Ông hể hả nhận lại sổ mua hàng và tiền, không quên căn dặn sáng mai nếu có đậu phụ về phải báo ngay cho ông.
Tôi thở hắt ra, cũng đành, mai sau nếu được làm thủ trưởng tôi sẽ sai lính của tôi xếp hàng mua… củi tạ. Than ôi, tôi bỏ lỡ cơ hội ấy khi chạy trốn cô nàng Cẩm Lai, ái nữ của Ngài rồi. Rômêô, Giuyliét và… Ngài, chịu thôi, đến ông Skakespeare có sống lại cũng chẳng tưởng tượng nổi cái bi kịch hiện đại ấy sẽ diễn ra như thế nào. Cái thế giới của xe Vonga, của nhà lầu có rào sắt bao quanh, có chó dữ canh cổng…cái thế giới ấy cứ “kính nhi viễn chi” là hơn cả. Có lần nhác thấy bóng Cẩm Lai đầu phố, tôi vội quay xe, cắm đầu cắm cổ đạp. Không may nàng đã thoáng thấy tôi, cái CUB bóng loáng của nàng chỉ cần lướt đi một đường ga đã bắt kịp và ép tôi vào vĩa hè :
- Anh trốn em phải không ?
Tôi tiếc đứt ruột cái thân thể tươi mát và sang trọng của nàng, nhưng nỗi khiếp sợ quyền uy của Ngài đã át đi tất cả, tôi làm ra vẻ dửng dưng :
- Anh… xin lỗi… anh đang có việc phải đi gấp.
Nàng nhìn sát mặt tôi, cười khảy :
- Anh sợ hả ?
- Không có gì mà phải sợ ?
- Tụi nó sờ tới anh rồi chứ gì ?
Tôi chối biến :
- Không, chẳng có ai cả, anh cũng chẳng biết tụi nó là ai nữa hết.
Nàng tỉnh bơ :
- Là chân tay của bố em ấy. Ông đã diễn cái vở này mấy lần rồi. Ông muốn em lấy chồng phải môn đăng hộ đối, con Uỷ viên trung ương trở lên kia. Chắc anh cũng dính đòn rồi nên mới bỏ của chạy lấy người phải không ?
Tôi lắc đầu quày quạy :
- Không không, anh chẳng dính đòn của ai hết, anh chỉ… bận quá thôi, chẳng có lúc nào ở nhà cả đâu, em đừng tới nữa.
Nàng nhìn tôi với ánh mắt khinh bỉ :
- Em không ngờ anh hèn thế, Ánh Tuyết cho anh rơi là đáng lắm.
Nàng hầm hầm phóng xe đi bỏ lại tôi đứng bên lề với nỗi ê chề hổ thẹn đến ứa nước mắt. Cũng đành, phận mình đôi khi nỗi nhục cũng trở thànnh xa xỉ. Lúc này tôi chưa được gặp con gái ông bà Đ. chưa hề biết trên đời này còn có nàng, văn minh của tôi, nhân loại của tôi, cộng đồng của tôi. Bởi thế tôi tự thề từ nay tránh cho xa đám đàn bà con gái, nguồn góc mọi thứ rắc rối trên đời, loại hàng xa xỉ mà hạng người như tôi chưa được “xét tới trong diện phân phối”…
Quả thực vào cái thời ấy, con người là thế đó, cả một cộng đồng người bị cắt vụn ra bởi các thứ bìa A,B,C… Các thứ cửa hàng Đồng Xuân, Nhà thờ, Tôn Đản, và rồi ngay cả tới vùng trời vùng biển cũng chia thành khu nhân dân khu cán bộ. Trong cái bảng phân loại chi li đó, giá như tôi có thể dũng mãnh như Thạch Sanh, xảo trá như Lý Thông cũng khó mà leo tới được cái chóp nón giai tầng của nàng. Tôi tự lý lẽ vậy để khoả lấp nỗi sỉ nhục nàng Cẩm Lai đã ném vào mặt tôi, và rồi để chứng tỏ mình chả đến nỗi hèn như nàng nói, ngày hôm sau tôi đi làm muộn hẳn một tiếng đồng hồ và khi ông Trưởng phòng đi tới, tôi cũng chẳng cần ngồi ngay ngắn lại, cứ thượng hai chân lên ghế và lại còn giương mắt lên, nhìn ông trừng trừng…
4.
Trong những ngày buôn bã ấy , tôi rất hay nằm mơ thấy mình biến thành bọ hung và điều đó gieo trong tôi nỗi lo lắng mơ hồ và chỉ có Trịnh thường tới an ủi mỗi khi hắn… cạn tiền uống rươu.Hắn ngồi trên chiếc ghế đẩu góc phòng, sát cửa sổ đục ra dãy hố xí hai ngăn, tóc xõa xuống cặp kính trắng,cáu kỉnh và ngáp ngắn ngáp dài. Tôi bảo rằng bác sĩ gì mà tiền uống rượu không có, đến điếu thuốc cũng đi hút chạc,trí thức suốt ngày ngủ gật. Hắn điếc rồi, tôi mắng mỏ thế mắt hắn vẩn trơ trơ, chỉ khi tôi lôi từ đáy tủ chai rượu trắng còn vừa bằng gang tay,mắt hắn mới sáng lên :
- Có một cút thôi à? Đưa tao thử coi có phải “cuốc lủi” chính hiệu không nào?
Hắn nâng niu chai rượu như con chiên đạo cơ đốc rước thánh giá, trân trọng mở nút, gí mũi hít hít rồi tợp một hơi.
- Chà… khá đấy, phải rượu bà Béo phố Huế không ? tao nói sai mày cứ đập chai vào mặt tao.Lạy trời, ước gì ngày nào cũng bốn cút sáng trưa chiều tối thế này thì sướng hơn vua. Hay tao với mày sắm đồ nghề tối tối ngồi vỉa hè vá xe đi…
Hắn tợp nữa rồi reo lên :
- Trúng qủa lớn rồi, măng sông một miếng ruột xe kiếm 2000 đồng,trong khi đó một ca ruột thừa được bồi dưỡngcó 600 đồng thôi.Một tối vá xe kiếm bằng một tuần cầm dao mổ…
Hắn cười sằng sặc, mắt đỏ ngầu :
- ĐM. thằng nào bầy ra những trò ngu xuẩn đó. Vô lý, vô lý đến láo xược. Ấy thế mà mình vẫn phải ngậm miệng, ngửa tay cầm tiền mới bi đát chứ…
Một luồng gió thốc qua dãy hố xí ,đưa vào phòng tôi cái mùi làm hắn hắt xì hơi ba cái liền.Hắn rút khăn lau cặp mắt đẫm nước :
- Chịu đựng mãi rồi cũng quen đi phải không, quen mãi, quen mãi rồi đến ngửi cứt cũng không thấy thối nữa
Tôi giật thót người, cái thằng say này nói đúng quá, sống mãi bên dãy chuồng chồ, tôi không còn thấy khó chịu nữa mới chết chớ. Chất “bọ hung” đã có thật trong tôi chứ chả bỡn đâu. Liệu rồi nó có phát triển làm biến dạng tay chân mọc lông lá , cả người co rút trong cặp cánh cứng ngắc, bay tới kho “thực phẩm” đầy ăm ắp ngay sát phòng tôi kia không ? Nỗi lo đâm nhói ngực, tôi giằng cái chai sắp cạn trong tay Trịnh gắt to :
- Mày vừa nói cái gì thế ? Mày bảo tao ngửi cứt không biết thối hả ?
- Chứ còn gì nữa ? Cứ sống mãi bên chuồng chồ thế này không khéo mày còn biến thành bọ hung ấy chứ.
- Thật không, mày nói thật không ?
Tôi lại quát lên làm hắn trợn tròn đôi mắt đỏ ngầu :
- Mày say rồi hả ? Bỗng la dưng om sòm lên thế ?
Trịnh toét miệng cười :
- Biến dạng theo ảnh hưởng của môi trường là điều có thực, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, đến các cụ ta còn nói vậy huống hồ khoa học ngày nay. Người ta đã ghi nhận khối trường hợp chó sói bắt cóc trẻ sơ sinh, lớn lên thằng bé cũng ăn thịt sống, cũng gào rú y hệt sói ấy chớ.
Một luồng gió nữa lại thổi tới, hắn lại hắt hơi liền ba cái, lại rút khăn tay ra lau rồi hỏi rối rít :
-Đó, đó mày thử xem có ngửi thấy mùi gì không ?
Tôi căng cả mũi và hít hít mấy lần cũng chẳng thấy gì, Trịnh chỉ mặt tôi cười to :
- Đấy, thấy chưa, rõ ràng là mày ngửi cứt không còn thấy thối nữa nhé. Nhất định trong người đã có chất bọ hung rồi còn gì.
Tôi tái người trước kết luận của hắn :
- Cái… chất đó liệu có phát triển không ?
Hắn cười :
-Có cái gì không qua phát sinh, phát triển, tiêu diệt ? Ông Mác nói vậy mà.
- Liệu có thuốc trị được không ?
Hắn cười ré lên :
-Khó lắm, khó lắm, còn khó trị hơn cả bệnh ung thư ấy kia. May ra, may ra chỉ có… rượu mới trị được thôi.
Tôi sầm mặt trước lời bông đùa của hắn, điều đó chứng tỏ thằng lang băm này chẳng hiểu tý gì về căn bệnh bí ẩn ấy. Hắn chỉ giỏi cầm dao mổ xẻ, phanh phui cơ thể con người còn mù tịt về những bí ẩn sâu xa bên trong. Cũng như các nhà côn trùng học, họ chỉ giỏi làm tiêu bản những cái xác kho của ruồi với bướm, hiểu sao được những điều huyền nhiệm ẩn chứa bên trong ? Bỡi nghĩa vậy, nỗi lo của tôi ngày mỗi lớn, khiến suốt mấy ngày liền, tôi cứ lần mò trong tủ phiếu lưu trữ cố tìm tài liệu nói về đề tài đó.
Ông trưởng phòng thấy tôi bỗng dưng làm việc chăm chỉ khác thường không đi muộn về sớm, không bỏ đi giữa giờ, lại tưởng những lời giáo huấn của ông đã lọt tai tôi, tuyên dương ngay tôi là cá nhân xuất sắc trong cuộc họp sơ kết thi đua cuối tháng. Lạ thay vinh dự hiếm hoi ấy không hề làm tôi hồ hởi phấn khởi lên chút nào, ngược lại, càng ngày tôi càng ủ ê, câm nín, suốt ngày hoặc ngồi như con cóc cụ góc phòng, hoặc lọ mọ giữa những giá sách bám bụi trong thư viện cơ quan.
Ông công đoàn phòng, phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật báo cáo tình trạng của tôi với ông trưởng phòng, ông này lại báo cáo với ông bí thư chi bộ, ngay lập tức có cuộc họp bộ tứ, ra nghị quyết gì đó không biết, chỉ thấy mấy hôm sau ông công đoàn hạ cố tới thăm căn buồng “tổ dế” của tôi.
Vừa đặt đít xuống chiếc ghế gỗ, ông đã đưa mắt nhìn quanh với vẻ quan tâm công đoàn làm tôi vội tưởng ông sẽ buông ra một lời an ủi, ngờ đâu ông gật gù :
- Cậu ăn ở thế này còn hơn cả khối người, cậu biết vợ chồng cậu N. không, kỹ sư điện toán cả đấy, lấy nhau hơn năm nay chưa có buồng riêng, vợ chồng “sinh hoạt” phải đưa nhau ra bờ đê, bữa trước bị bắt về đồn, tôi phải lấy giấy giới thiệu cơ quan và đăng ký kết hôn ra công an bảo lãnh đấy. Cậu ở thế này sướng chán, còn chỗ chui ra chui vào…
(còn nữa)
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét