Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

HÀ NỘI ...."HỒI ẤY" (11)

Hà nội …”hồi ấy” (11)
            
              ( tiếp theo)


 Đến nước này cái bụng tôi không còn chịu nổi, mặc cho cái miệng tôi vẫn tươi cười, còn nó, nó gào lên : “Cô có mù không đấy, chả lẽ cô không nhận ra người ta đang đói toát mồ hôi ra sao ?”. Tôi phải bịt ngay miệng nó lại, vui vẻ hỏi nàng ăn vậy đã no chưa và khi nàng khăng khăng không thể nhận thêm một tí gì nữa vào dạ dày, tôi mới nâng niu nàng lên ngồi sau xe và gò cổ đạp.
     Tôi chắc nàng Ánh Tuyết sẽ miễn thứ khi tôi nhớ lại chuyện này, tẹp nhẹp, tầm thường quá, nhưng không phải lỗi tại tôi, mọi chuyện dính dáng tới nàng tôi đã quên sạch, chỉ tại đôi mắt vô cùng nhạy cảm của con gái ông bà Đ. và chiếc bánh đậu xanh nàng dúi vào tay mới làm bật ra những điều vốn đã quên lãng như thế.
Lòng chuếnh choáng những cảm xúc vô cùng mới mẻ về tình người, tôi đạp xe trở về gõ cửa phòng. Bác sĩ Trịnh ra mở cửa, cau có :
- Sao về sớm thế ?
 - Không thấy chiếc xe máy dựng ngoài cửa tao tưởng khách về rồi.
   Trịnh nháy mắt :
-Đúng lão về rồi, riêng em vẫn ở lại, lâu lâu em “boa” cho tao một chầu  miễn phí.
Cô y tá trở ra, ghé tai Trịnh nói nhỏ rồi lại quay vào. Hắn nhìn tôi cười cợt :
-Em vừa bảo nếu mày thích thì em cũng chiều mày một cái, gọi là… bồi dưỡng người trong nhà .
 Tôi từ chối dứt khoát, đành lại đạp xe lang thang và quanh co thế nào tôi lại thấy mình đang đứng trước cửa nhà cô gái vừa cho cái bánh đậu xanh. Hỡi ôi, nàng không còn ở đó nữa, hai cánh cửa đóng im ỉm, bậc hè nàng ngồi dường như chỉ còn vương lại đôi mắt mắt đen láy.
 Tôi bỗng nhận ra mình đang phạm vào lời thề độc tránh xa đàn bà, nguồn gốc mọi thứ khổ đau, phiền toái ở trên đời. Mặc dầu vậy chiều hôm sau tan sở, tôi thôi không vào thư viện như mọi ngày mà đạp xe tới chực ngay trước cửa nhà nàng. Giá như tôi cứ đứng xa xa như người đi đường thì chả sao, đằng này chẳng hiểu một ma lực nào đó cứ kéo tôi lại gần, gần nữa cho tới lúc lù lù ngay giữa cửa nhà nàng, mắt đau đáu nhìn vào trong. Tôi cứ đứng thế chờ, chờ mãi và rồi tim muốn nhảy ra ngoài khi có tiếng lạch xạch mở khoá bên trong. Than ôi, cái người vừa ló ra không phải cô gái tối qua mà là một ông già cau có, hom hem, ông Đ., thân sinh của nàng . Ông quát vào mặt tôi :
-Anh hỏi ai ?
  Tôi đớ người, hệt như con bạc mở đĩa đinh ninh con lục ngờ đâu lại vớ phải con nhất. Tôi còn ấp a ấp úng chưa tìm ra được cái cớ chính đáng ông lại đã quát lên :
- Anh rình mò nhà tôi hả ? Tính chôm chỉa hay sao đây ?
  Một sáng kiến vĩ đại vừa nảy ra làm tôi nhanh nhảu :
- Không ạ, cháu tới nhà bác mua… giấy cân ạ.
- Giấy cân là thế nào ?
- Là báo cũ, sách cũ, giấy vụn… bác không dùng đến để chật nhà, bán đi cho người ta xay thành bột giấy.
   Ông Đ. dịu hẳn lại :
- Ra thế đấy, vậy anh mua bao nhiêu tiền một ký ?
 Trời đất, khoản này tôi mù tịt, cứ đáp bừa :
- Dạ…năm trăm đồng giấy báo, ba trăm đồng sách cũ và hai trăm đồng giấy vụn ạ.
Anh mua vậy thì được, tôi sẽ bán cho anh. Bữa trước con mẹ đồng nát bắt bí trả tôi có hai trăm rưởi một ký giấy báo thôi.
  Nguy to rồi, tôi chẳng biết giá cả ra sao, phen này ông ấy ấn cho mua một tấn thì sạt nghiệp. Tôi ôm nỗi lo, luýnh quýnh đẩy xe theo ông vào nhà. Cô gái đang lúi húi nấu nướng trong bếp, nhìn tôi đầy kinh ngạc. Ngọn lửa làm má cô đỏ au, mái tóc dài mượt chảy xuống đôi vai nhỏ khiến tôi mải ngắm suýt nữa đâm sầm vào vại nước.
- Lối này, đi lối này…
Ông Đ. kéo tay tôi vào căn buồng thấp, tối mờ, thoáng một vệt nắng rọi từ lỗ thủng trên mái xuống để thấy lơ lửng đám bụi dày đặc.
- Anh ngồi tạm đây rồi tôi sẽ soạn cho anh đủ thứ. Báo Nhân Dân, báo Quân Đội, báo Tiền Phong tôi giữ được gần đủ bộ từ ngày mới giải phóng kia nhé. Rồi chuyện dày chuyện mỏng từ Nhân dân ta rất anh hùng,Sống như anh đến Bút Ký Hoà Vang, Dấu chân người lính… tôi có đủ, không thiếu cuốn nào. Ôi dào, giữ mãi cũng chẳng làm quái gì, tổ chật nhà, kỳ này tôi sẽ soạn ra bán hết, bán hết.
Tôi lo ngay ngáy nhìn ông hăng hái leo lên nóc tủ lôi xuống từng chồng từng chồng báo cũ nát, kéo theo những đám bụi bay mù mịt.
-  Bố làm gì đấy bố ?
 Cô gái bước vào, cất giọng ngọt ngào, đứng sát ngay bên làm tôi quên béng ngay ông già với mớ di sản quá khứ định bán giá rẻ. Tôi quay sang cảm ơn nàng về chiếc bánh đậu xanh tuyệt vời đêm qua và khẽ nói cái đống báo cũ kia chẳng dính dáng gì tới tôi, chẳng qua là cái cớ để tôi đến gặp nàng.
- Anh có biết không ? Ông Đ. chợt kêu to – đã có một thời tôi nghiện đọc xã luận đấy ạ, sáng nào cũng pha ấm trà, việc cơ quan bận mấy bận, gác đấy, đọc cho hết bài cái đã. Phải nói ba cái thằng đó viết giỏi thật anh ạ, câu chữ cứ sang sảng, đọc lên người cứ như mê đi mới chết chứ. Mẹ kiếp…
 Cô nàng vội cắt ngang lời ông bố khỏi tuôn ra những lời bình luận về báo chí mà chắc cô đã được nghe nhiều lần và chẳng hay ho gì. Tôi nói tôi mù tịt chuyện đó vì xưa nay rất ít khi tôi sờ đến tờ báo và bây giờ đối với tôi báo nào cũng vậy thôi, tôi chỉ quan tâm đến trọng lượng của chính nó. Ông Đ. chợt nhớ :
-Anh không đem cân theo hả ?
Tôi chống chế rằng bước đầu mới đi dạm mua thôi, nếu thoả thuận được giá cả mai tôi mới mang cân tới, như vậy, tôi đã có cớ để trở lại gặp nàng. Nàng như hiểu được thâm ý của tôi, mặt ửng đỏ và quay sang bảo ông bố tạm dẹp đống báo cũ mời tôi ra phòng ngoài uống nước. Nhưng ông Đ. đã chạy vào nhà trong xách ra một cái cân tạ, hăng hái nhét đống báo cũ vào cái bao tải như thể muốn tống khứ chúng đi ngay tức khắc. Cả tôi và ông đều phải ghé vai vào cái đòn gánh mới nhắc bổng được nó để ông nhìn vào mã cân reo to :
- Năm mươi tư cân ba lạng rưỡi…
- Mẹ kiếp có thế thôi ư ?
- Thôi bố ơi…
Giọng cô gái vang lên làm ông Đ. nổi xung, chửi cha cuộc đời đen bạc, đổ xương đổ máu biết bao năm trời rốt lại về già tay trắng thua cả con mẹ rửa bát cho chủ hiệu phở. Lúc đó tôi chưa biết ông ám chỉ chính vợ ông, chỉ thấy cô gái hốt hoảng chạy tới bịt miệng bố :
- Thôi con lạy bố, mẹ con sắp về tới kìa, rồi lại ầm ĩ lên, nhà đang có khách.
Cô gái nhìn tôi với ánh mắt cầu khẩn như muốn tôi rút cho nhanh khỏi nơi này, tránh tham gia vào tấn kịch rất riêng trong gia đình cô. Tôi buộc thật nhanh bì tải báo cũ lên xe đạp, ấn tiền vào tay ông Đ… thật không may cho nàng, tôi chưa kịp đẩ xe ra cổng đã nghe tiếng người đàn bà xoe xoé từ trước khi nhìn thấy bà :
- Giấy má ở đâu mà vung vãi khắp sân ra thế kia ? Một đống người nằm không mà để nhà cửa như cái bãi rác thế kia cho khổ tôi không cơ chứ ?
Bà giữ chặt lấy ghi đông xe đạp như thể tôi đang cướp của nhà bà :
- Anh là ai ? Ở đâu đến, ai cho anh chở đồ nhà tôi đi ?
    Oâng Đ. từ nhà trong nhảy phắt ra :
- Bà làm cái gì thế ? Bộ bà là công an sao đòi giữ người ? Tôi bán báo của tôi cho anh ta đấy. Quyền gì bà cấm tôi nào ?
   Cô gái ôm chặt lấy bà mẹ van vỉ :
- Con lạy mẹ, mẹ để cho anh ấy đi, người ta mua bán đàng hoàng chứ có gì mẹ phải làm ầm lên, hàng xóm cười cho…
     Nàng đẩy tôi ra khỏi nhà với cái nhìn ảo não :
- Em xin lỗi anh… anh đi đi… sau này anh sẽ hiểu… bố mẹ em không phải thế đâu.

                             (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét