Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

NỖI BUỒN VÀ NHÂN CÁCH TRONG THƠ



Hội thảo thơ Sầm Sơn 9/2011

  














Hình như tiền của dân cứ để trong túi là nóng rãy lên không chịu nổi  nên mới hồi tháng 9 Hội nhà văn tổ chức “Hội nghị cây bút trẻ” tốn bao nhiêu chắc chỉ có bác Hữu Thỉnh biết, vài ngày sau lại đã tổ chức Hội thảo thơ tại Sầm Sơn, Thanh hóa 7-8/9/2011.
Nội dung chưa biết hay dở ra sao chỉ thấy trên trang Trần Nhương chạy ngay một tin nóng hổi :
     “CÂU HỎI VÀ LỜI ĐÁP HAY NHẤT TRONG TUẦN”
 
 Câu hỏi là của nhà thơ Vũ Quần Phương :
““Bây giờ cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào thì đã ai giải đáp được đâu. Anh Hồng Vinh, bạn lâu năm với tôi ngồi đây cũng có giải đáp được vì sao xã hội chủ nghĩa của ta lại phân biệt giàu nghèo đến thế? Nhiều người ngồi mát ăn bát vàng, bát kim cương. Lại có nhiều người khổ quá. Khi tôi đi nói chuyện về thơ, thấy công nhân khổ quá, đành khất”

Câu trả lời là của  Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh :
“Nhà thơ Vũ Quần Phương sáng nay có nói: chủ nghĩa xã hội mà sao lại như vậy? Thưa anh, chúng ta đã có chủ nghĩa xã hội đâu. Chúng ta đang tiến dần từng bước tới chủ nghĩa xã hội.”

Lời bình của bác Trần Nhương :
“ Tuyệt”

Chẳng biết bác Trần Nhương khen thật hay xỏ ngọt đây, chỉ xin hỏi nhà thơ Hữu Thỉnh :
“ Ta mới tiến dần từng bước tới chủ nghĩa xã hội mà đã vậy (Nhiều người ngồi mát ăn bát vàng, bát kim cương. Lại có nhiều người khổ quá.), vậy thì khi tới nơi, khi xây dựng xong chủ nghĩa xã hội , chắc cán bộ Đảng thành “chủ nô”, dân thành “nô lệ” như thời Trung cổ  mất ?”
     Nói theo kiểu Hữu Thỉnh :
 "Đảng dắt dân ta từ chỗ tăm tối ra chỗ mặt trời . Càng đi càng tối, dân mới thắc mắc “mặt trời  đâu ?”, Đảng trả lời :” Ta đã tới mặt trời đâu, mới dần từng bước tới thôi mà…”

Tuy nhiên qua báo chí, cuộc Hội thảo cũng có nhiều cái hay. Hay nhất là bài “LẠM BÀN VỀ THƠ VIỆT HÔM NAY” của quan lớn hồi hưu Nguyễn Khoa Điềm. Quả thật, có nằm mơ cũng không thấy một ông nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tư tưởng của Đảng lại đặt bút viết :
“Ngày nay, nhân cách là vấn đề lớn của thời đại. …Vì vậy mệnh lệnh của thời đại là mệnh lệnh về nhân cách. Cái đập mắt mỗi người Việt Nam khi ra đường hôm nay là những vấn đề nhân cách. .. Bảo vệ dân tộc trước hết là bảo vệ con người Việt Nam trên biên giới của nhân cách và mất nhân cách. “
          Ái chà, quả thật là một bước tiến dài trở về với …nhân cách. Bởi lẽ từ sau khi rước “ đề cương văn học Diên An” về thì trong văn học nghệ thuật kỵ nhất hai chữ “nhân tính” và chỉ cho phép có tính Đảng, tính giai cấp, tính dân tộc thôi .
Còn nhớ phim “người thứ 41” của Liên xô chiếu ở Hà Nội vẫn bị phê phán tại sao sau khi bắn chết thằng Bạch vệ, cô nữ du kích lại chạy đến ôm hôn nó ? Phải chẳng bộ phim muốn đề cao “nhân tính” còn rơi rớt trong con người cô ta.
“ Tôi trót yêu con địa chủ
Quá yêu rồi biết bỏ sao đành ?”
Hai câu thơ thời cải cách bị kịch liệt phê phán vì “nhân tính” và phi “giai câp tính”
“Nhân tính” còn bị cấm nói gì đến “nhân cách”.
Con người mới xã hội chủ nghĩa thực chất là “con người siêu ngã”, con người công dân, mang nặng lý tưởng của Đảng chứ không hề có cái gọi là “nhân tính” hay “nhân cách”.
Bởi vậy ông Nguyễn Khoa Điềm rất dũng cảm khi chỉ ra :
 Ngày nay, nhân cách là vấn đề lớn của thời đại. …Vì vậy mệnh lệnh của thời đại là mệnh lệnh về nhân cách…”.
Nếu các ông cán bộ Đảng, Nhà nước từ cấp thôn, xã tới cấp trung ương đều phải tu dưỡng để có “nhân cách” thay vì học tập theo gương đạo đức của Bác Hồ thì thật đại phúc cho dân ta. Khi có “nhân cách” người ta sẽ có liêm sỉ, sẽ xấu hổ khi “đạp lên mặt dân”, ăn tiền của dân, người ta sẽ từ chức ngay khi nhiệm kỳ của mình đã gây ra bao nhiêu tổn hại cho dân cho nước, sẽ không im lặng khi ngư dân bị bắn giết trên biển..
Ông Nguyễn Khoa Điềm còn kêu gọi :
Thơ ca phải lên tiếng, phải đến với vấn đề nhân cách cá nhân, phẩm cách của dân tộc và phải tự mình trở thành nhân cách. Thơ Đường lớn không phải vì nó là đứa con của một thời đại thịnh trị, mà chính vì ở những đại diện lớn nhất của nó đã dám viết: “Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường xương chếtrét” (Đỗ Phủ). Đó là nền thi ca của những nhân cách và tài năng lớn. Đó là nền thi ca giàu phẩm hạnh.”
Trước hết ông Nguyễn Khoa Điềm nhớ nhầm :
             “Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường xương chết rét…”
   Thực ra là:
              “  Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường xương chất đống””
          Chứ không phải …chết rét. Xương sao “chết rét “ được . Muốn thơ trở thành “nền thi ca của những nhân cách lớn ” thì trước hết 1000 ông hội viên Hội nhà văn phải là 1000 nhân cách (nhỏ cũng được, chưa đòi phải lớn). Đó thật là một ảo tưởng vĩ đại. Thử hỏi ngay ông Chủ tịch Hội đã có nhân cách chưa, 14 vị Ủy viên chấp hành dám tự coi mình có nhân cách không ? Than ôi niềm mong mỏi của thi sĩ Nguyễn Khoa Điềm mới xa xôi, hão huyền làm sao !
Một bài gây chú ý không kém nữa là “ Sự vắng mặt của nỗi buồn trong thơ hiện đại “ của nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch.
Xin thưa ngay dù là trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội đi chăng nữa thì văn thơ cũng vẫn …cấm không được…buồn.
Tất nhiên không có văn bản nào thô thiển như vậy, nhưng cái quy ước đó vẫn còn nằm sâu trong tâm thức các nhà văn, nhà phê bình, nhà quản lý.
Còn nhớ trước đây ông nguyên Bộ trưởng Bộ văn hóa Lê Liêm đã lớn tiếng :” cách mạng là tuyệt nhiên không có bi kịch”. Trong một buổi bàn về sáng tác, nhà văn Huy Phương, tác giả “Khói trắng” đã trợn mắt bảo tôi :” trong văn chương cách mạng cấm không được thở dài, chưa nói đến nhỏ một giọt nước mắt .“
Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật bị đánh tơi bời chẳng qua là thở dài , nhỏ một giọt nước mắt đấy thôi.
   Có phải “nỗi buồn nhược tiểu” đã chảy dài qua cả thập kỷ nhạc tiền chiến với “Giọt mưa thu”, “Đêm đông”, “Con thuyền không bến” ... và thơ lãng mạn rồi bị chặn đứng từ sau mở cửa biên giới với Trung Quốc du nhập “văn nghệ Diên An”?
Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch viết :
“Sự vắng mặt nỗi buồn trong thơ hiện đại là thông điệp cảnh báo trạng thái sống mất thăng bằng hay trạng thái tâm thần của xã hội…”
Không hẳn thế mà là thông điệp bộc lộ tính khiếp nhược của các nhà thơ và những quy phạm ngày xưa vẫn còn tác động tới bây giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét