Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

HÀ NỘI...HỒI ẤY (5)

KỶ NIỆM 57 NĂM NGÀY ĐẢNG CHÍNH PHỦ VỀ HÀ NỘI  (10-10-1954/2011) :

              Hà nội…hồi ấy (5)


3.

Hóa ra mọi chuyện trên đời dường như đều do một đấng siêu nhân an bài, sau hai quả trời giáng, thật chẳng ngờ số phận lại mỉm cười, ban tặng tôi một tình yêu siêu việt. Giờ đây nhắm mắt tôi vẫn mường tượng vẻ mặt đau đớn và giọng nói thảng thốt của nàng khi lần đầu tiên đặt chân vào căn buồng “tổ dế” cuả tôi :
“Trời, anh ăn ở thế này đấy ư ?”.
Thật không thể tưởng tượng được sự thô lỗ của ông Đ. cộng với tính chua ngoa của bà Đ. lại có thể tạo ra được vẻ dịu dàng đến thế ở nàng. Chẳng phàn nàn, kêu ca thêm nửa lời, nàng cầm lấy chổi, giẻ lau và chỉ sau  một tiếng đồng hồ, dưới đôi bàn tay kỳ diệu của nàng, căn buồng nhỏ của tôi đã sáng lên sạch sẽ, gọn ghẽ và hình như lại rộng rãi thêm ra.
Không tất bật vất vả như với Ánh Tuyết, cũng không thấp thỏm, nóng bỏng như với Cẩm Lai, tôi ngồi hàng giờ nhìn vào mắt nàng tận hưởng bình an, thanh thản như khi chiếm ngưỡng tranh tĩnh vật vậy.
Nàng không đòi hỏi bất kỳ điều gì, lặng lẽ, nhẫn nại ở bên tôi như một sinh vật nhỏ nhoi, yếu ớt cần vòng tay bảo vệ. Hỡi ôi, người con gái mỏng manh, thanh nhã như nàng lại phải sống trong không khí dung tục, đầy bạo lực như gia đình bố mẹ nàng sao.
Ông bố dường như suốt đời cóm róm trước đủ các thứ thủ trưởng, không trút được vào đâu nỗi hờn oán thâm căn cố đế, đành đổ tất cả lên đầu vợ con như là nơi duy nhất giải tỏa mọi ẩn ức, dồn nén. Tuy nhiên, bà Đ. từ ngày xin được chân rửa bát ở một hiệu phở, có đồng ra đồng vào đã kiên quyết vùng dậy đòi cho được cái quyền bình đẳng là hòn đất ông ném đi, hòn chì bà ném lại, thành thử chỉ còn mỗi cô con gái là cái bị bông cho ông trút mọi thứ hờn giận cuộc đời.
Từ sáng tinh mơ ông đã trở dậy, và thật vô phúc cho nàng khi ấm nước đổ phích chưa thật sôi. Bộ ấm chén Trung Quốc đã đánh tinh tươm đâu vào đấy ông vẫn bới ra đủ chuyện từ “đôi dép của tao sao để so le thế này”tới “bát cơm nguội chiều qua còn ăn được sao phí phạm đổ vào nồi nước gạo” để cao giọng giảng giải cho con gái bổn phận làm người như ngày xưa ông đã từng nghe các thủ trưởng lên lớp.
Tất cả những chuyện đó nàng không hề hé răng, tôi biết được là do bà Đ. kể lể khi tôi tới  ông Đ. đi vắng . Đôi lần tôi can ngăn bà quá hăng hái trong việc kể tội ông chồng, bà Đ. nhìn tôi ứa nước mắt :
- Ngày xưa tôi đâu có thế này…”
Bà lại mở cái băng ghi âm muôn thủa về cái “ ngày xưa” thời bà còn là nữ sinh trường Trưng Vương, tha thướt trong áo dài trắng, tay phất cờ đỏ, hồ hởi đón bộ đội về giải phóng Hà Nội. Ông Đ. là một người trong đoàn quân oai hùng  ấy. Cô nữ sinh đầy hoang tưởng và mộng mơ bị chinh phục  bởi vẻ phong sương, khắc khổ của người chiến binh chiến thắng trở về còn thơm mùi thuốc súng.
Cô lên xe hoa về nhà… mình, bởi lẽ chàng bộ đội chuyển ngành chẳng có gì hết ngoài cái ba lô đựng huân chương và một mức lương chỉ vừa đủ nuôi chính anh ta . Cô nữ sinh Hà Nội vừa kịp nhận ra sai lầm chết người của mình thì cũng là lúc cô đã biến thành người khác qua các buổi học chính trị, kiểm thảo trong liên tiếp các đợt chỉnh huấn xuân hạ thu đông.
Thôi nhé cái “công, dung, ngôn hạnh” dở hơi thời phong kiến, cũng thôi luôn cái thói cổ hủ “xuất giá tòng phu” bởi lẽ cô vẫn ở nhà cô và chính ông chồng mới là người ở nhờ. Những chăm sóc buổi đầu của người vợ trẻ mất dần, anh chồng có nằm mơ cũng chẳng thấy lại thủa ban đầu vợ đã từng cúi xuống tháo giày cho anh mỗi khi đi làm về, bưng thau nước nóng vào tận giường cho anh rửa mặt vào mỗi sáng mùa đông. Anh đi làm vợ cũng đi làm, anh cán bộ vợ cũng cán bộ, chúng ta bình đẳng nam nữ, chẳng ai nuôi ai, hầu ai và vợ anh sẵn sàng bốp chát lại một khi anh quên đi cái điều đó.
Ba mươi lăm năm sống đời cán bộ cho tới khi về hưu, bà Đ. đã kịp tiêu diệt cái tính cách con gái Hà nội 1954 và đã kịp hình thành “con người mới xã hội chủ nghĩa” an phận, ích kỷ, ghen ghét và thích nhòm ngó kẻ khác hợp với nền văn minh “tem phiếu” trong suốt cả thời kỳ bao cấp. Đôi khi ký ức về cô nữ sinh đoan trang, hiền dịu ngày xưa trở lại, bà khóc thương chính bà và cả ông nữa .
 Tôi an ủi bà rằng kể từ ngày Đảng và Chính phủ vào Hà Nội , một qủa bom nguyên tử của lòng thù hằn, ích kỷ đã nổ tung giữa mọi người và chẳng mấy ai tránh khỏi nhiễm xạ.  Ngay như tôi, tự nguyện đứng ngoài mọi  giành giật, đấu đá, ấy vậy mà mỗi khi cơ quan công bố danh sách lên lương không có tên mình, tôi cố nghĩ rằng ai lên được là ta mừng nhưng  vẫn thấy nóng bừng cả mặt.
Ta cho ngươi ước một thứ mà người hàng xóm sẽ nhận gấp đôi phần ngươi”. “Vậy thưa Bụt, xin cho con được… chột một mắt”.
Buồn thay, chúng ta là như thế . Liệu có ngoại lệ được chăng ? Có đấy, duy nhất một con người mà tôi được thấy : Nàng. Ngay khi mới gặp nàng đã gây cho tôi một lo lắng mơ hồ : liệu nàng có sống sót nổi trong cái thế giới đầy biến động và đầy bạo lực này chăng ? Nàng đã sinh nhầm thời, hẳn thế, lẽ ra hoặc sớm hơn một thế kỷ khi những miền quê thanh bình hãy còn véo von tiếng sáo mục đồng, hoặc muộn hơn một thế kỷ khi mọi cuộc cách mạng chỉ còn là những kỷ niệm lịch sử. Nhưng nàng đã lọt lòng trong tiếng kêu ai oán của những oan sai cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản , trong tiếng gào rú bom đạn của cuộc chiến kéo dài suốt ba mươi năm, trong tiếng thở dài của bà Đ. vạch vú cho người ta nặn sữa để được lĩnh cái phiếu tháng tháng mua hai hộp sữa giá rẻ. Còn đỏ hỏn một tháng tuổi, nàng đã bị bọc trong chiếc áo bông cũ của ông Đ. gửi nhà trẻ nằm u ơ tám tiếng giữa những đứa bé ba ngày ba bữa bột với chút mì chính sau khi đã bị đủ các thứ người lớn bớt xén.
Thật kỳ lạ, nàng chịu đựng rất giỏi  đến mức cô bảo mẫu phải kêu lên với bà Đ. :
“Cái con bé này không biết khóc, suốt ngày nó ngủ, thức dậy cứ  giương mắt nhìn trời, giá như đứa nào cũng như nó thì tụi em sướng.”
Ông Đ. yêu con theo cách của ông, mới bấp bẹ biết nói, nó đã bị ông nhồi nhét đủ thứ bài hát : “Trông cho có giặc tới nhà là đánh…” hoặc “Không cho chúng nó thoát… chúng bay vào sẽ không có đường ra…”
Than ôi, cho dù ông bắt nhai nhải suốt ngày, nàng cũng chẳng hề thuộc nổi lấy một câu. Suốt năm mẫu giáo không khi nào được phiếu “bé ngoan” bởi lẽ chẳng bao giờ nàng giơ tay xin có ý kiến bạn này tay bẩn, bạn kia giật tóc con gái…Dường như trong đầu nàng chẳng có chỗ giành cho những thứ đó . Nàng khăng khăng từ chối không đeo khăn quàng đỏ, không phấn đấu vào Đoàn làm ông  Đ. suốt ngày la hét :
“Con này hỏng, chẳng chịu tu dưỡng rèn luyện, sau này có mà đi bốc cứt…”
Ông Đ. còn nhấn mạnh :
“Bốc cứt cũng không xong , ngay cả vào Công ty vệ sinh không có Đoàn, không có Đảng, đố mày ngoi lên khỏi cái chân đổi thùng…”
Những lúc đó nàng thường nép góc phòng chẳng nói năng gì, chỉ giương lên cặp mắt lo âu và ngỡ ngàng. Duy nhất một điều an ủi được ông bà Đ. ấy là càng lớn lên nàng càng đẹp, không sắc sảo, sống sượng thời thượng mà là thứ nhan sắc cổ tích, không mảy may gợi dục tính, chẳng lôi cuốn được các chàng trai mỹ cảm thường thiên về da thịt.
Nhìn đám con trai lũ lượt bỏ đi, bà Đ. chép miệng :
“Thời nay chúng nó có mắt như mù, chỉ ưa cái loại hở hang đĩ thoã”
Ông Đ. cãi :
“Thì cũng tại con gái bà, bạn trai tới chơi, mặt cứ đờ đờ đẫn đẫn như người nhà chùa, trách gì tụi nó chẳng chân giò lảng ra.”
Bởi thế tôi được ông bà Đ. nhiệt liệt đón tiếp dẫu rằng tôi chẳng tới bằng xe CUB, cũng chẳng có nổi lấy bộ cánh cho tươm tất, và rồi ngay cả khi tôi chưa dám thổ lộ gì với nàng, bà Đ. đã xa xôi bóng gió :
“Tôi giao em nó cho anh đấy, liệu mà bảo ban lẫn nhau, rõ khổ, lành hiền quá hóa đụt.”
   Riêng tôi thấy nàng chẳng đụt tý nào, thông minh, ranh mãnh nữa là khác, dường như mọi ý nghĩ, việc làm của tôi nàng đều biết cả và chả nói năng gì, nàng chỉ giữ nụ cười ấm áp trên môi. Có lần nàng bảo tôi nếu sau này tôi bỏ nàng đi với người khác, nàng cũng chỉ quay mặt, nhìn chỗ khác. Tôi thề sống chết với nàng rằng duy nhất chỉ có nàng là người thương yêu tôi thực lòng mà không hành hạ tôi bằng cái nết đỏng đảnh đàn bà, duy nhất có nàng là người mang tới cho tôi sự an nhiên, tĩnh lặng trong cái cuộc đời chó đẻ này. Nàng đã hoảng hốt giơ những ngón tay búp măng trắng nuột lên miệng tôi ngăn không cho nói năng bậy bạ. A, càng ở bên cạnh nàng, càng đối chiếu với nàng, tôi càng nhận ra cái chất lưu manh, dung tục tôi đã bị tập nhiễm ở ngay “môi trường cán bộ “ trong cơ quan tôi.
   (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét