NHÀ VĂN VÀ SỰ THẬT (5)
“Vâng, nhà văn bây giờ quá…nhát” , chẳng phải anh Mít ngố hay nhà văn phản động nào nói câu này trong lúc say xỉn mà chính ông nguyên Chủ tịch Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, nhà văn Lê văn Thảo trả lời phóng viên báo Lao Động 8 năm trươc “đã nói như thế” và ông còn nói thêm :” cả tôi cũng nhát…”.
Và dường như để chữa ngượng , “cả làng toét mắt, riêng mình em đâu ?”,ông bầy tỏ :
“Thế hệ nhà văn như tôi có thể khó mà khắc phục những nhược điểm của mình, khó mà nói thực được nên chỉ hy vọng vào lớp trẻ. Bởi viết nhát tay đã thành thói quen.”
Vậy là theo ông Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, thế hệ già chết nhát đã thành máu thịt , coi như …bỏ, chỉ chờ đợi sự “dũng cảm và nói thực “ ở …thế hệ trẻ mà thôi . Vậy là ông đã đá trái banh sứ mệnh “ lương tri dân tộc”, “ thư ký thời đại ” sang mấy em A còng.
Trong thế hệ này, không phải em nào cũng chơi được “công nghệ Trần Dần” như Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh… Đáng tiếc là tác phẩm các cây bút avant-garde này (còn xa mới nối gót được các bậc đàn anh như Hoàng Hưng, Phan Đan, Lê Huy Quang, Chu Hoạch …) chỉ tạo được một happy-few ở một số cây bút trẻ, các em “gái Công ty”, một số nhà phê bình ăn theo, một vài bác hải ngoại vốn lớn tiếng ca ngợi “công nghệ Trần Dần” và tất nhiên, chẳng tới được mấy anh Mít nội địa bởi “món ăn tinh thần “ của mấy em “nặng mùi” quá khó mà chui vô dạ dầy vốn quen khoái khẩu “ canh chua cá lóc”, “canh cua rau đay” của tuyệt đại đa số “phó thường dân “. Bởi thế sự nổi tiếng của mấy em trước hết chẳng phải do “hữu xạ tự nhiên hương” mà là do lobby, marketing…tạo tiếng ồn do scandale và “khẩu khí nặc nô” của mấy em gây nên chứ thơ văn chẳng mấy người đọc nhớ tới. Buồn thay , trong khi đó những câu thơ “ngô , khoai sắn” kiểu như :
“ Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng …”
( Thâm Tâm)
“ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm…”
( Quang Dũng)
“ Đó là một cuộc chia ly mầu đỏ
tươi như cánh nhạn lai hồng…”
( Nguyễn Mỹ)
còn rất nhiều, rất nhiều những câu thơ của “phiên gác trước" như vậy, vẫn cứ được khắc ghi vào trong tâm tưởng của hàng triệu người đọc cho dù các nhà “tiên phong chủ nghĩa” có dè bỉu là “nôm na”, “cổ lỗ sĩ”, và khổ thay, tới tận bây giờ, độc giả dường như vẫn chưa nhớ nổi một câu thơ nào của các quý vị.
Tại sao vậy ?
Đã có hàng tấn giấy mực đổ ra tranh cãi nhưng “thơ hay” vẫn cứ đi vào lòng người đọc và ngược lại, “thơ ép người ta coi là hay” vẫn cứ “trôi theo dòng đời” hoặc còn lại trong ký ức “các quý vị đọc lẫn nhau và khen lẫn nhau”. Lẽ tất nhiên, thời đại internet toàn cầu thì thơ cũng phải nhảy dù vào kỹ thuật số, khổ nỗi cái đặc trưng bản thể, cái yếu tính của thơ lại là cái “âm điệu” của nó. Những câu thơ hay, ngân nga mãi trong lòng người đọc, trước hết chẳng phải do âm điệu đó chăng ? Các nhà thơ theo trường phái “ công nghệ Trần Dần”, đặc biệt là thế hệ A còng cho dù hao tâm tổn sức “ mổ xẻ chữ”,”lật chữ”,”ngó chữ”, “đập nát chữ”…buồn thay, vẫn chưa quý vị nào tìm ra được “một âm điệu mới cho thơ” để đưa thơ ra khỏi những “phòng thí nghiệm của chữ” đến với hàng triệu độc giả đang …khát thơ hay. Còn như bây giờ, “thơ A còng” cũng giống như nhạc trẻ, hội hoạ trẻ, kịch trẻ… đang mọc ra như các quán karaoke trên đường Cao Thắng (Sàigòn), còn lâu mới tiếp gót được các bậc cha anh về mặt nghệ thuật , nói gì đến chuyện “ đi theo các chú là chết ngóm” như Phan Huyền Thư từng lớn lối.
Vậy rồi liệu sẽ xuất hiện “âm điệu thơ” kỹ thuật số đi được vào lòng người chăng ? Chuyện đó chỉ có “Dieu qui sait”, trời mới biết và khi đó mới thực sự bắt đầu “phiên đổi gác” trong thơ như thi sĩ Hoàng Hưng từng hô hoán.
Thế còn những cây bút thế hệ trẻ khác ngoài mấy em A còng, những người mà nhà văn Lê văn Thảo hy vọng sẽ “can đảm viết thực “ liệu có đáp ứng lòng mong mỏi của ông Tổng thư ký Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh ? Kỳ vọng vậy nhưng cũng chính ông Thảo mới đây lại phàn nàn rằng :” “Mấy năm gần đây, không thấy xuất hiện một tác phẩm tiểu thuyết nào của các cây bút trẻ, chỉ thơ và truyện ngắn thôi”.
Thôi thì hãy để “chúng tôi nói về thế hệ mình”, trong “Hội nghị những người viết trẻ “ tháng 11-2003 tại Sàigòn, các nhà văn trẻ tham luận phần lớn “đề tài mưu sinh” tức những chuyện xoay quanh cái dạ dầy chẳng hơn gì “ kêu đói, kêu nghèo” như cụ Nam Cao ngày xưa.
Khi phóng viên VietnamNet hỏi rằng :” Những tác phẩm văn học hôm nay không dài hơi, có nhiều tác giả viết một hai cuốn rồi lặn mất tăm. Là những người tương lai sẽ đại diện cho bộ mặt văn học của thành phố, chị có suy nghĩ như thế nào?”, nữ thi sĩ Thu Phương, rất nổi tiếng tại…Hội nhà văn TP HCM than rằng :”Đời sống kinh tế bấp bênh, người ta tạm gác niềm đam mê sáng tác qua một bên để mưu sinh.Tuy nhiên, đến khi thoải mái thong thả rồi, muốn viết lách trở lại chưa chắc còn đủ tâm huyết, chưa chắc tài năng không mai một. Cũng như nhiều người trẻ đang còn lập thân, tôi thấy cần phải ổn định đời sống kinh tế trước, rồi mới yên tâm sáng tác. Thật khó làm tốt cả hai cùng lúc.”
Còn cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Thuần, tác giả của “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Giăng giăng tơ nhện” - người có duyên với nhiều giải thưởng văn học cũng phụ hoạ :”Nếu tôi có 24 giờ nguyên vẹn, thì e rằng 3/4 tôi đã dành cho kiếm sống, 1/4 cho những hoài bão. Nhưng hoài bão không phải lúc nào cũng thực hiện đúng khoảng thời gian ấy, có lúc mệt phờ vì mưu sinh, vì giận hờn ai đó, vì muốn uống cà phê một cách thư thả,… và thế là xén mất cái phần hoài bão ấy đi. Còn văn chương giống như một cái gì le lói sau một ngày….”
Than ôi, nếu ngày xưa bác Tố Hữu “dành cho thơ cho Đảng phần nhiều” mà thơ bác tới nay cũng chỉ còn sống trong…sách giáo khoa, thì văn chương chỉ là cái gì đó “le lói sau một ngày” liệu có nên cơm cháo gì chăng ?
Vậy thì những ai sẽ đáp ứng lòng mong mỏi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường “ Thời đại nào cũng cần sự thật, nhà văn lại càng phải nói lên sự thực …”.
Các ông nhà văn ăn lương, ăn bổng lộc Nhà nước vẫn tụ tập quanh các cơ quan Hội nhà văn, báo chí, xuất bản …chăng ?
Khi “vết trói đã lằn trong tâm hồn”, khi đã “tự cung” thành các công công quẩn quanh triều đình thì việc “nói lên sự thực” là việc “bất khả ”, xin hãy cứ để yên cho họ tiếp tục sản xuất ra thứ “văn chương tào lao” như ông Nguyễn Hũu Liêm đã viết trên trang nhà TALAWAS, xin hãy cứ để yên cho họ phản ánh một thứ “giả hiện thực” mà bây giờ đến con nít cũng chẳng tin.
Thôi thì trông cậy vào các ông ngày trước đã có đôi chút “nói thật” như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Ma văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường…Tiếc thay ngoài Nguyễn Huy Thiệp ra, phần lớn các ông đó đã tự ràng buộc vào “cái ghế” trong các cơ quan Hội nhà văn Việt Nam khiến những tác phẩm thời ‘cởi trói” chỉ còn là…những kỷ niệm một thời .
Thế còn Nguyễn Huy Thiệp, ngọn cờ đầu, cụ tiên chỉ trong làng văn Việt Nam liệu có dám đón “những con chó ngao” vào ngôi nhà văn chương của mình ?
Trên Tạp chí Ngày Nay số ra tháng 10-2003,nhà văn số 1 này đã viện dẫn cả bác Hồ ra trong bài viết của mình :” Bác Hồ khi đặt ra câu hỏi "Viết để làm gì?" là muốn lái cái dục vọng thấp hèn ở nhiều người viết sang một động cơ cao cả thiêng liêng tức là làm cách mạng, thay đổi chế độ xã hội thực dân phong kiến.” , rồi ông còn lớn tiếng :” Tôi cứ nghĩ rằng thời của tiểu thuyết sẽ là thời của dân chủ, thời của những tư tưởng tự do, thời của sự ổn định chính trị và kinh tế: đấy cũng là thời mà chúng ta đang sống bây giờ. “
Ối trời ôi, thời của chúng ta đang sống bây giờ mà lại là “thời của dân chủ, của tư tưởng tự do” thì “cụ tiên chỉ” còn đợi gì nữa mà không viết ngay một cuốn tiểu thuyết ca ngợi công ơn của Đảng và chính phủ.
“Nhà văn bây giờ quá…nhát”- Câu nói của nhà văn Lê Văn Thảo cách nay cả 7,8 năm xem ra vẫn còn mới tới bây giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét