thích chủ nghĩa Mác vì mình chẳng…mất gì cả và tìm trong đó những hình ảnh tốt đẹp của ngày mai.. Tôi vuốt ve và mơ hình ảnh đó….” .
Hoá ra gọi là “Hội nghị tranh luận” mà chẳng tranh luận cái gì hết, các nhà văn lớn chỉ tranh nhau coi ai nói cho khéo, cho lọt lỗ tai đồng chí Tố Hữu và nhất loạt hứa hẹn sẽ thực hiện cái bí kíp “ tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản, công nông hoá sáng tác”  để quyết tâm xây dựng một nền văn học lớn leo lên đứng đầu thiên hạ. Than ôi, hầu hết những người cầm bút dự “Hội nghị tranh luận văn nghệ” ngày đó, kể cả đồng chí Tố Hữu, người dẫn đường vĩ đại, nay đã ra người thiên cổ mà các nhà văn VN xem ra chưa ai có được kiệt tác phẩm đáng lưu danh thiên cổ,  chưa ai vượt được chính mình so với thời “đế quốc phong kiến”.

Thực ra những năm đầu sau cách mạng, trong văn học chỉ mới xuất hiện các “sát thủ”, chứ  chưa thành nghề “ăn theo xác chết”. Năm 1987, nhà phê bình Lại Nguyên Ân viết trến báo QĐND đại ý :“văn học mới ở Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám chưa cần có phê bình chuyên nghiệp; công việc phê bình ban đầu được thực hiện bởi các cán bộ quản lý về văn hoá văn nghệ, bởi những văn nghệ sĩ đứng đầu các hội, đoàn, cơ quan văn nghệ; nội dung phê bình tựu trung là thể hiện sự tổ chức, chỉ đạo, định hướng, uốn nắn đối với sáng tác và hoạt động văn nghệ.
Vậy là chưa hình thành các nhà phê bình chuyên nghiệp, nghề này thuộc các cán bộ quản lý VHVN , những anh khác đừng hòng xớ rớ tới. Tuy nhiên sau vụ “tàn sát” Nhân Văn Giai phẩm, các cán bộ quản lý văn nghệ ôm không xuể cái công việc”sát thủ” này nữa, và cái nghề “ăn theo xác chết” bắt đầu hình thành. Ông Lại Nguyên Ân viết :
“Đến những năm 1960 khi xuất hiện một số cây bút chuyên trách về phê bình ở một số tờ báo, tạp chí, cơ quan nghiên cứu..., có thể tạm coi là những người làm phê bình chuyên nghiệp, thì nội dung, tính chất của phê bình ấy cũng không có gì khác so với các cây bút phê bình kiêm lãnh đạo kia. Từ đây tôi nêu hệ quả về sự thống trị của "phê bình quyền uy", bên cạnh đó là "phê bình xu phụ" - đầy tớ và bạn đường của "phê bình quyền uy".
Như vậy sang giai đoạn mới , phê bình văn học cũng vẫn “không có gì khác so với các cây bút phê bình kiêm lãnh đạo kia” nghĩa là vẫn mang tính phê phán, hù dọa, chỉ khác trước là hình thành một đám "phê bình xu phụ" - đầy tớ và bạn đường của "phê bình quyền uy".
Từ đó, “ ăn theo xác chết” đã chính thức trở thành một nghề

                                               (còn tiếp)

              

             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét